Các ngành công nghiệp trọng điểm, có ý
nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy nền công nghiệp quốc gia nói riêng và quá
trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung theo định hướng của Đảng
và Nhà nước là các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp
mũi nhọn theo chủ trương, định hướng của Đảng về công nghiệp hóa đất nước.
Công nghiệp trọng điểm là các ngành mà dựa
trên đó các ngành công nghiệp khác tồn tại và phát triển, cung cấp các yếu tố đầu
vào và tư liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp và kinh tế khác; là cơ sở
thúc đẩy tiến bộ công nghệ, nâng cấp trình độ của toàn bộ nền công nghiệp và
các ngành kinh tế khác; có tác động lan toả và thúc đẩy phát triển các ngành
kinh tế khác, có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao.
Do các đặc điểm nêu trên, các ngành công
nghiệp trọng điểm có vai trò hết sức quan trọng, là động lực để thúc đẩy toàn bộ
nền công nghiệp nói riêng cũng như quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của
nền kinh tế nói chung.
Chưa có hành lang pháp lý xác định rõ trọng
tâm phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm
Theo Bộ Công Thương, trong quá trình xây dựng,
thực thi chính sách phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm ở nước ta hiện
nay, hạn chế thứ nhất là chưa có hành lang pháp lý xác định rõ trọng tâm phát
triển các ngành công nghiệp trọng điểm trong quá trình công nghiệp hóa.
Hệ thống pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định cụ thể hóa về việc xác định các ngành công nghiệp trọng điểm, then chốt cũng như chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển các ngành này (danh mục các ngành công nghiệp trọng điểm có hiệu lực pháp lý thấp, lạc hậu so với thực tế). Việc thiếu các quy định này dẫn đến việc thể chế hóa, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, các Chương trình, đề án, kế hoạch của Trung ương và địa phương phân tán, thiếu trọng tâm, trọng điểm.
Thứ hai, pháp luật hiện hành về ưu đãi, hỗ
trợ đầu tư cho các ngành công nghiệp trọng điểm còn rời rạc, hiệu lực pháp lý
thấp hoặc chưa được xây dựng. Các giải pháp hỗ trợ về thị trường chưa được quan
tâm đúng mức trong quá trình xây dựng chính sách công nghiệp; Cơ chế, chính
sách cho ứng dụng, chuyển giao, cải tiến, đổi mới quy trình công nghệ sản xuất
trong các ngành công nghiệp – đặc biệt là các công nghệ then chốt trong các
ngành công nghiệp trọng điểm còn thiếu tính bền vững, dài hạn không phù hợp với
đặc thù của các hoạt động sản xuất công nghiệp.
Thứ ba, đối với phát triển công nghiệp hỗ
trợ, mặc dù đã có những văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát triển công nghiệp
hỗ trợ, tuy nhiên các chính sách được ban hành rất chậm. Các cơ chế về ưu đãi
tín dụng đầu tư, ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, đặc biệt là phân bổ nguồn lực để
triển khai các chính sách về công nghiệp hỗ trợ chưa được cụ thể hóa…
Thứ tư, môi trường kinh doanh thời gian
qua tuy có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn nhiều bất cập, gây ảnh hưởng đến tính ổn
định trong việc phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm vốn yêu cầu các
chính sách cần mang tính ổn định, dài hạn, tầm nhìn chiến lược.
Thứ năm, năng lực cạnh tranh của bản thân
các doanh nghiệp – đặc biệt là các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp trọng
điểm còn rất nhiều hạn chế. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ
và vừa có quy mô nhỏ, thiếu vốn tự có, thiếu minh bạch tài chính, thiếu tài sản
thế chấp, thiếu phương án sản xuất kinh doanh dẫn đến không đáp ứng các điều kiện
cấp tín dụng nên gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận tín dụng để đầu tư mở rộng sản
xuất kinh doanh...
Thúc đẩy sự phát triển của các ngành công
nghiệp trọng điểm phù hợp với khoa học, đổi mới sáng tạo
Vì vậy, việc ban hành Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm trong tình hình, bối cảnh hiện nay là vô cùng cấp bách nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị và mới đây nhất là Nghị quyết 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thúc đẩy sự phát triển của các ngành công
nghiệp trọng điểm phù hợp với bối cảnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và
những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hướng đến xây dựng nền
công nghiệp độc lập, tự chủ, tự cường, góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền
vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ
nghĩa.
Kiến tạo được một số đột phá về chính
sách, pháp luật để xử lý các điểm nghẽn cơ bản trong phát triển các ngành công
nghiệp trọng điểm theo hướng từ chiều rộng sang theo chiều sâu, từ gia công, lắp
ráp sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam, có hàm lượng tri thức
và công nghệ cao đồng thời tạo đột phá về quá trình hiện đại hóa trong công
nghiệp.
Đẩy mạnh phân công, phân cấp thông qua tạo
cơ sở pháp lý khuyến khích sự chủ động, sáng tạo của các Bộ, ngành địa phương
trong khai thác và phát huy tốt nhất mọi tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng
vùng và địa phương.
Đề xuất 2 chính sách
Bộ Công Thương đề nghị xây dựng Luật Sản
xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm với 2 chính sách sau:
Chính sách 1: Khuyến khích sản xuất, chế tạo trong nước
các sản phẩm công nghiệp trọng điểm.
Mục tiêu của chính sách nhằm nâng cao hiệu
quả đầu tư trong các ngành công nghiệp trọng điểm; nâng cao năng suất, chất lượng
sản xuất công nghiệp. Khắc phục từng bước tình trạng sản phẩm công nghiệp sản
xuất tại Việt Nam chủ yếu mang tính chất gia công, giá trị gia tăng, hàm lượng
khoa học công nghệ thấp, chưa tiếp cận được về chuyển đổi số hướng đến sản xuất
thông minh; thúc đẩy việc hình thành chuỗi giá trị công nghiệp thông qua các
chính sách phát triển doanh nghiệp dẫn đầu.
Khắc phục sự thiếu tính chiến lược, kế hoạch trong định hướng phát triển công nghiệp trong thời gian qua; làm căn cứ bảo đảm tính khả thi trong việc bố trí các nguồn lực phát triển công nghiệp tập trung vào các ngành trọng điểm, then chốt, có ý nghĩa quan trọng, đòn bẩy trong quá trình công nghiệp hóa, tránh việc áp dụng quá rộng rãi các cơ chế ưu đãi khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp, vừa không hiệu quả, vừa gây lãng phí nguồn lực nhà nước; bổ sung cơ chế kiểm tra, giám sát thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp trọng điểm.
Chính sách 2: Phát triển công nghiệp hỗ trợ
Mục tiêu của chính sách là phát triển công
nghiệp hỗ trợ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và
xu hướng phát triển của thế giới, nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa của các ngành
công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp quốc phòng.
Đồng thời, phát triển công nghiệp hỗ trợ
trên cơ sở tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới,
nhằm thu hút đầu tư, tiếp cận và đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn đa quốc gia,
tham gia ngày càng sâu rộng vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu
trong các lĩnh vực này.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ hài hòa, bền
vững giữa các ngành công nghiệp, lấy phát triển chiều sâu làm trọng tâm, với
các ưu tiên đột phá để tạo ra các mũi nhọn cho phát triển công nghiệp, đảm bảo
phát triển bền vững và thân thiện môi trường; phát triển công nghiệp hỗ trợ
trên cơ sở huy động nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt từ doanh nghiệp
có vốn đầu tư nước ngoài và hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa nội địa.
Độc giả xem toàn văn dự thảo và góp ý tại links:
https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/ho-so-de-nghi-xay-dung-luat-san-xuat-san-pham-cong-nghiep-trong-diem-7008
Theo BCP