Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về
xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,
kinh tế- xã hội thành phố đạt nhiều kết quả quan trọng. Để thực hiện mục tiêu
đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thành phố đang đề
xuất, trình Trung ương xem xét, phê duyệt chủ trương thí điểm thành lập Khu
thương mại tự do tại Hải Phòng gắn với thành lập Khu Kinh tế (KKT) ven biển
phía Nam của thành phố, từ đó tạo không gian, dư địa phát triển bứt phá.
Nỗ
lực để bứt phá
Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số
45, đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy nêu 3 khó khăn, hạn chế lớn của
thành phố trong thực hiện các mục tiêu của nghị quyết. Có khó khăn nội tại,
nhưng cũng có những khó khăn thuộc về cơ chế chung. Theo đó, Nghị quyết 45 đề
ra mục tiêu Hải Phòng đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại
hóa. Tuy nhiên, KKT Đình Vũ - Cát Hải hiện nay đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng hơn 80%
diện tích. Bên cạnh đó, việc phát triển các khu, cụm công nghiệp tiến độ còn chậm,
nên dư địa để thu hút đầu tư còn ít, không đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư, nhất
là các dự án lớn. Những năm qua, Hải Phòng là một trong những địa phương phát
triển nhanh nhất cả nước, tuy nhiên, hệ thống cơ chế chính sách đặc thù, thúc đẩy
phát triển còn khá khiêm tốn, chưa đủ sức tạo động lực mạnh mẽ để phát triển xứng
tầm với tiềm năng và vị thế của thành phố.
Sau 15 năm thành lập, Khu Kinh tế
Đình Vũ - Cát Hải phát triển sôi động, hiệu quả đứng đầu cả nước. Ảnh: Minh
Quân
Vì vậy, Thành ủy xác định nhiệm vụ khảo sát, lập đề
án và đề xuất, trình Trung ương xem xét, phê duyệt chủ trương thí điểm thành lập
Khu thương mại tự do tại Hải Phòng, thành lập KKT ven biển phía Nam của thành
phố là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Những đề xuất trên xuất phát từ chủ
trương, định hướng Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, từ thực tế phát triển của Hải
Phòng. Điều đó cho thấy, thành phố luôn chủ động, nỗ lực để tìm kiếm những tư
tưởng mới, cách làm mới để bứt phá, hiện thực khát vọng phát triển. Tiến sĩ Vũ
Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung ương nhận xét, Hải
Phòng luôn là địa phương đi đầu cả nước về cải cách, đổi mới, thể hiện khát vọng
phát triển không chỉ cho Hải Phòng mà cho cả đất nước. Còn PGS.TS Trần Đình
Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng
Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Hải Phòng khát vọng bứt phá và có tiềm năng, lợi
thế vượt trội để bứt phá. Trung ương cần “mở” cho Hải Phòng nhiều hơn nữa, từ
đó làm hình mẫu phát triển của cả nước. Đó chính là mô hình Khu thương mại tự
do gắn với thành lập KKT ven biển phía Nam Hải Phòng.
Mong
sớm có cơ chế chính sách đặc biệt
Đề án thành lập KKT ven biển phía Nam được thành phố
đề xuất lựa chọn mô hình KKT 3.0 - mô hình mới, kết hợp tính ưu việt của mô
hình 1.0 và 2.0 và bổ sung yếu tố phát triển bền vững, chuyển đổi xanh. Mô hình
KKT 3.0 là xu thế phát triển tất yếu, phù hợp Chiến lược quốc gia về tăng trưởng
xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt. Hơn nữa, KKT ven biển phía Nam có lợi thế so sánh đặc biệt, mang tính “độc
quyền” về vị trí. KKT với mặt tiền hướng biển, chủ chốt là cảng Nam Đồ Sơn và hậu
phương “vững chắc” là vùng công nghiệp các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng
và các tỉnh phía Tây Nam của Trung Quốc. Trong khi đó, chỉ tính riêng 11 tỉnh
vùng Đồng bằng sông Hồng, quy mô GRDP công nghiệp - xây dựng và kim ngạch xuất
nhập khẩu chiếm tỷ trọng quan trọng với nền kinh tế cả nước. Vì vậy, KKT phía
Nam Hải Phòng không chỉ mở rộng dư địa phát triển riêng Hải Phòng, mà tạo đà tăng
trưởng công nghiệp đối với cả vùng.
Với đề xuất của thành phố, một phần không gian KKT
ven biển phía Nam được sử dụng để phát triển khu thương mại tự do. Đây là bước
đột phá của Hải Phòng và cả nước để thí điểm những cơ chế, chính sách mở cửa mạnh
mẽ. Khi đó, KKT ven biển phía Nam là nơi duy nhất tại Việt Nam tới nay thực hiện
những chính sách hội nhập cao, tạo lợi thế vượt trội thu trong hút đầu tư nước
ngoài, đủ sức cạnh tranh trong khu vực. Khu thương mại tự do và cảng trung chuyển
quốc tế Nam Đồ Sơn là nơi hội tụ của các tập đoàn đa quốc gia, nhất là các tập
đoàn trong lĩnh vực logistics. Khi đó, trình độ logistics tại khu thương mại tự
do phát triển theo tiêu chuẩn của các tập đoàn, từ đó tạo sức ép hình thành
liên kết ngược vào chuỗi logistics nội địa. Đây là cơ sở để ngành logistics Việt
Nam từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động – một điểm nghẽn đang hạn chế lợi thế
cạnh tranh của hàng hóa trong nước trên thị trường xuất khẩu. Như vậy, thành lập
KKT ven biển phía Nam Hải Phòng tạo lợi ích là động lực đổi mới ngành
logistics, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa của quốc gia. Từ những lợi thế so
sánh vượt trội, ưu thế cạnh tranh, theo dự tính khi KKT phía Nam thành phố sớm
hình thành theo kế hoạch, đến năm 2030 sẽ trở thành động lực chủ đạo của nền
kinh tế thành phố, tương đương 80% năng lực của KKT Đình Vũ - Cát Hải năm 2023.
Từ kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ
Chính trị, từ những đề xuất của thành phố, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương
Nguyễn Hồng Sơn cho rằng: Trong giai đoạn tiếp theo, Hải Phòng cần có giải
pháp, cơ chế chính sách đặc biệt, mang tính vượt trội, đột phá, mang tính khả
thi phù hợp thực tiễn của thành phố và có thể áp dụng được ngay, để mở rộng
không gian phát triển cho Hải Phòng. Song, thành phố cần tổ chức thực hiện quyết
liệt, đồng bộ, thông suốt giữa mục tiêu, cơ chế, chính sách với nguồn lực và với
tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, Ban Kinh tế Trung ương thống nhất với thành
phố sẽ đề xuất Trung ương nghiên cứu, sớm ban hành Đề án thí điểm thành lập Khu
thương mại tự do tại Hải Phòng; phê duyệt Đề án KKT ven biển phía Nam Hải
Phòng.
BHP