Sau khi bão Yagi đổ bộ vào nước ta, giá gạo
trong nước được kỳ vọng sẽ tăng cao khi nguồn cung bị thu hẹp do hậu quả nặng nề
từ cơn bão. Tuy nhiên, mới đây, Ấn Độ mới nới lỏng xuất khẩu và làm dấy lên lo
ngại gạo Việt sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn trong bối cảnh giá thì giảm mà
nguồn cung trong nước thì thấp hơn.
Gạo Việt Nam “gặp khó” khi Ấn Độ đẩy mạnh
xuất khẩu
Bão Yagi là cơn bão lịch sử có sức càn
quét kinh hoàng khi đổ bộ vào phía Bắc nước ta. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, nhiều diện tích lúa, hoa màu đã bị ảnh hưởng. Cơn bão
này khiến trên 190.300 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại tập trung nhiều tại các
thành phố Thái Bình, Hà Nội, Hải Dương và Hưng Yên. Mặc dù đây không phải là vựa
gạo chính của nước ta, tuy nhiên, thiệt hại nghiêm trọng ở các khu vực này cũng
sẽ tác động đáng kể đến sản lượng lúa gạo của cả nước.
Sản lượng gạo nước ta qua các niên vụ
Trước tình hình này, giá gạo trong nước được
kỳ vọng sẽ tăng cao trong bối cảnh nguồn cung có bị thu hẹp. Lịch sử cũng cho
thấy vào những giai đoạn hoạt động trồng lúa gạo của nước ta bị ảnh hưởng bởi
tình trạng thiên tai lũ lụt, giá gạo trên thị trường nội địa và xuất khẩu thường
sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên năm nay, tình hình đang có chiều hướng trái ngược khi
chính phủ Ấn Độ chính thức cho phép việc nối lại xuất khẩu gạo trắng
non-basmati. Mặc dù hạn chế hoạt động xuất khẩu vào năm 2023, nhưng Ấn Độ vẫn
là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới và là thị trường cạnh tranh mạnh mẽ
với gạo Việt Nam. Trong năm 2022, nước này đã xuất khẩu kỷ lục 20,2 triệu tấn gạo,
chiếm 37% lượng xuất khẩu toàn cầu là 55,6 triệu tấn.
Tỷ trọng xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2022
Cho đến nay, Ấn Độ vẫn đóng vai trò quan
trọng trên bản đồ thị trường gạo toàn cầu vì xuất khẩu gạo của nước này thường
lớn hơn tổng gạo xuất khẩu của bốn quốc gia xuất khẩu lớn tiếp theo là Thái
Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ. Do vậy, Ấn Độ nối lại hoạt động xuất khẩu rõ
ràng sẽ gia tăng sự cạnh tranh với các nước xuất khẩu gạo trên thế giới, trong
đó có Việt Nam. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng có thể chỉ ở mức độ gián tiếp vì hai nước
có các khách hàng nhập khẩu truyền thống khác biệt. Các quốc gia nhập khẩu gạo trắng
non-basmati lớn nhất của Ấn Độ là Bénin, Bangladesh, Angola, Cameroon,
Djibouti, Guinea, Bờ Biển Ngà, Kenya và Nepal. Trong khi đó, gạo Việt Nam lại
thường được xuất sang các nước láng giềng và khu vực Đông Nam Á, như
Philippines, Trung Quốc, Malaysia và Indonesia, nhờ lợi thế địa lý thuận lợi
trong khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, dù phân khúc thị trường nhập khẩu
của hai nước có sự khác biệt, nhưng vào tháng 7 năm ngoái, thời điểm Ấn Độ ban
hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati, ngành gạo Việt Nam vẫn được hưởng
lợi nhờ giá tăng và nhu cầu cao do lo ngại nguồn cung sụt giảm. Trong năm nay,
việc Ấn Độ quay trở lại thị trường có thể sẽ khiến tình hình đảo ngược, gia
tăng áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của nước ta.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Sở
Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho rằng động thái nới lỏng và đẩy mạnh xuất
khẩu của Ấn Độ vào thời điểm này có thể sẽ tạo thêm sức ép cho ngành lúa gạo nước
ta vốn đang gặp không ít khó khăn do hậu quả của bão Yagi để lại. Sản lượng gạo
nội địa giảm cùng nguồn cung gạo Ấn Độ gia tăng trên thị trường sẽ tạo thách thức
trong quá trình thực hiện mục tiêu xuất khẩu 8 triệu tấn gạo trong năm nay.
Giá gạo sẽ biến động như thế nào?
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA),
trong tuần đầu tháng 10, giá gạo xuất khẩu của một số nước châu Á đã giảm mạnh
sau khi Ấn Độ nới lỏng hạn chế xuất khẩu gạo, đồng thời làm gia tăng cạnh tranh
giữa các nước trong khu vực. Ghi nhận vào ngày 9/10, giá gạo 5% tấm của Thái
Lan giảm đến hơn 30 USD/tấn, giá gạo 25% của nước này cũng đánh mất 23 USD/tấn
so với đầu tháng 10. Tương tự, giá gạo 5% của Pakistan cũng rơi khỏi mốc 500
USD/tấn; giá gạo 100% Stxd của nước này cũng xuống dưới 400 USD/tấn.
Cùng trong thời điểm trên, giá gạo 5% tấm
của Việt Nam ở mức giá 538 USD/tấn, giảm gần 20 USD/tấn so với tuần trước; gạo
25% tấm ở mức 510 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 440 USD/tấn. Trước tác động nguồn
cung gia tăng từ Ấn Độ, giá gạo dự kiến sẽ còn suy yếu trong những tháng tới. Mặc
dù vậy, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh kỳ vọng giá gạo Việt Nam sẽ không giảm quá sâu
khi nhu cầu từ các thị trường truyền thống của nước ta như Indonesia,
Philippines, Singapore… đang tăng cao.
Giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam
qua các tháng
Indonesia, thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ
hai của Việt Nam, vừa mở thầu mua 450.000 tấn gạo, với yêu cầu giao hàng trong
tháng 10 và 11. Theo dự báo, Indonesia có thể nhập khẩu tới 4,3 triệu tấn gạo
trong năm nay, vượt mức 3,6 triệu tấn đã công bố từ đầu năm. Nguyên nhân là do
sản lượng gạo của nước này trong giai đoạn 8 tháng đầu năm nay đã giảm gần 10%
so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Philippines, một trong những
thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, cũng hạ thuế và dự kiến tăng lượng
gạo nhập khẩu từ 4,2 triệu tấn lên khoảng 4,5 - 4,7 triệu tấn trong năm 2024.
Nhận định về diễn biến giá gạo trong thời
gian tới, ông Quỳnh cho rằng những tháng cuối năm, giá gạo 5% tấm và 25% tấm của
Việt Nam có thể tiếp tục giảm nhưng không dưới 500 USD/tấn do áp lực nguồn cung từ Ấn Độ. Mặc dù vậy,
trong bối cảnh nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu của nước ta đang ở mức cao
và nhu cầu nội địa cũng được kỳ vọng sẽ tăng cao khi dịp Tết nguyên đán, giá gạo
nước ta có thể sẽ hồi phục trở lại trong giai đoạn cuối năm nay và đầu năm sau.
Để phát triển bền vững, ngành lúa gạo nước ta cần tập trung xây dựng chuỗi liên
kết giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Ngoài ra, các địa phương cũng cần
xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu, phát triển thương hiệu theo hướng
"lúa sinh thái”, "lúa phát thải thấp” để nâng cao giá trị cho mặt
hàng gạo xuất khẩu.
MVX