Sáng 25/6,
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai
4 Vùng Thủ đô Hà Nội và dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh -
An Hữu (giai đoạn 1).
Lễ khởi
công được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 7 điểm cầu là các huyện Thanh
Oai, Hoài Đức, Sóc Sơn, Thường Tín của Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hưng Yên và
tỉnh Đồng Tháp.
Tham dự lễ
khởi công tại điểm cầu Hoài Đức có Thủ tướng Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính
trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Vũ Hồng Thanh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương
Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng GTVT Nguyễn
Văn Thắng.
Tham dự tại
điểm cầu tỉnh Đồng Tháp có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng NN&PTNT
Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.
Cùng dự
còn có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các nhà thầu, bà con nhân dân trong
vùng dự án.
Đáp ứng tiến
độ triển khai
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội chiều dài hơn 112 km đi qua Thủ đô Hà Nội và 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. Tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công kết hợp hình thức đối tác công – tư (PPP).
Dự án xây
dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) - An Hữu (tỉnh Tiền
Giang) có chiều dài hơn 27 km, tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng theo hình thức
đầu tư công.
Như vậy, 2
tuyến đường được đồng loạt tổ chức khởi công ngày 25/6 dài khoảng 140 km; tổng
vốn đầu tư của 2 dự án hơn 91.000 tỷ đồng.
Hai dự án này nằm trong chuỗi các dự án quan trọng, trọng điểm về giao thông được khởi công trong tháng 6/2023.
Phát biểu
tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết Dự án đường Vành
đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án quan trọng quốc gia đầu tiên triển khai thực
hiện theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Đến nay,
sau 1 năm 9 ngày, từ khi có chủ trương đầu tư, Dự án đã đảm bảo toàn bộ các điều
kiện để khởi công, đáp ứng đúng tiến độ đề ra (trước ngày 30/6/2023).
Chia sẻ
kinh nghiệm về triển khai dự án, ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh việc tách công tác
giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, từ đó công tác bồi thường, hỗ trợ, tái
định cư không còn phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật chuyên ngành của công
trình.
Về Dự án
Cao Lãnh- An Hữu, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa nêu rõ ý nghĩa
của dự án trong việc hình thành tuyến giao thông kết nối liên vùng.
Đây là lần
đầu tiên Đồng Tháp được giao làm chủ đầu tư dự án có quy mô lớn, với yêu cầu kỹ
thuật cao, thời gian triển khai cấp bách. Do đó, tỉnh đã lập Ban Chỉ đạo thực
hiện dự án do Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng Ban, thường xuyên giao ban tiến độ, kiểm
tra, đôn đốc triển khai.
Đại diện
nhà thầu, Tổng công ty Vinaconex khẳng định cam kết thi công dự án bảo đảm chất
lượng, an toàn, tiến độ. Có kinh nghiệm tham gia nhiều dự án giao thông, lãnh đạo
Vinaconex nhấn mạnh sẽ huy động tối đa nguồn lực, nhân sự, tài chính, trang thiết
bị, áp dụng công nghiệp thi công hiện đại nhất để triển khai dự án.
Mục tiêu
có trên 3.000 km cao tốc vào năm 2025 là khả thi
Phát biểu
tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ phát triển cơ sở hạ tầng là
1 trong 3 khâu đột phá chiến lược, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm.
Nghị quyết
Đại hội XIII đặt ra đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường cao
tốc và hoàn thành mục tiêu này, đến năm 2025, chúng ta phải đạt ít nhất là
3.000 km. Điều đó có nghĩa, chúng ta phải làm gần 2.000 km từ nay đến năm 2025.
Trong giai
đoạn 2000 - 2021, cả nước mới đầu tư đưa vào khai thác hơn 1.000 km đường bộ
cao tốc. Như vậy, trong 5 năm, chúng ta phải làm gấp 2 lần số km đường bộ cao tốc
đã xây dựng trong hơn 20 năm vừa qua.
"20
năm qua, chúng ta triển khai chưa được nhiều nhưng mang lại bài học rất quý
báu, đánh dấu một mốc son quan trọng về hệ thống đường cao tốc. Từ đó, chúng ta
có kinh nghiệm triển khai giai đoạn 2021-2025, 2026-2030, có thêm bài học về
cách phân cấp, phân quyền, cách tổ chức thế nào để làm tốt hơn", Thủ tướng nói và nhấn mạnh "vừa
làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, với tinh thần không cầu toàn, không nóng
vội".
Thủ tướng
cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chúng ta đạt được một số dấu mốc quan trọng
về phát triển đường cao tốc.
Thứ nhất,
đã khánh thành và đưa vào khai thác thêm 566 km đường cao tốc, nâng tổng số đường
cao tốc của cả nước lên 1.729 km. Thứ hai, các dự án đang thi công, với tổng
chiều dài 350 km. Thứ ba, từ đầu năm 2023, đã khởi công các dự án, có tổng chiều
dài 1.406 km.
Như vậy,
cùng với 1.729 km đã đưa vào khai thác và tổng chiều dài đường cao tốc của các
dự án đang thi công, đã khởi công đến hết tháng 6 năm 2023 là 1.756 km.
"Nếu
phấn đấu tốt hơn, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn,
tập trung trọng điểm, trọng tâm hơn nữa thì từ nay đến năm 2025, chúng ta sẽ đạt
được mục tiêu có hơn 3.000 km cao tốc", Thủ tướng nói. Bên cạnh đó, còn gần 300
km cao tốc đang trong quá trình nghiên cứu, phê duyệt án.
Theo Thủ
tướng, việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4, vành đai liên vùng kinh tế
trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc
Ninh và các địa phương khác trong vùng sẽ phát huy hiệu quả đầu tư đối với các
dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới.
Việc đầu
tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu sẽ hình thành trục
ngang và từng bước hình thành mạng lưới đường cao tốc Vùng Đồng bằng sông Cửu
Long, kết nối các trục dọc cao tốc, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành
lang trục ngang quan trọng của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo BCP