Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho
thấy, trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và
linh kiện thu về hơn 4,4 tỷ USD, tăng 50,6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 5
tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện cán mốc 22,5 tỷ USD,
tăng 11,6% so với 5 tháng năm 2023.
Bên cạnh “phần cứng”, Việt Nam hiện có
trên 1.500 doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài, với doanh thu ước đạt
khoảng 7,5 tỷ USD. Doanh thu thị trường xuất khẩu nước ngoài đóng góp khoảng
80% tổng doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Xuất khẩu “phần cứng” và “phần mềm” là kết
quả của chiến lược phát triển kinh tế số, chuyển đổi số mà Việt Nam khởi xướng
từ nhiều năm trước. Đến nay, Việt Nam không chỉ là điểm đến của các nhà sản xuất
công nghiệp công nghệ số như Samsung, LG, Intel…, mà còn là sự lựa chọn cho làn
sóng bán dẫn mới.
Nếu như năm 2019, kinh tế số mới đóng góp
vào nền kinh tế Việt Nam khoảng 5%, với 12 tỷ USD, thì đến năm 2023, kinh tế số
đóng góp tới 16,5% GDP, đạt tốc độ tăng trưởng hơn 19%/năm. Mục tiêu năm 2024,
doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông đạt 140 tỷ USD.
Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng, đến
năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm trên 20% GDP cả nước, tăng trưởng 20 - 25%/năm, gấp
3 lần tăng trưởng GDP. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối
thiểu 10%.
Năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu là năm
phát triển kinh tế số, với 4 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), số
hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số. Đó là động lực quan trọng cho
phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông
tin và Truyền thông chia sẻ, để phát triển ngành công nghiệp CNTT, Bộ Thông tin
và Truyền thông sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định 154/2013/NĐ-CP của
Chính phủ quy định về khu CNTT tập trung để tạo điều kiện phát triển các khu
CNTT tập trung, đặc biệt tại các địa phương có nguồn nhân lực tốt, hạ tầng năng
lượng xanh, tái tạo và có điều kiện giao thông, du lịch thuận tiện.
Đồng thời, nghiên cứu xây dựng Luật Công
nghiệp công nghệ số để công nghiệp CNTT trở thành ngành công nghiệp nền tảng.
Thúc đẩy đào tạo các nhóm ngành mới (vi mạch, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu) phù hợp
với nhu cầu và xu hướng phát triển trên thế giới.
Về dữ liệu, Bộ Thông tin và Truyền thông đề
xuất, mỗi bộ, ngành, địa phương lựa chọn xây dựng 3-5 bộ dữ liệu (dataset) chất
lượng cao. Mỗi ngành kinh tế lựa chọn và công bố 5 kịch bản khai thác, sử dụng
dữ liệu nhằm tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội.
Về quản trị số, Bộ Thông tin và Truyền
thông đang triển khai xây dựng 3 trợ lý ảo. Trong đó, trợ lý ảo lập pháp để
phát hiện những mâu thuẫn khi làm văn bản pháp luật; trợ lý ảo hỗ trợ hành pháp
hỗ trợ cán bộ, công chức thực hiện công việc theo quy định; trợ lý ảo hỗ trợ
pháp lý cho người dân trả lời các câu hỏi liên quan đến pháp luật, đến các quy
định của Nhà nước.
Làn sóng tiếp theo của kinh tế số
Tại cuộc họp mới đây của Ủy ban Quốc gia về
chuyển đổi số, Chính phủ xác định, năm 2024 là năm bứt phá trong thực hiện Kế
hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Nhiệm vụ tập trung hiện nay
là thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, khai thác hiệu quả
các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy động lực tăng trưởng mới, như
phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, đẩy mạnh chuyển đổi số
quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Đặc biệt,
chú trọng 3 đột phá chiến lược, gồm thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng.
Liên quan ngành, lĩnh vực chuyển đổi số,
kinh tế số mới trong tương lai gần, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn
FPT chia sẻ, để khai thác tiềm năng chuyển đổi số - chuyển đổi xanh, tạo ra
phát triển kép về cả kinh tế số và kinh tế xanh, Việt Nam cần đi tiên phong
phát triển các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, xe điện thông minh
trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Cần tập trung nhân lực, tài chính cho những
lĩnh vực công nghệ trọng điểm này.
Ông Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Đào tạo và
Nghiên cứu BIDV cho rằng, với kinh tế số, chúng ta cần nhất quán quan điểm là
“cân bằng giữa cởi mở và kiểm soát rủi ro”. Tư tưởng “cởi mở” là cần thiết mới
có thể kiến tạo phát triển kịp thời, không bỏ lỡ cơ hội, thậm chí là tiên phong
trong một số lĩnh vực… Tuy nhiên, cũng cần kiểm soát rủi ro, nhất là CNTT, an
ninh mạng, thông tin - dữ liệu... Trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều lợi ích to lớn,
nhưng cũng có nhiều rủi ro, nên châu Âu đang chuẩn bị có đạo luật về trí tuệ
nhân tạo và Trung Quốc cũng đang nghiên cứu để sớm ban hành.
Còn theo ông Matthew Francois, chuyên gia
cao cấp về kỹ thuật số của Hãng McKinsey & Company, các lĩnh vực kinh tế số
có thể mang lại lợi ích cho Việt Nam, như giao dịch thương mại điện tử ngày
càng tăng góp phần thúc đẩy kinh tế số; chuyển đổi số trong các lĩnh vực y tế,
giáo dục, tài chính, được thúc đẩy bởi hạ tầng số. Đây là cơ hội để Việt Nam sử
dụng chuyển đổi số nhằm thúc đẩy năng suất sản xuất, từ đó nâng cao lợi thế cạnh
tranh quốc gia; thúc đẩy kỹ năng số làm tăng năng suất lao động, tạo ra không gian
tăng trưởng mới cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ
Thông tin và Truyền thông đang trình Thủ tướng Chính phủ ra một chỉ thị về những
đột phá chuyển đổi số các ngành, các cấp. Chuyển đổi số là toàn dân, toàn diện,
nên cần có bước đột phá. Chuyển đổi số sẽ không thành công nếu người đứng đầu
các cấp không trực tiếp làm ít nhất một dự án chuyển đổi số có tính nền tảng.
“Chuyển đổi số là lựa chọn chiến lược, là
con đường đưa Việt Nam đến hùng cường, thịnh vượng. Qua gần 4 năm, chúng ta đã
nhìn ra con đường, đã nhìn ra cách tiếp cận, đã hành động mạnh mẽ, đã có những
kết quả bước đầu. Bây giờ là lúc phải hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, tạo
ra các kết quả thiết thực hơn, toàn diện hơn cho người dân. Các nước cũng đang
chuyển đổi số mạnh mẽ, nếu chúng ta không quyết liệt hơn, không có cách làm
sáng tạo hơn, không liên tục đi đầu, thì sẽ lại là nước đi sau, tụt lại phía
sau và giấc mơ về một Việt Nam hùng cường sẽ lại tiếp tục là giấc mơ”, ông Hùng
nhấn mạnh.
Theo BĐT