Theo trang Finacial Times, mới
đây, British Steel, công ty sản xuất thép lớn thứ hai của Anh, kêu gọi chính phủ
nước này hỗ trợ 500 triệu bảng Anh khi đứng trước nguy cơ phải đóng cửa những
lò cao cuối cùng và hàng nghìn người sẽ phải mất việc.
Jingye, công ty thép Trung Quốc đã
mua lại British Steel vì vỡ nợ vào năm 2020, đã gửi thư tới các bộ trưởng liên
quan rằng họ cần hỗ trợ tài chính để duy trì hoạt động của mình tại Scunthorpe.
Công ty này cho biết mỗi ngày thiệt hại khoảng 1 triệu bảng Anh và cần khoản hỗ trợ khoảng 400 - 500 triệu bảng Anh, trong đó bao gồm 100 triệu bảng Anh để bù đắp các khoản chi phí về chứng chỉ carbon vốn đang tăng vọt. Đại diện của British Steel đã gặp Bộ trưởng Kinh doanh, Năng lượng và Công nghiệp Anh Jacob Rees-Mogg hai lần trong hai tuần qua để thảo luận về khoản viện trợ.
British Steel đang có khoảng 4.000
lao động, hầu hết đang làm việc tại các lò cao khu vực Scinthorpe. Đây là khu vực
có các lò cao công suất lớn, kèm theo đó là sử dụng nhiều năng lượng. Ngoài ra,
hàng nghìn lao động ở các nhà máy khác trong chuỗi cung ứng cũng đang phụ thuộc
vào sự sống còn của British Steel.
Các nhà sản xuất thép của Anh đang
phải đối mặt với một cơn bão hoàn hảo về giá năng lượng và lạm phát tăng cao
trong khi nhu cầu giảm do suy thoái kinh tế. Các yếu tố này đã làm gây áp lực
lên giá thép sau đại dịch.
Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Công
nghiệp Anh cho biết chính phủ đang làm việc với British Steel nhằm hiểu rõ hơn
tình hình của công ty, tư đó đưa ra những giải pháp giải cứu bền vững nhất
trong tương lai.
Cơ quan này nói thêm: “Chúng tôi
đang nhận thức rất rõ về những ảnh hưởng của việc giá năng lượng tăng cao tác động
thế nào đến các công ty sản xuất thép. Chính phủ đã tung gói cứu trợ hơn 780
triệu bảng Anh cho ngành này”.
British Steel cho biết trong các kế
hoạch dài hạn, công ty đang có ý định đầu tư hàng trăm triệu bảng Anh tuy nhiên
hiện tại “giống như các công ty khác British Steel đang đối mặt với nhiều thách
thức lớn vì nền kinh tế đang suy thoái, lạm phát tăng cao và giá năng lượng leo
thang”.
Hồi tháng 9, chính phủ cho biết họ
sẽ cung cấp các doanh nghiệp gói hỗ trợ kéo dài trong 6 tháng nhằm hạ nhiệt giá
năng lượng nhưng một số lãnh đạo của các công ty cho rằng thị trường năng lượng
cần được ổn định kéo dài ít nhất đến năm sau.
Một vấn đề khác mà các công ty
thép như British Steel hay Tata Steel UK đang phải đối mặt là chính sách giảm
khí phát thải của chính phủ. Cả hai công ty sẽ cần hỗ trợ tài chính để giúp giảm
lượng khí thải carbon tại các lò cao của họ.
Jingye cho biết chỉ cần khoảng 100
triệu bảng Anh để giảm thiểu chi phí gia tăng khi mua giấy phép carbon theo kế
hoạch buôn bán khí thải của chính phủ.
Chính phủ Vương quốc Anh đã thông qua kế hoạch riêng của mình sau Brexit, theo đó những công ty gây ô nhiễm nặng phải mua giấy phép cho mỗi tấn carbon dioxide hoặc khí nhà kính.
Tuy nhiên, hồi tháng 7, Tata Steel
cho biết họ buộc phải ngừng hoạt động các nhà máy tại cảng Talbot (Wales) nếu
không có được sự hỗ trợ của chính phủ trong việc giảm phí chứng chỉ carbon.
Việc giảm khí phát thải công nghiệp
thép là chìa khoá của chính quyền Anh trong thực hiện cam kết đạt mức phát thải
khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trong khi đó, các công nhân ngành
thép đang thúc giục chủ doanh nghiệp và chính phủ thảo luận để tìm ra giải pháp
đảm bảo việc làm cho họ.
Theo
Vietnambiz