Ngày 1/8, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1514/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar.

Theo đó, đường nhập khẩu từ 5 nước trên có sử dụng nguyên liệu đường của Thái Lan sẽ bị áp dụng tổng mức thuế là 47,64% với thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%, tương đương mức thuế đang áp dụng với đường Thái Lan. Đường nhập khẩu từ 5 quốc gia nếu chứng minh được sản xuất từ mía thu hoạch tại các quốc gia này sẽ không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh.

Mức thuế này được đưa ra nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu, bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước và người nông dân trồng mía. Biện pháp này được đưa ra sau khi Bộ Công Thương thu thập, tổng hợp thông tin và ý kiến do các bên liên quan cung cấp, gồm thông tin từ ngành sản xuất trong nước, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài, doanh nghiệp nhập khẩu và từ các cơ quan chức năng.

Từ đó, kết luận rằng việc các doanh nghiệp từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar sử dụng nguyên liệu đường xuất xứ từ Thái Lan để sản xuất và xuất khẩu một số sản phẩm đường mía sang Việt Nam là hành vi lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đang áp dụng với sản phẩm đường của Thái Lan.

Đồng thời, các chỉ số kinh tế cho thấy hiệu quả của biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan hiện đang bị suy giảm do tác động của đường nhập khẩu từ 5 quốc gia nói trên.


Quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại được ban hành trên cơ sở quá trình điều tra được thực hiện một cách khách quan, minh bạch theo đúng các quy định pháp luật trong nước và phù hợp với các cam kết quốc tế. Các nội dung chính của kết luận điều tra đã được gửi trước đến các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan cũng như các doanh nghiệp để tham gia ý kiến.

Biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại sẽ có hiệu lực sau 7 ngày kể từ ngày Quyết định được ban hành (nghĩa là từ ngày 8/8) cho đến ngày 15/6/2026, trừ trường hợp được thay đổi, gia hạn theo các quyết định khác của Bộ Công Thương.

Các bên liên quan có thể nộp hồ sơ yêu cầu Bộ Công Thương tiến hành rà soát việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại trên cơ sở quy định tại Điều 82 và Điều 90 Luật Quản lý ngoại thương và Chương IV Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan và các cơ quan liên quan theo dõi tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại, tình hình sản xuất, cung - cầu, giá cả… để triển khai các công cụ quản lý phù hợp theo quy định nhằm đảm bảo một môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng và hài hòa lợi ích giữa người nông dân trồng mía, các doanh nghiệp sản xuất đường, các doanh nghiệp tiêu thụ đường và người tiêu dùng.

Quá trình điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường mía từ 5 nước ASEAN nói trên được bắt đầu từ ngày 21/9/2021 khi Bộ Công Thương nhận thấy sự gia tăng bất thường lượng đường nhập khẩu vào việt nam từ 5 nước Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar trong năm 2021 và quý I/2022.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, chỉ trong quý I, lượng đường nhập khẩu từ năm nước kể trên vào Việt Nam đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, tăng từ 187.251 tấn năm 2021 lên 391.468 tấn năm 2022, tương đương tăng 109%. Số lượng đường nhập khẩu kể trên đều đang được hưởng thuế suất ưu đãi 5% từ Hiệp định ATIGA.

Còn với đường Thái Lan, từ ngày 16/6/2021, đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đã bị áp mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp ở mức 47,64%, sau khi nước này xuất khẩu lượng đường cao bất thường (lên tới 1,3 triệu tấn) vào Việt Nam trong năm 2020. Kể từ khi áp dụng mức thuế này, lượng đường từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam đã giảm đáng kể, từ mức bình quân là 110.000 tấn năm 2020, nay chỉ còn khoảng 28.000 tấn (giảm 75%).

MKA