Trong báo
cáo cuối tuần qua của IEA cho biết, nhu cầu dầu toàn cầu đã đạt mức kỷ lục và
có thể tăng cao hơn trong tháng 8. Và yếu tố này có thể kéo dài đợt tăng giá dầu
thô gần đây và có thể đẩy giá cao hơn.
Theo IEA,
nhu cầu dầu của thế giới đạt mức cao nhất lịch sử là 103 triệu thùng/ngày trong
tháng 6. Tiêu thụ dầu tăng lên nhờ tăng trưởng kinh tế tốt hơn dự kiến ở các nước
thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), du lịch hàng không tăng mạnh
trong mùa hè và tiêu thụ dầu tăng ở Trung Quốc, đặc biệt là đối với hoạt động lọc
dầu.
Dữ liệu về
mức tiêu thụ dầu toàn cầu ngày càng tăng cho thấy những nỗ lực toàn cầu nhằm cắt
giảm lượng khí thải carbon vẫn chưa có tác động đáng kể đến nhu cầu dầu.
IEA dự
đoán nhu cầu dầu toàn cầu có thể đạt đỉnh cao khác trong tháng này và đang trên
đà đạt mức trung bình 102,2 triệu thùng/ngày trong năm 2023, cao nhất từ trước
đến nay. Điều đó có nghĩa là nhu cầu sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày trong năm
nay, với 70% tăng trưởng đến từ Trung Quốc, IEA cho biết.
Nhu cầu
tăng đã đẩy giá dầu lên cao hơn trong tháng qua trong bối cảnh Saudi Arabia
Saudi và Nga cắt giảm nguồn cung.
Trong
tháng 7, sản lượng dầu của các quốc gia thuộc liên minh OPEC+ giảm xuống mức thấp
nhất kể từ tháng 10-2021 sau khi Saudi Arabia, nước dẫn đầu liên minh, tự nguyện
cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày nhằm hỗ trợ giá dầu. Tuần trước, vương quốc
này tuyên bố sẽ kéo dài cam kết cắt giảm sản xuất sang tháng 9 và thậm chí có
thể giảm sản lượng mạnh hơn nữa.
Theo dự báo của IEA, động thái này, kết hợp với việc Nga cắt giảm sản lượng dầu, sẽ khiến sản lượng của OPEC+ trong quí 3 giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm.
Nguồn cung
thắt chặt hơn do cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ và nhu cầu toàn cầu tăng đã hỗ
trợ giá dầu, với dầu Brent đạt mức cao hơn 88 đô la/thùng hôm 10-8, mức cao nhất
kể từ tháng 1. Giá dầu Brent đã tăng giá 7 tuần liên tục.
Một số nhà
phân tích dự đoán, giá dầu sẽ quay trở lại mức 100 đô la/thùng vào cuối năm
nay.
Giá dầu
thô tăng gây lo ngại ở Mỹ, nơi giá xăng tăng lên mức mức cao nhất trong chín
tháng ngay đúng lúc Tổng thống Joe Biden tăng cường nỗ lực vận động để tái
tranh cử vào năm tới.
IEA cảnh
báo, nhu cầu dầu dự kiến sẽ tăng tiếp vào năm 2024 nhưng với tốc độ chậm hơn.
“Với sự phục
hồi nhu cầu sau đại dịch Covid-19 phần lớn đã diễn ra và khi tiến trình chuyển
đổi năng lượng bắt đầu tăng tốc, tăng trưởng nhu cầu sẽ chậm lại ở mức 1 triệu
thùng/ngày vào năm 2024”, báo cáo của EIA cho biết
Theo IEA,
Trung Quốc sẽ đóng góp đến 60% nhu cầu dầu tăng thêm của toàn cầu trong năm tới
dù hoạt động kinh tế của nước này đang trì trệ.
IEA cho biết,
giá dầu Brent đã tăng khoảng 20% kể từ cuối tháng 6 nhưng có thể còn tăng cao
hơn nữa trong năm nay nếu liên minh OPEC+ tuân thủ chính sách hạn chế sản xuất.
Báo cáo của
IEA nhận định, việc OPEC+ cắt giảm sản lượng kết hợp cùng với nhu cầu dầu cao
hơn sẽ buộc các nước phải trích xuất dầu từ các kho dự trữ.
Nếu OPEC +
duy trì các mục tiêu sản xuất hiện tại, lượng dầu dự trữ toàn cầu có thể giảm
2,2 triệu thùng mỗi ngày trong quí 3 và 1,2 triệu thùng /ngày trong quí 4, IEA
dự báo. Xu hướng dầu dự trữ suy giảm có nguy cơ đẩy giá dầu lên cao hơn trong
những tháng cuối năm.
“Việc cắt
giảm nguồn cung sâu hơn của OPEC+ diễn ra cùng lúc với tâm lý kinh tế vĩ mô được
cải thiện và nhu cầu dầu thế giới cao chưa từng thấy”, báo cáo của IEA ghi nhận.
Trong báo
cáo ra hôm 10/8, Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) nâng tăng dự báo giá trung
bình Brent giao ngay cho cả năm 2023 và 2024. EIA dự báo giá dầu Brent trung
bình sẽ đạt mức 82,62 đô la/thùng trong năm nay và 86,48 đô/thùng trong năm tới,
cao hơn các dự báo trướ đây khoảng 3 đô la. Cơ qua này dự báo các kho dự trữ dầu
toàn cầu sẽ suy giảm trung bình 0,4 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm nay.
Các nhà
phân tích của ngân hàng Standard Chartered dự báo, Saudi Arabia sẽ cắt giảm sản
lượng mạnh hơn nữa nếu lượng dầu dự trữ toàn cầu không giảm mạnh như dự kiến và
giá dầu không tăng mạnh. Họ nhận định giá dầu Brent sẽ đạt mức trung bình là 91
đô la/thùng trong năm 2023 và 98 đô la/thùng vào năm 2024.