Chuyến
công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa minh chứng hình ảnh
Việt Nam yêu chuộng hòa bình, tích cực, có trách nhiệm thông qua các đóng góp
hiệu quả, thực chất về mọi mặt tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là tại Liên
hợp quốc, được cộng đồng quốc tế đặt nhiều kỳ vọng.
Với Hoa Kỳ,
chuyến công tác của Thủ tướng diễn ra ngay sau chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt
Nam của Tổng thống Joe Biden, nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện
vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.
Vì vậy,
chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng nhằm cụ thể hóa, triển khai các thỏa thuận,
cam kết đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
Có thể thấy
rõ xung lực mới của mối quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, an
ninh và phát triển bền vững” ở mỗi chặng đường trên đất nước Hoa Kỳ và đoàn Thủ
tướng Phạm Minh Chính tới thăm, làm việc. Chắc chắn, phía Hoa Kỳ cảm nhận rất
rõ một chính phủ “hành động”, một quyết tâm rất lớn của Việt Nam trong việc
phát triển mạnh mẽ, thực chất tầm cao mới trong quan hệ mà hai bên vừa thiết lập.
“Quan hệ
Việt Nam-Hoa Kỳ rất riêng, rất đặc biệt”; “đưa công nghệ, đổi mới sáng tạo và đầu
tư thực sự trở thành trụ cột mới quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược toàn
diện”; “hãy lấy Việt Nam làm cứ điểm tại khu vực Đông Nam Á”; “hãy cùng nhau hợp
tác, cùng nhau chiến thắng, cùng nhau có lợi trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi
ro chia sẻ”, “hãy đến với Việt Nam để chứng kiến sự đổi mới của Việt Nam”,
“thành công của các bạn cũng là thành công của chúng tôi và ngược lại”…
Mỗi cuộc gặp
gỡ của Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo, quan chức, chính khách, doanh
nghiệp, học giả, sinh viên… từ San Francisco đến thủ đô Washington D.C hay New
York là những thông điệp mạnh mẽ và ấn tượng như vậy, để cảm nhận rõ một khí thế
mới, một tinh thần mới đang trào dâng trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện
Việt Nam - Hoa Kỳ.
Những đề
xuất, biện pháp để thúc đẩy hợp tác song phương “xứng tầm” với khuôn khổ mới của
quan hệ được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu bật rất cụ thể. Theo đó, Việt Nam
xác định hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư là nền tảng, là “động cơ vĩnh
cửu” của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ.
Dưới đây
xin điểm lại một số hoạt động nổi bật trong lĩnh vực kinh tế mà Thủ tướng Phạm
Minh Chính cùng với đoàn công tác đã thực hiện trong chuyến đi vừa kết thúc tốt đẹp mới đây:
1. Thủ tướng
Phạm Minh Chính đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt
Nam
Để triển
khai hiệu quả khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Thủ tướng Phạm
Minh Chính đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt
Nam, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ cao của Hoa Kỳ làm ăn kinh doanh tại
Việt Nam. Bên cạnh đó, hai bên cần tạo đột phá trong hợp tác khoa học công nghệ,
đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp
tác chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng tái tạo…
“Chính phủ
Việt Nam sẵn sàng mở cửa đón tất cả doanh nghiệp tới đầu tư kinh doanh đúng
pháp luật, ổn định, hiệu quả vì sự hùng cường, thịnh vượng của mỗi nước, ấm no,
hạnh phúc của người dân… Đây là cách tốt nhất để hàn gắn vết thương, gác lại
quá khứ, hướng tới tương lai”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Diễn đàn
kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ.
Về phía Hoa Kỳ, trong các trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính, các lãnh đạo, chính khách và doanh nghiệp Hoa Kỳ đều bày tỏ sự ủng hộ mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ ngày càng phát triển hơn nữa, đồng thời cho rằng, Việt Nam trở thành quốc gia ngày càng có vai trò và tiếng nói quan trọng ở khu vực.
Theo Bộ
trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo, các doanh nghiệp Mỹ sẽ đầu tư mạnh vào
Việt Nam trong thời gian tới. Một ví dụ cụ thể, ngay trong chuyến thăm của Thủ
tướng Phạm Minh Chính đến thung lũng Silicon, Phó Chủ tịch Tập đoàn Meta (một
trong những công ty công nghệ có giá trị nhất thế giới) Joel Kaplann đã nhấn mạnh
thị trường Việt Nam rất lớn, tiềm năng và mong muốn mở rộng đầu tư tại mảnh đất
hình chữ S.
2. Khẳng định
Việt Nam luôn là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm
Tại New
York, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự một sự
kiện đa phương có ý nghĩa vô cùng quan trọng - Phiên thảo luận chung cấp cao
Khóa 78 ĐHĐ LHQ với chủ đề “Xây dựng lại lòng tin và thúc đẩy đoàn kết toàn cầu:
Tăng cường hành động về Chương trình Nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền
vững hướng tới hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững cho tất cả mọi người”.
Trong
khuôn Phiên thảo luận cấp cao ĐHĐ LHQ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham
gia các Phiên họp cấp cao với nhiều hoạt động quan trọng như dự và phát biểu tại
Phiên thảo luận chung cấp cao ĐHĐ; dự và phát biểu tại các Hội nghị Thượng đỉnh,
Hội nghị cấp cao của LHQ về các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, ứng phó đại
dịch... cùng nhiều cuộc gặp song phương nhằm chuyển tải chính sách nhất quán của
Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đến bạn bè quốc tế về một Việt Nam hòa
bình, hợp tác và hội nhập, đưa quan hệ Việt Nam với LHQ và các nước lên một tầm
cao mới.
Giữa một
thế giới đứng giữa bờ vực rạn nứt – nhận định của Tổng thư ký Antonio Guterres
tại Phiên khai mạc ĐHĐ LHQ, mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ được Tổng thống Hoa Kỳ
Joe Biden gợi lên như một biểu tượng của sự hàn gắn, một hình mẫu vượt qua quá
khứ, vì hòa bình và tương lai.
Dường như
không ai có thể tưởng tượng một ngày Tổng thống Hoa Kỳ đứng cạnh Lãnh đạo Việt
Nam ở Hà Nội và tuyên bố cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác ở mức độ cao nhất.
Đây là một minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trở
thành đối tác cùng giải quyết các thách thức và hàn gắn vết thương.
Với Việt
Nam, hợp tác với LHQ luôn giữ một vị trí quan trọng trong đường lối, chính sách
đối ngoại của Đảng và Nhà nước nói chung và trong đối ngoại đa phương nói
riêng. Kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của LHQ năm 1977, hợp
tác Việt Nam - LHQ không ngừng phát triển, mang lại nhiều ý nghĩa và kết quả
thiết thực cho cả hai bên.
Trên chặng
đường tham gia, hợp tác với LHQ, Việt Nam ngày càng khẳng định là thành viên
tích cực, chủ động, có trách nhiệm và đóng góp có hiệu quả, được cộng đồng quốc
tế đánh giá cao và gửi gắm kỳ vọng lớn.
Việt Nam xử
lý cân bằng, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tăng cường vị thế đất nước,
được bạn bè quốc tế tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng. Việt
Nam hiện giữ nhiều trọng trách, nổi bật là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ
(nhiệm kỳ 2023-2025), đồng thời tiếp tục ứng cử vào một số vị trí, cơ quan của
LHQ.
3. Đề nghị
các tập đoàn công nghiệp hàng đầu, các quỹ đầu tư lớn của Hoa Kỳ hợp tác, hỗ trợ
xây dựng trung tâm tài chính
Trong chiều
ngày 21/9 tại thành phố New York, Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã
có buổi tiếp một số doanh nghiệp công nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ và thế giới, gồm
Apple, Boeing, Google và Siemens Healthineers.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ Chính phủ
toàn cầu của Tập đoàn Apple, ông Nick Ammann
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp lãnh đạo Tập đoàn Boeing
Và tối cùng
ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc tọa đàm, ăn tối làm việc với lãnh đạo
1 số các tập đoàn đa quốc gia và các quỹ đầu tư tài chính lớn của Hoa Kỳ.
Tại buổi
toạ đàm này, Thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyến thăm Việt
Nam của Tổng thống Joe Biden, với việc Việt Nam và Hoa Kỳ đã cùng nhau nâng cấp
quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững,
mở ra những cơ hội hợp tác mới trong hợp tác thương mại và đầu tư.
Trong thời
gian tới, Việt Nam tập trung thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần
hoàn, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tham gia sâu hơn vào cấu
trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu; tiếp tục mở cửa nền
kinh tế, chuyển sang thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng và có trọng tâm,
trọng điểm; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ,
năng lực sản xuất để đáp ứng và tham gia chuỗi cung ứng các doanh nghiệp đầu tư
nước ngoài; đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, các dự án
quan trọng, cấp thiết, có tính lan tỏa lớn; chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng
cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ tỷ phú Bill Gates (ngày 20/9) đánh giá
cao thiện chí và những hoạt động hợp tác, hỗ trợ Việt Nam của cá nhân ông Bill
Gates cũng như các quỹ. Đồng thời mời tỷ phú Bill Gates thăm lại Việt Nam, đề
nghị ông ủng hộ và hỗ trợ hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (dự
kiến cơ sở mới của Trung tâm này chuẩn bị được khai trương trong tháng tới),
cũng như truyền cảm hứng, tạo động lực cho thế hệ trẻ Việt Nam về đổi mới sáng
tạo.
Theo Thủ
tướng, việc triển khai các lĩnh vực ưu tiên nói trên đều cần nguồn tài chính, cần
sự đồng hành, chia sẻ nguồn lực của bạn bè quốc tế, các doanh nghiệp đa quốc
gia, các quỹ đầu tư lớn trên thế giới nói chung và Hoa Kỳ nói riêng.
Đặc biệt,
kinh nghiệm và nguồn lực của các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn
đa quốc gia, các quỹ đầu tư lớn trên thế giới là cần thiết và quan trọng nhằm
thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển trung tâm tài chính và hoạt động đầu
tư vào các ngành, lĩnh vực đóng góp cho phát triển bền vững như kinh tế xanh,
kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, tài chính xanh.
Thủ tướng
đề nghị các tập đoàn, quỹ đầu tư toàn cầu chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chính
sách, các thứ tự ưu tiên trong huy động các nguồn tài chính, tham gia vào quá
trình xây dựng, cùng đầu tư và phát triển trung tâm tài chính tại Thành phố Hồ
Chí Minh.
Thủ tướng
cho biết, Việt Nam đang tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán, thị
trường trái phiếu doanh nghiệp và trên cơ sở kinh nghiệm đã có, Việt Nam mong
muốn các tập đoàn, quỹ đầu tư tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ để xây dựng,
phát triển các loại thị trường khác, như thị trường quyền sử dụng đất, thị trường
khoa học, lao động… theo hướng minh bạch, công khai, từ đó huy động các nguồn lực
phát triển, thu hút đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp…
Thủ tướng
cũng đề nghị các tập đoàn, quỹ đầu tư đóng góp ý kiến và gợi ý một số giải pháp
hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị đối với cả khu vực công và khu vực tư nhân
trong nước, hướng đến sự minh bạch, hiệu quả cao và phát triển bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm hợp tác cùng có lợi, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, làm từ đơn giản đến phức tạp, từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, làm đến đâu chắc chắn đến đó. Về phần mình, Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, bền vững.
Tại cuộc tọa
đàm, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước phía Việt Nam và các đại biểu đã tập
trung thảo luận về các giải pháp, định hướng nhằm đẩy mạnh thu hút các nguồn
tài chính cho phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là trong xây dựng, hình thành
và phát triển trung tâm tài chính.
Trong Chiến
lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021- 2030, Việt Nam đặt mục tiêu xây
dựng trung tâm tài chính quốc tế nhằm tạo một bước chuyển mới về chất, thu hút
thêm nguồn lực, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa Việt Nam
tham gia vào nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu.
Trong bối
cảnh biến động về địa kinh tế, chính trị trên thế giới thời gian qua và diễn biến
mới nhất tại các trung tâm kinh tế, tài chính trong khu vực và thế giới, Việt
Nam đang được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng về thu hút đầu tư, dần
hội tụ nhiều yếu tố để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình
thành trung tâm tài chính, có khả năng liên kết với các trung tâm tài chính
trong khu vực và trên thế giới nhờ có các lợi thế.
Các lợi thế
đó gồm kinh tế vĩ mô và chính trị được duy trì ổn định; vị trí địa lý thuận lợi,
có tính kết nối cao, có múi giờ khác biệt với các trung tâm tài chính lớn nhất
toàn cầu gắn với vị trí địa kinh tế chiến lược; triển vọng tốt nhờ tích cực cải
thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng; chuyển đổi
kinh tế số và gia tăng chỉ số đổi mới sáng tạo; quy mô nền kinh tế và mức độ
phát triển của thị trường tài chính ngày càng được cải thiện, thu hút được sự
quan tâm của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài tham gia
vào thị trường tài chính…
Đối với Việt
Nam, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là vấn đề mới, phức tạp, do đó,
việc lựa chọn mô hình và cách thức xây dựng trung tâm tài chính cần được thực
hiện trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc các bài học kinh nghiệm quốc tế. Nguyên tắc
xuyên suốt phải là tạo ra "sân chơi" cho các nhà đầu tư tài chính quốc
tế, có luật chơi chung, tương thích với thông lệ quốc tế (cơ chế vận hành, phát
triển các hệ sinh thái, ưu đãi…), nhưng đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực
tiễn của Việt Nam.
4. Thiết lập
quan hệ liên kết kinh tế giữa TPHCM và New York
Ngày 22/9, theo giờ địa phương, tại New York, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp Thị trưởng thành phố New York Eric Adams và chứng kiến Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng Thị trưởng New York ký kết bản ghi nhớ thiết lập quan hệ kết nghĩa giữa hai thành phố.
Tại cuộc gặp,
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của chính quyền
và nhân dân thành phố New York đối với đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Thủ tướng
chúc mừng chính quyền thành phố New York đã vượt qua đại dịch COVID-19 và nhanh
chóng phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng
khẳng định Việt Nam đồng thời khẳng định coi trọng thúc đẩy hợp tác với New
York, trung tâm thương mại, tài chính hàng đầu thế giới và sẽ bảo đảm quyền lợi
cho các nhà đầu tư, kinh doanh của Hoa Kỳ nói chung và New York nói riêng tại
Việt Nam.
Thủ tướng
cho rằng dư địa để thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa New York và các địa phương,
cơ quan của Việt Nam vẫn còn rất lớn, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư,
giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Theo đó,
Thủ tướng bày tỏ vui mừng về việc TPHCM và thành phố New York ký kết Biên bản
thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác, coi đây là minh chứng sinh động cho quan hệ
tốt đẹp giữa Việt Nam-Hoa Kỳ nói chung cũng như giữa các địa phương của hai nước
nói riêng, đồng thời mong muốn sẽ có thêm nhiều quan hệ hợp tác giữa các địa
phương của hai nước được thiết lập trong thời gian tới. Thủ tướng cũng đã có lời
mời Thị trưởng sớm thăm lại Việt Nam.
Thị trưởng
thành phố New York Eric Adams nhiệt liệt chào mừng và bày tỏ vinh dự được đón
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới thăm New York
trong bối cảnh hai nước vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện
vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững nhân chuyến thăm Việt Nam lịch sử của
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vừa qua. Thị trường chia sẻ đã từng thăm Việt Nam,
luôn lưu giữ những kỷ niệm và ấn tượng hết sức tốt đẹp về đất nước, con người
Việt Nam và mong muốn sớm thăm lại Việt Nam.
Thị trưởng
Eric Adams chia sẻ và nhất trí với các ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, khẳng
định New York coi trọng và sẵn sàng tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp
tác hiệu quả, thực chất với Việt Nam, đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển
chung của quan hệ hai nước cũng như quan hệ giữa New York và TPHCM, đặc biệt
trên các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường, giao lưu thế hệ trẻ…Thị
trưởng New York khẳng định sẽ có các biện pháp hỗ trợ TPHCM, góp phần đưa TPHCM
trở thành một trung tâm tài chính mạnh của khu vực và quốc tế.
Nhân dịp
này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi
và Thị trưởng New York ký kết biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ kết nghĩa giữa
thành phố New York và TPHCM.
Theo Chủ tịch
UBND TPHCM Phan Văn Mãi, việc này có ý nghĩa to lớn đối với hai thành phố,
không chỉ mang tính biểu tượng mà còn thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong việc
thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện, thực chất, hiệu quả giữa hai quốc gia ở tất
cả các cấp.
TPHCM một
lần nữa là địa phương đầu tiên thiết lập quan hệ kết nghĩa với một địa phương
Hoa Kỳ trong bối cảnh hai quốc gia có bước tiến mạnh mẽ trong quan hệ (trước đó
là vào năm 1995 với thành phố San Francisco vào thời điểm hai quốc gia bình thường
hoá quan hệ).
Quan hệ kết
nghĩa giữa hai thành phố sẽ là nền tảng vững chắc, thuận lợi cho các chương
trình hợp tác song phương. Trên nền tảng quan hệ kết nghĩa này, ông Phan Văn
Mãi hy vọng giữa hai thành phố sẽ tập trung vào thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm,
hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, văn hoá, môi trường (đặc biệt
liên quan đến biến đổi khí hậu), khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và giáo dục.
Bên cạnh
các liên kết ở cấp chính quyền, việc thiết lập quan hệ kết nghĩa giữa hai thành
phố sẽ mở ra không gian cho các doanh nghiệp hai bên kết nối, tăng cường hợp
tác, mở rộng thị trường, thông qua tổ chức các đoàn doanh nghiệp và hoạt động
xúc tiến thương mại -đầu tư chung giữa hai thành phố.
Đặc biệt,
việc kết nghĩa giữa TPHCM và thành phố New York – một trong những trung tâm tài
chính quan trọng của thế giới, có thể mang lại nhiều lợi ích cho cả hai thành
phố và hỗ trợ TPHCM trong việc thực hiện hoá mục tiêu trở thành trung tâm tài
chính khu vực và quốc tế.
T/h