Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 06/2024/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một
số điều của Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn quản lý lao động, tiền
lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty do Nhà nước
nắm giữ 100% vốn điều lệ và Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chế độ tiền
lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty do Nhà nước nắm giữ
100% vốn điều lệ.
Thông tư mới
ban hành bổ sung quy định thang lương, bảng lương, phụ cấp lương với người lao
động trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100%
vốn điều lệ.
Theo đó, mức
lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do công ty quyết định. Quỹ
tiền lương (xác định trên cơ sở tổng tiền lương trong năm của tất cả người lao
động) không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động.
“Khi sửa đổi,
bổ sung hoặc xây dựng , ban hành mới thang lương, bảng lương, phụ cấp lương,
công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ
chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản
hướng dẫn. Công ty phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến và công
khai tại công ty trước khi thực hiện”, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng
dẫn.
Trường hợp,
công ty lỗ hoặc không có lợi nhuận, tiền lương bình quân tính bằng mức tiền
lương trong hợp đồng lao động. Đối với người quản lý, kiểm soát viên chuyên
trách, mức lương sẽ do hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty quyết định
nhưng không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của đối tượng này.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn cách tính lương cho người
lao động trong doanh nghiệp nhà nước. (Ảnh minh hoạ: VGP).
Khi xếp hạng
công ty thay đổi hoặc người quản lý, Kiểm soát viên chuyên trách thay đổi chức
vụ, chức danh, mức tiền lương tính theo chức vụ, chức danh mới, không bảo lưu mức
lương theo chức vụ cũ.
Công ty có
lợi nhuận cao hơn kế hoạch, người lao động, người quản lý sẽ được áp dụng hệ số
lương tăng thêm. Với công ty hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, khi xác định
tiền lương, chỉ tiêu lợi nhuận được tính bằng tổng doanh thu trừ tổng chi phí.
Theo số liệu
của Bộ Tài chính, đến cuối năm 2022, cả nước có khoảng 478 doanh nghiệp do nhà
nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ cổ
phần chi phối.
Doanh nghiệp
do nhà nước nắm giữ 100% vốn đang tập trung hoạt động trong một số ngành, lĩnh
vực như: Quốc phòng an ninh, chiếm khoảng 17%; nông, lâm nghiệp và công trình
thuỷ lợi chiếm 40%; hoạt động xổ số 13%; hoạt động công ích (đô thị, chiếu
sáng, cấp thoát nước…) 14%; hoạt động trong các ngành, lĩnh vực khác kết hợp sản
xuất kinh doanh chiếm 16%.
Các doanh
nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở
hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, 25,78% tổng vốn sản xuất kinh
doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định, đầu tư tài chính dài hạn của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp nhà nước đóng góp khoảng 28% thu ngân sách nhà nước; thu hút
khoảng 0,7 triệu lao động, chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh
nghiệp.
BTP