Sau 2 năm chịu tác động của dịch Covid-19, phần lớn đơn vị kinh doanh phải thu hẹp quy mô thì các chuỗi nhà thuốc lại đua nhau mở mới nhiều cửa hàng. Ngành dược phẩm được dự báo sẽ chứng kiến sự cạnh tranh cao khi ngày càng nhiều các Doanh nghiệp tên tuổi nhập cuộc, có thể kể đến như FPT, Thế giới di Động, Masan và Viettel.

Theo số liệu từ EIU, riêng năm 2021, doanh thu dược phẩm tại Việt Nam đạt 5,9 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ.

Các “Đại gia” đua nhau mở rộng thị phần

3 ông lớn tham gia cạnh tranh mở rộng thị phần ngành dược sôi nổi nhất hiện là Pharmacity, Long Châu, An Khang.

Chuỗi nhà thuốc Long Châu được FPT Retail mua lại từ đầu năm 2017 khi đó mới chỉ có 4 cửa hàng tại TPHCM, cho tới nay chuỗi nhà thuốc này đã phát triển lên có hơn 700 cửa hàng trên khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Dự kiến trong 5 năm tới, FPT Retail thậm chí có kế hoạch nâng tổng số cửa hàng Long Châu lên 3.000 cửa hàng. Trong khi mảng kinh doanh điện thoại của FPT Retail đang chậm lại do thị trường bão hòa, mảng dược phẩm kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của công ty trong dài hạn.

Tương tự như FPT, năm 2017 Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động cũng mua lại cổ phần của An Khang - chuỗi cửa hàng thuốc với 14 cửa hàng tại thời điểm đó. Đến cuối năm 2021,Thế Giới Di Động đã mua lại gần như toàn bộ cổ phần của chuỗi nhà thuốc này khi nâng tỷ lệ sở hữu từ 49% lên 99%. Đến nay chuỗi nhà thuốc An Khang đã có mặt ở 33 tỉnh thành trên cả nước. Thế Giới Di Động đặt mục tiêu đến cuối năm 2022 sẽ xây dựng được 800 cửa hàng, và con số này sẽ tăng lên 2000 cửa hàng vào cuối năm 2023.

Về Pharmacity, sau khi được hậu thuẫn và nhận được vốn tài trợ từ Mekong Capital năm 2019, Hãng này đã có tốc độ tăng trưởng đáng kể, chỉ tính riêng năm 2021 chuỗi nhà thuốc này mở mới đến 200 cửa hàng. Và mục tiêu cuối năm 2025 Hãng sẽ sở hữu số lượng cửa hàng lên tới 5000.

Nếu 3 đại gia kể trên đã khơi mào cho thị trường dược phẩm thì mới đây sự xuất hiện thêm 2 cái tên lừng danh mới gồm Masan và Viettel hứa hẹn sẽ làm bùng nổ và tăng độ cạnh tranh cho thị trường đầy tiềm năng này.

Cụ thể, mới đây thông tin Masan thông qua WinCommerce đã góp vốn thành lập chuỗi nhà thuốc, Công ty cổ phần Dr.Win, với vốn điều lệ 28,5 tỷ đồng được giới thiệu có ngành nghề chính là dược phẩm.

Và gần đây thị trường cũng xôn xao trước thông tin Viettel bất ngờ lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ thuốc, đẩy thị trường vào cuộc đua mới. Công ty TNHH Nhà nước MTV Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel (Viettel Commerce), công ty con của Viettel đã gửi thư mời chào giá về cung cấp thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, vật tư y tế. Các sản phẩm này sẽ được bán trong hệ thống nhà thuốc Viettel.

Lợi thế cạnh tranh của các đại gia khi gia nhập thị trường

Mặc dù cạnh tranh nhưng mỗi chuỗi nhà thuốc đều có những tiềm năng cũng như định hướng phát triển riêng.

Chẳng hạn như đối với Pharmacity, đây hiện là chuỗi nhà thuốc lớn nhất trên thị trường sẽ tập trung khai thác về mặt số lượng các cửa hàng từ đó gia tăng lợi nhuận từ khách hàng.

Đối với chuỗi Long Châu, trước khi được FPT Retail mua lại chuỗi này đã có mối liên kết chặt chẽ với các bệnh viện tại TPHCM, cho phép nhà thuốc dự báo chính xác hơn nhu cầu trong khu vực với từng loại thuốc.

Trong khi đó, Thế Giới Di Động có cơ sở khách hàng từ chuỗi siêu thị bán lẻ thiết bị di động rộng khắp cả nước. Do đó, công ty có thể tận dụng lợi thế này để tăng cường bán chéo sản phẩm của An Khang.

Dù chưa chính thức bước chân vào thị trường, Wincommerce cũng đang sở hữu chuỗi cửa hàng bách hóa Winmart, với khoảng 3.000 siêu thị nhỏ và Viettel sở hữu mạng lưới bán lẻ với khoảng 370 cửa hàng viễn thông đều hứa hẹn những triển vọng kinh doanh khả quan.