Sáng 20-10, phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội tuy không đạt so với kế hoạch đề ra nhưng kinh tế vĩ mô vẫn duy trì ổn định. Nông nghiệp tăng trưởng khá và vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế và ổn định xã hội. Xuất khẩu hàng hóa tăng cao so với cùng kỳ, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách và các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo…

Chính phủ thừa nhận còn nhiều tồn tại, hạn chế

Trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, ước thực hiện cả năm dự kiến đạt và vượt 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đề ra. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng chỉ tăng bình quân 1,82%, cả năm ước tăng dưới mức Quốc hội giao (năm 2021 Quốc hội giao là khoảng 4%).

Bên cạnh đó các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 đạt 7,84% so với cuối năm 2020. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả năm ước đạt 628 tỉ đô la Mỹ. Nợ công 43,7% GDP. Tiếp tục thặng dư cán cân thanh toán quốc tế, dự kiến năm 2021 khoảng 9 tỉ đô la Mỹ. Vốn FDI thực hiện 9 tháng ở mức cao 13,28 tỉ đô la Mỹ (dự kiến cả năm đạt 19-20 tỷ đô la Mỹ). Mặt bằng lãi suất bình quân cho vay tiền đồng của hệ thống tài chính tiêu dùng giảm (đến cuối tháng 8-2021 giảm khoảng 1,66% so với trước khi có dịch).

Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt trên 80%, cả năm ước vượt dự toán (thu cả năm ước đạt khoảng 1.365,5 nghìn tỉ đồng, vượt khoảng 22,2 nghìn tỉ đồng (tăng 1,7% so với dự toán), bằng 90,6% thực hiện năm 2020); bội chi ngân sách nhà nước trong phạm vi dự toán (4%GDP). Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm đạt khoảng 35% GDP. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 9 tháng đạt trên 240 tỉ đô la Mỹ, cả năm ước tăng khoảng 10,7%. Mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối nhà nước tiếp tục được củng cố…

Dự kiến có 4/12 chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra, gồm tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt khoảng 3-3,5% so với mục tiêu khoảng 6%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ước đạt khoảng 32%, thấp hơn so với mục tiêu khoảng 44-47%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều ước giảm 0,5-1 điểm phần trăm, thấp hơn so với mục tiêu 1-1,5 điểm phần trăm…

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, tuy nhiên quí 3 giảm 6,17% do ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt dịch bùng phát lần thứ tư nên tính chung 9 tháng GDP chỉ tăng 1,42%. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; sức ép lạm phát tăng; xuất khẩu giảm tốc, tiếp tục xu hướng nhập siêu; xuất nhập khẩu phụ thuộc vào khu vực FDI và một số ít thị trường. Xuất hiện tình trạng đứt gãy một số chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động. Thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán có thời điểm tăng nóng. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, nhất là vốn ODA và vay ưu đãi. Khu vực dịch vụ gặp khó khăn nghiêm trọng, đặc biệt là du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải hành khách. Lao động, việc làm bị ảnh hưởng nặng nề.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết những tồn tại, hạn chế có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan cơ bản là do dịch Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng và gây hậu quả nặng nề, khiến 23 địa phương phải thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội trong thời gian dài. Trong đó có các trung tâm kinh tế lớn, vùng động lực tăng trưởng. Bên cạnh đó có những nguyên nhân tác động từ bên ngoài như chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy; giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước, phí vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng cao; việc huy động chuyên gia, nhà quản lý, nhà thầu nước ngoài, máy móc, thiết bị nhập khẩu bị gián đoạn. Dòng vốn đầu tư toàn cầu phục hồi chậm đã ảnh hưởng đến tình hình thu hút FDI.

Nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có lúc, có nơi còn lơ là, mất cảnh giác, chủ quan, bị động, lúng túng hoặc cứng nhắc, chưa đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất. Còn hạn chế, bất cập trong phân tích, dự báo tình hình để xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, phương án vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội. Năng lực một bộ phận cán bộ còn hạn chế. Việc thực hiện các biện pháp, chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương về phòng, chống dịch, lưu thông hàng hóa, tổ chức sản xuất an toàn có lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa nghiêm, áp dụng thiếu nhất quán, chưa linh hoạt. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn diễn biến nhanh, khó lường; thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân vẫn còn phiền hà…

Mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% trong năm 2022

Nói về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2021, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tập trung nỗ lực cao nhất cho phòng, chống dịch Covid-19. Xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế. Thúc đẩy viện trợ, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất trong nước. Đẩy nhanh tiến độ bao phủ tiêm vaccine, chuẩn bị thuốc điều trị cần thiết, nâng cao năng lực y tế, nhất là công tác điều trị và ở cơ sở.

Chính phủ sẽ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế; giảm thiểu các thủ tục và chi phí sản xuất kinh doanh. Điều chỉnh linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu. Tập trung ưu tiên triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp. Nhanh chóng khôi phục thị trường lao động do bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19. Thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hoá thông suốt…

Bên cạnh đó Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu cho năm 2022. Trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6-6,5%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%.

Theo thesaigontimes