Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo, tốc độ
tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại.
Tăng trưởng GDP Quý III của cả nước có thể giảm 0,35%, Quý IV giảm 0,22% so với
kịch bản không có Bão số 3. Ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản ước
tăng trưởng có thể đạt 6,8-7%, trong khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%,
công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%.
Ngày 15/9/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có
Báo cáo số 7399/BC-BKHĐT báo cáo Thường trực Chính phủ về tình hình thiệt hại
do cơn bão số 3 Yagi (cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong 30 năm qua), các
giải pháp khắc phục hậu quả mưa bão, phục hồi sản xuất, kinh doanh; trong đó, Bộ
Kế hoạch và Đầu tư có đề xuất giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước cho các đối tượng
bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và hoàn lưu bão, ngập lụt, lũ quét...
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Tài chính; căn cứ nhiệm vụ Quốc hội giao
Chính phủ năm 2024 tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 về kế hoạch phát triển kinh
tế - xã hội năm 2024; căn cứ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 của Bộ
Kế hoạch và Đầu tư, để có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó
với những khó khăn, thách thức trong thời gian tới; đồng thời để kịp thời hỗ trợ
các địa phương bị ảnh hưởng bởi Bão số 3 Yagi, dự phòng các kịch bản về thiên
tai có thể ảnh hưởng đến nhiều địa phương trên cả nước; Bộ Tài chính trình
Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc giảm tiền thuê đất năm 2024 sau khi
được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đề xuất giảm 30% tiền thuê đất
Theo dự thảo, đối tượng áp dụng là tổ chức,
đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất, trực
tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền
sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
(tính tại thời điểm người thuê đất nộp hồ sơ đề nghị giảm tiền thuê đất theo
quy định) dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm (gọi là người thuê đất).
Quy định này áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất không thuộc đối tượng được
miễn, giảm tiền thuê đất, và trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê
đất theo quy định của pháp luật về đất đai (Luật và các văn bản hướng dẫn chi
tiết Luật) và pháp luật khác có liên quan; (ii) Cơ quan có thẩm quyền giải quyết
hồ sơ giảm tiền thuê đất; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Về mức giảm tiền thuê đất, dự thảo đề xuất
2 phương án như sau:
- Phương án 1: Giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm
2024 đối với người thuê đất quy định tại Điều 2 Nghị định này.
- Phương án 2: Giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm
2024 đối với người thuê đất quy định tại Điều 2 Nghị định này.
Bộ Tài chính trình Chính phủ đề xuất
Phương án 2. Theo Bộ Tài chính, phương án này phù hợp với tình hình diễn biến mới
về kinh tế - xã hội của cả nước; cụ thể: Tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của
cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại. Tăng trưởng GDP Quý III của cả nước
có thể giảm 0,35%, Quý IV giảm 0,22% so với kịch bản không có Bão số 3. Phương
án 1 do Bộ Tài chính đề xuất trong kịch bản không có Bão số 3.
Độc giả xem toàn văn dự thảo và góp ý tại links:
* Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian
qua, để tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và góp phần phục hồi và
phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ,
Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định số
22/2020/QĐ-TTg ngày 10/8/2020; Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/9/2021 về
việc giảm tiền thuê đất phải nộp năm 2020, 2022 đối với doanh nghiệp, tổ chức,
hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất hàng năm bị ảnh hưởng của
dịch COVID-19; Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/01/2023 về việc giảm tiền
thuê đất năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; Quyết định
số 25/2023/QĐ-TTg ngày 03/10/2023 về việc giảm tiền thuê đất của năm 2023.
Số tiền thuê đất, thuê mặt nước được giảm
trung bình các năm 2020, 2021, 2022, 2023 theo các Quyết định của Thủ tướng
Chính phủ nêu trên là 2.890 tỷ đồng/năm (riêng trung bình các năm 2021, 2022,
2023 là 3.734 tỷ/năm), qua đó đã góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức,
đơn vị, hộ gia đình, cá nhân trong việc tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch
COVID-19 để có thể sớm khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch
(các năm 2020, 2021, 2022) và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh (năm
2023).
Theo BCP