Cần thiết thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon

Tín chỉ carbon là một giấy phép cho phép chủ sở hữu thải ra một lượng carbon dioxide nhất định hoặc các khí nhà kính khác. Trên thị trường, việc mua bán carbon hay chính xác hơn là mua bán sự phát thải khí CO2, được thực hiện thông qua tín chỉ. Một tín chỉ cho phép phát thải một tấn carbon dioxide hoặc tương đương trong các khí nhà kính khác.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay đã có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ đã áp dụng định giá carbon với sự tham gia của hàng chục nghìn tập đoàn, doanh nghiệp lớn, nguồn thu năm 2022 khoảng 95 tỷ USD.Tín chỉ carbon có nhiều mức giá khác nhau, tùy thuộc vào vị trí và thị trường nơi chúng được giao dịch.

Trong cuộc họp diễn ra hồi đầu năm Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc hình thành thị trường tín chỉ carbon là thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero) trên thực tế, bằng công cụ kinh tế để quản lý phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp..

“Chúng ta phải chủ động xây dựng thị trường tín chỉ carbon ngay từ bây giờ để có ứng xử phù hợp với các quốc gia, khu vực đã áp dụng công cụ kinh tế, tài chính để quản lý lượng phát thải khí carbon, tránh tổn thất, thiệt thòi cho doanh nghiệp, bảo vệ được lợi ích quốc gia", Phó Thủ tướng nói.

Hàng hóa trên thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam gồm 2 loại: hạn ngạch phát thải khí nhà kính; tín chỉ carbon do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận được giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường tín chỉ carbon trong nước. Bộ Tài chính cũng đã đề xuất thực hiện mô hình này tại Việt Nam.

Vướng mắc cơ sở pháp lý

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tham gia thị trường giao dịch tín chỉ carbon, tuy nhiên, điểm vướng mắc hiện tại là cơ sở pháp lý.

“Thời điểm hiện tại, việc quyết định có tham gia vào thị trường tín chỉ carbon hay không sẽ còn phụ thuộc nhiều vào khung chính sách. Sau khi các bộ, ngành làm xong khung chính sách thì các doanh nghiệp như chúng tôi mới tính chuyện tham gia”, ông Nguyễn Văn Thanh – Tổng Giám đốc công ty GSM toàn cầu trao đổi với chúng tôi.

Ông Thanh cho biết thêm việc tham gia vào thị trường tín chỉ carbon cùng nằm trong kế hoạch của công ty, tuy nhiên hiện chưa có kết luận cuối cùng cho kế hoạch này.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu & Phát triển (R&D) Vinamilk, cho biết thời gian qua công ty đã thực hiện nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

“Trong tương lai, chúng tôi có thể tính đến việc bán tín chỉ carbon nếu việc hấp thụ khí thải nhà kính lớn hơn so với lượng thải ra”, ông Khánh nói.

Ông Khánh cho biết có dự án thì phải tính chi phí đầu tư và tỷ suất lợi nhuận thu lại, nhưng kinh nghiệm của Vinamilk nếu đầu tư từ sớm thì chi phí sẽ thấp hơn và lợi ích thu lại lớn hơn rất nhiều.

"Nếu nhiều năm trước chúng tôi không tiến hành chương trình 1 triệu cây xanh thì bây giờ chúng tôi không thể tự trung hòa lượng phát thải phát ra", ông Khánh chia sẻ và cho biết "Trang trại và nhà máy cân bằng khoảng 17.500 tấn CO2/năm. Điều này tương đương 1,7 triệu cây xanh 5 tuổi. Chi phí là có nhưng hiệu ích lớn hơn".

Còn đối với những ngành rất khó để giảm phát thải về 0 như ngành thép, việc mua tín chỉ carbon được xem là biện pháp khả thi. Những doanh nghiệp này có nhu cầu nhưng cũng giống như các doanh nghiệp có nguồn cung (có tiềm năng bán tín chỉ carbon), khung pháp lý vẫn là rào cản.

“Chúng tôi cũng quan tâm đến phương án mua tín chỉ carbon, nhưng hiện vẫn phải chờ sàn giao dịch được vận hành chính thức”, đại diện Hòa Phát chia sẻ.

Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn đang trong tiến trình xây dựng khung pháp lý. Theo đó, giai đoạn 2022 - 2027, Việt Nam sẽ tập trung xây dựng các hệ thống quy định, chính sách tạo nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thành lập và tổ chức vận  hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, hướng đến chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2028.

Việc phát triển thị trường tín chỉ carbon Việt Nam là một trong những công cụ kinh tế đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường từ năm 2020. Tuy nhiên, cho đến nay, việc công nhận và phát hành tín chỉ carbon vẫn phụ thuộc vào bên thứ 3 là các tổ chức hoặc các cơ chế tín chỉ quốc tế. Hình ảnh của bên bán ở Việt Nam thì vẫn còn khá mờ nhạt.

Trước những yêu cầu ngày càng lớn về quy định bảo vệ môi trường của thị trường nhập khẩu, một số doanh nghiệp mong muốn đẩy nhanh hơn việc thành lập sàn giao dịch carbon.

Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Tái sinh Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi mong muốn việc này sẽ được đẩy nhanh hơn từ năm 2025 bởi hiện nay các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam không hỏi nhiều về chi phí lao động  là bao nhiêu nữa. Thay vào đó họ sẽ hỏi năng lượng xanh của chúng tôi sẽ lấy từ đâu? Chúng tôi sẽ trao đổi carbon ở đâu?”.

Ông Vượng nói thêm hiện nay một số nước như Mỹ, châu Âu đã áp dụng những chính sách bảo vệ môi trường mới lên hàng hoá nhập khẩu .

Tuy nhiên, quá trình xây dựng khung pháp lý còn nhiều rào cản như phần lớn vùng sản xuất nông nghiệp và diện tích rừng chưa được phát triển tín chỉ carbon; thiếu sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; hạn chế trong đo đạc, kiểm đếm, thẩm định, chứng nhận tín chỉ carbon; xác định hàm lượng carbon trong hàng hóa;…

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết một số điểm mấu chốt trong hình thành thị trường tín chỉ carbon là quản lý hoạt động hình thành tín chỉ carbon; xây dựng kế hoạch giảm phát thải theo từng lĩnh vực; cơ chế trao đổi tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế…

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng cần có cơ sở phân bổ hạn ngạch phát thải để làm căn cứ xây dựng cơ chế chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, quản lý hoạt động phát thải. Bên cạnh đó, thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam phải kết nối với thế giới để các doanh nghiệp nước ngoài yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh.

"Đề án cần xác định rõ hơn mô hình thị thường với lộ trình triển khai nhất là xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan; đánh giá tác động toàn diện với các ngành sản xuất, các hiệp định, cam kết quốc tế…", Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc trao đổi.

VNB