Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh mới đây ký Quyết định số
1255/QĐ-TTg ngày 17/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp
thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu
công nghiệp Vĩnh Thạnh - giai đoạn 1, thành phố Cần Thơ.
Dự án KCN Vĩnh Thạnh Cần Thơ được thực hiện
bởi 3 nhà đầu tư gồm: Tổng Công ty đầu tư và phát triển
công nghiệp - CTCP; Công ty liên doanh TNHH khu công nghiệp Việt Nam –
Singapore và Công ty cổ phần phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam
Singapore.
Dự án sẽ
có quy mô gần 294ha đặt tại xã Vĩnh
Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ với quy mô 293,7 ha.
Tổng vốn đầu
tư dự án KCN Vĩnh Thạnh Cần Thơ là hơn 159,9 triệu USD (khoảng
3.717,9 tỷ đồng) trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 23,9 triệu USD (tương đương
557,7 tỷ đồng), vốn huy động xấp xỉ 136 triệu USD (tương đương 3.160,2 tỷ đồng)
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày chấp thuận chủ
trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm
toàn diện về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực
hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định tại khoản 3 và khoản 4
Điều 33, điểm i khoản 2 Điều 69 Luật đầu tư và pháp luật có liên quan.
Các Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung
thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định
tại điểm đ khoản 3 Điều 69 Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.
UBND tỉnh Bình Dương đảm bảo, giám sát và kiểm tra việc góp đủ vốn
của Tổng Công ty đầu tư và phát triển công nghiệp - CTCP để thành lập tổ chức
kinh tế thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà
nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật về doanh
nghiệp.
UBND thành phố cần Thơ đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu
báo cáo, các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về
sự phù hợp của dự án với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ
chức lập và phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng khu công nghiệp Vĩnh Thạnh
theo quy định của pháp luật về xây dựng; đảm bảo cơ cấu sử dụng đất của dự án
và khoảng cách an toàn về môi trường tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về
quy hoạch xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan.
UBND thành phố cần Thơ tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành kiểm tra,
xác định tổ chức kinh tế thực hiện dự án đáp ứng điều kiện được Nhà nước cho
thuê đất tại thời điểm cho thuê đất.
Bảo đảm điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong quá
trình cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án;
không được chuyển phần diện tích quy hoạch phát triển khu công nghiệp Vĩnh Thạnh
còn lại đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sang mục đích sử dụng khác khi
chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý
khu công nghiệp và khu kinh tế và quy định khác của pháp luật có liên quan.
UBND thành phố cần Thơ chỉ đạo các cơ quan có liên quan: (i) hướng
dẫn nhà đầu tư lập hồ sơ và thực hiện các thủ tục liên quan đến việc chuyển đổi
mục đích sử dụng đất trồng lúa theo quy định của pháp luật về đất đai và Nghị
quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội ngày 11/01/2022 về thí điểm một số cơ chế,
chính sách đặc thù phát triển thành phố cần Thơ; (ii) có kế hoạch bổ sung diện
tích đất hoặc tăng hiệu quả đất trồng lúa khác để bù lại phần đất trồng lúa bị
chuyển đổi theo quy định tại Điều 134 Luật Đất đai; (iii) xác định tổng diện
tích đất lúa trên địa bàn thành phố cần Thơ cần phải duy trì để phục vụ mục
tiêu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh lương thực trên địa bàn thành phố cần
Thơ.
UBND thành phố cần Thơ chỉ đạo các cơ quan có liên quan và nhà đầu
tư xây dựng phương án hoàn trả kênh mương; đảm bảo việc thực hiện dự án không ảnh
hưởng tới việc quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi và khả năng canh tác của người
dân trong khu vực; tuân thủ quy định tại Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày
06/5/2015 của Chính phủ quy định về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.
Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện Vĩnh Thạnh phối hợp với nhà đầu tư
thực hiện xây dựng nhà ở để bố trí tái định cư cho người dân bị thu hồi đất tại
khu vực thực hiện dự án theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 35 Luật Nhà ở;
tránh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện trong quá trình thực hiện dự án. Nhà ở để
phục vụ tái định cư phải có đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội
theo quy định tại khoản 6 Điều 35 Luật Nhà ở và phải tuân thủ yêu cầu đối với
phát triển nhà ở quy định tại Điều 14 Luật Nhà ở.
Trường hợp khu vực thực hiện dự án có đất công, tài sản công, đề
nghị thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đảm
bảo không thất thoát tài sản nhà nước.
Việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ, hẹp do Nhà
nước quản lý đáp ứng tiêu chí theo quy định tại khoản 1 Điều 14a Nghị định số
43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật Đất đai (được bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP
ngày 18/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết
thi hành Luật Đất đai).