Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 718/QĐ-TTg ngày 27/7/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Việc ban hành Kế hoạch trên nhằm mục đích
triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn
đến năm 2050; xây dựng lộ trình tổ chức triển khai có hiệu quả các chương
trình, dự án nhằm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch đã đề ra.
Đồng thời, xác định cụ thể tiến độ và nguồn
lực thực hiện các chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm
thu hút các nguồn lực xã hội trong việc thực hiện quy hoạch; đẩy mạnh phát triển
các ngành, lĩnh vực, chương trình, dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt; thiết
lập khung kết quả thực hiện theo từng giai đoạn làm cơ sở để rà soát, đánh giá
việc thực hiện quy hoạch; xem xét điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp
nhằm đạt được mục tiêu phát triển đã đề ra.
Kế hoạch đưa ra các nội dung chủ yếu về thực
hiện các dự án đầu tư công và các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài
vốn đầu tư công.
Trong đó, dự án đầu tư công: Tập trung triển khai các dự án kết cấu hạ
tầng tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của
tỉnh, bảo đảm đồng bộ, liên thông, hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng gắn với các
hành lang phát triển kinh tế (hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải
Phòng – Quảng Ninh; hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng – Quảng
Ninh); đặc biệt là các tuyến đường kết nối các tỉnh trong vùng trung du và miền
núi phía Bắc, các tuyến đường tạo ra không gian phát triển mới, các tuyến kết nối
giao thông với vùng và các địa phương có tác động tích cực đến phát triển kinh
tế - xã hội của tỉnh (đặc biệt là thành phố Hà Nội)... Mở mới, nâng cấp các tuyến
đường tỉnh, các nút giao kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai.
Đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ
thuật du lịch, đáp ứng các tiêu chí của khu vực được công nhận khu du lịch quốc
gia, các khu du lịch của tỉnh; trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích
quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh; đầu tư các thiết chế văn
hóa, thể thao quan trọng; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất các cơ sở y tế công lập,
cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự chủ về đầu tư; tăng cường cơ sở vật
chất cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt chuẩn; đầu tư cơ sở bảo trợ xã hội
công lập; cơ sở cai nghiện; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho lĩnh vực khoa học
và công nghệ; các công trình, dự án cấp thoát nước; công trình thu gom, xử lý
nước thải, chất thải rắn sinh hoạt; hạ tầng khu, cụm công nghiệp; dự án điện;...
Dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác
ngoài vốn đầu tư công: Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất
lượng, hiệu quả, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, thân thiện với môi trường.
Phát triển một số ngành công nghiệp, như: Công nghiệp năng lượng tái tạo; công
nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó,
ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp chế biến sâu nông, lâm sản; công nghiệp
phục vụ nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp khai thác và chế biến sâu khoáng sản,
vật liệu xây dựng cao cấp;... Tiếp tục phát triển công nghiệp chế biến khoáng sản,
tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất
công nghệ cao, tự động hóa.
Phát triển mạnh mẽ dịch vụ - đô thị,
logistics, dịch vụ tài chính - ngân hàng, bưu chính viễn thông có trọng tâm, trọng
điểm; thu hút các dự án có quy mô lớn đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai,
Khu du lịch quốc gia Sa Pa và các khu du lịch được xác định là khu du lịch cấp
tỉnh; hình thành các khu dịch vụ tổng hợp cấp tỉnh. Phát triển du lịch kết hợp
với nghỉ dưỡng, hoạt động khoa học và công nghệ, các dịch vụ y tế, chăm sóc sức
khỏe có giá trị cao;... tập trung phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm,
du lịch kết hợp với hội thảo, hội nghị, sự kiện (MICE), nghỉ dưỡng, sinh thái với
các dịch vụ đi kèm như khách sạn, nhà hàng, vui chơi, giải trí, thể thao mạo hiểm.
Phát triển nông nghiệp theo hướng hình
thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp làm cơ sở tập trung, thu hút
doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao trong
sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương theo chiều sâu,
tạo giá trị gia tăng cao.
Nghiên cứu, ban hành chính sách khuyến
khích các doanh nghiệp triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo định hướng
phát triển của địa phương, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng
khu, cụm công nghiệp; ban hành cơ chế để các doanh nghiệp trên địa bàn liên kết
với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất...
Theo BCP