Phó Thủ tướng
Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 790/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình
Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch).
Tốc độ
tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10%/năm
Quyết định
nêu rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực
thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện
của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo,
trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội
và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững theo mô
hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái được
bảo vệ. Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng xã hội phồn vinh,
văn minh hiện đại; bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Mục tiêu cụ
thể về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng
10%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 15.800 USD; cơ cấu kinh tế
năm 2030: ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 64%; ngành dịch vụ chiếm 28%;
ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm
chiếm 6%; tỷ lệ đô thị hóa 88-90%; tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GRDP.
Dân số đến năm 2030 đạt 4,04 triệu người (trong đó dân số chính thức 3,48 triệu người; dân số quy đổi 0,56 triệu người); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 87%, trong đó có bằng cấp là 40%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt trên 80%; số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 19 bác sĩ; đạt 35 giường/10.000 dân; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới dưới 1,0%...
5 nhiệm vụ
trọng tâm, khâu đột phá phát triển
Để đạt được
các mục tiêu trên, Quy hoạch đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá phát
triển bao gồm:
Thứ nhất, liên kết hợp tác phát triển Vùng
Bình Dương
cần phối hợp với các chương trình phát triển của quốc gia, của Vùng Đông Nam Bộ
và các địa phương lân cận thực hiện mở rộng các kết nối về giao thông, đặc biệt
là các kết nối tới cảng biển (Cái Mép Thị Vải, Cần Giờ), cảng hàng không quốc tế
(Tân Sơn Nhất, Long Thành), cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài - Tây Ninh, Hoa Lư - Bình
Phước); kết nối về khoa học công nghệ và nguồn nhân lực để tạo động lực chuyển
đổi hệ sinh thái phát triển kiểu mới, kết nối về không gian phát triển không
gian động lực phía Nam, hợp tác phát triển các hành lang đô thị sinh thái dọc
sông Sài Gòn, sông Đồng Nai.
Đặc biệt
là hệ thống hạ tầng kết nối quốc tế để tăng cường vị thế, tham gia chuỗi sản xuất,
dịch vụ toàn cầu, trở thành điểm đến ưa chuộng của doanh nghiệp toàn cầu trong
lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao, dịch vụ công nghiệp.
Thứ hai, đổi mới hệ sinh thái phát triển
Chuyển đổi
thành công mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu thông qua đổi mới
sáng tạo, khoa học và công nghệ hiện đại, cùng với chuyển đổi số rộng rãi trong
sản xuất và điều hành, nâng cao chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng.
Phát triển
hệ sinh thái mới tập trung cho đổi mới sáng tạo với sự chuẩn bị đầy đủ về quỹ đất,
hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực có
giá trị gia tăng cao, giảm chi phí sản xuất, chủ động sản xuất và xuất khẩu
hàng hóa có ứng dụng khoa học công nghệ cao, trên cơ sở khai thác triệt để các
tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
Thứ 3, phát triển xã hội, nguồn nhân lực
Đào tạo
nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp
văn hóa, xây dựng cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài. Xây dựng nền
tảng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực gắn kết giữa nhà nước - nhà trường và
doanh nghiệp.
Xây dựng hệ
sinh thái khởi nguồn từ giáo dục phổ thông theo các mô hình, phương pháp giáo dục
hiện đại, tiên tiến. Xây dựng môi trường học tập cấp phổ thông, đại học gắn liền
với nhu cầu nguồn nhân lực của doanh nghiệp và thị trường.
Đào tạo kiến
thức gắn với hỗ trợ phát triển bản thân, nghiên cứu, xây dựng doanh nghiệp, ươm
tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo. Tăng cường đầu tư phát triển
văn hóa thành động lực phát triển kinh tế và đảm bảo mọi người dân đều được tiếp
cận, thụ hưởng các dịch vụ văn hóa - xã hội tiên tiến, hiện đại.
Thứ 4, phát triển Bình Dương xanh
Phát triển
xanh hóa nền kinh tế (sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, giao thông xanh, hạ tầng
xanh, đô thị xanh, nông thôn xanh, môi trường...) nhờ sự dẫn dắt của khoa học
và công nghệ, từ đó tạo dựng một nền kinh tế hài hòa giữa con người với tự
nhiên và xã hội.
Phát triển
không gian đô thị xanh, hạ tầng xanh đẹp và hấp dẫn trở thành hình ảnh đặc
trưng của đô thị Bình Dương. Quan tâm đầu tư thực hiện các giải pháp bảo vệ môi
trường sinh thái, bền vững, phát triển hệ thống năng lượng tái tạo, tái chế rác
và xử lý nước thải...
Thứ 5, phát triển các không gian động lực
Phân vùng
phát triển toàn tỉnh thành 3 khu vực không gian động lực
Khu vực 1
(gồm thành phố Thuận An và thành phố Dĩ An): thực hiện tái thiết, cải tạo đô thị;
di dời các cơ sở sản xuất, công nghiệp lạc hậu, ô nhiễm môi trường lên phía Bắc
của tỉnh. Sử dụng các dư địa không gian cho mô hình đô thị mới theo định hướng
TOD và bổ sung các hạ tầng xã hội để đưa Thuận An, Dĩ An trở thành đô thị hiện
đại, chất lượng sống cao;
Khu vực 2
(gồm thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Tân Uyên, thành phố Bến Cát và huyện Bàu
Bàng): phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, công nghệ tiên tiến, dịch vụ cộng
đồng cấp Vùng và đô thị thông minh làm trụ cột cho tăng trưởng của tỉnh;
Khu vực 3
(gồm các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng): hình thành các khu công nghiệp
thế hệ mới, thu hút phát triển mô hình đô thị - công nghiệp - dịch vụ sinh
thái. Bảo tồn và phát triển các hành lang sinh thái sông Sài Gòn, sông Đồng
Nai, sông Thị Tính… tăng độ phủ xanh, phát triển năng lượng tái tạo.
Phát triển
các khu đô thị, dịch vụ mới tại Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, tạo dư
địa để từng bước tái phát triển khu vực đô thị hiện hữu, dịch chuyển các hoạt động
logistics Vùng lên khu vực dọc Vành đai 4 - vùng Thành phố Hồ Chí Minh; phát
triển mạng lưới giao thông công cộng Vùng, tỉnh và đô thị theo định hướng giao
thông công cộng (TOD); đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp các khu, cụm
công nghiệp hiện hữu theo hướng tối ưu hóa sử dụng đất, xử lý triệt để các vấn
đề môi trường, chuyển đổi sang mô hình phát triển công nghiệp xanh - sạch,
thông minh, giá trị gia tăng cao...
Theo BCP