Thông tin
từ Bộ NN-PTNT cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2023 đạt 13,4
tỷ USD, giảm 16,2% so với năm 2022. Đây là năm đầu tiên thế mạnh Việt đứng Top
5 thế giới, ghi nhận tăng tưởng âm sau khi duy trì đà tăng suốt 2 thập kỷ qua,
kim ngạch xuất khẩu từ con số 219 triệu USD năm 2000 tăng lên 15,8 tỷ USD vào
năm 2022.
Tháng 1 đầu
năm nay, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thị trường phục hồi tốt,
mặt hàng nào xuất khẩu cũng tăng đột biến. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ
thu về 1,49 tỷ USD, tăng 72,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong lĩnh
vực nông nghiệp, gỗ và sản phẩm gỗ cũng là mặt hàng duy nhất có kim ngạch xuất
khẩu vượt mốc 1 tỷ USD chỉ trong 1 tháng và chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu
của toàn ngành nông nghiệp.
Hiện, Mỹ,
Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường xuất khẩu chính của ngành hàng
gỗ Việt. Trong năm 2023, các thị trường này chiếm 85% tổng kim ngạch xuất khẩu
toàn ngành hàng này của nước ta.
Kim ngạch
xuất khẩu của ngành gỗ cho thấy, tín hiệu phục hồi từ những tháng cuối năm
2023. Tuy nhiên, trước những khó khăn của thị trường khi xung đột giữa các quốc
gia diễn biến phức tạp, kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của
doanh nghiệp.
Ngành gỗ
đang đối mặt với một số vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững của ngành,
đặc biệt là quy định chống phá rừng của EU, sản phẩm gỗ có phát thải carbon thấp,
rủi ro về nguyên liệu gỗ nhập khẩu.
Cùng với
đó, xung đột Biển Đỏ khiến một số hãng vận tải biển phải ra thông báo dừng vận
chuyển hàng hóa, hoặc thay đổi lịch trình kéo theo hệ luỵ cước vận tải biển gia
tăng với nhiều khoản phụ phí phát sinh,…
Những yếu
tố này tác động lớn tới doanh nghiệp ngành gỗ, do đó triển vọng xuất khẩu gỗ và
sản phẩm gỗ trong năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức.
Dù vậy,
ngành lâm nghiệp vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ năm nay sẽ đạt 17,5 tỷ USD. Nếu
mục tiêu được hoàn thành, kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này trong năm 2024
sẽ tăng 21% so với năm 2023 và tăng 3% so với năm 2022.
Các cơ
quan quản lý và chuyên gia trong ngành nhấn mạnh đến việc xây dựng hình ảnh
ngành gỗ Việt Nam phát triển bền vững, dựa trên yếu tố cơ bản là sử dụng gỗ có
chứng chỉ và sản phẩm giảm phát thải.
Theo ông
Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), đạt được mục tiêu
sản xuất xanh, các doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản sẽ có lợi thế hơn vì hiện
nay người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến sản phẩm xanh, sản phẩm không
làm suy thoái, mất rừng, không phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất.
Các doanh
nghiệp sản xuất xanh, có chuỗi cung ứng xanh cũng sẽ tạo được uy tín với khách
hàng.
Ngoài ra,
khi cơ chế điều chỉnh biên giới carbon được triển khai tại các thị trường
xuất khẩu chính của ngành gỗ Việt như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản,..., các sản phẩm
đạt tiêu chuẩn sản xuất xanh, chuỗi sản xuất xanh sẽ không phải đóng phí phát
thải khí nhà kính.
VNN