Theo nội dung Thông báo kết luận
của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại Hội nghị trực tuyến về tình hình thực hiện Dự
án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn
2017 - 2020. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy
nhanh tiến độ thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu
xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc
trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Xác định tầm quan trọng của kết cấu
hạ tầng giao thông trong phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao vị thế của từng địa
phương và của cả nước; trong những năm vừa qua, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã
quan tâm, tạo điều kiện cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ,
đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc. Mục tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng
5.000km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025, hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc
- Nam phía Đông. Vì vậy, việc sớm hoàn thành Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ
cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là nhiệm vụ chính
trị, cùng với việc triển khai giai đoạn 2 (giai đoạn 2021 - 2025) đang trình Quốc
hội thông qua chủ trương đầu tư, sẽ cơ bản hoàn thành toàn bộ 2.063 km tuyến
cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào năm 2025.
Theo báo cáo của Bộ GTVT và các địa
phương, đến nay công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành
(chỉ còn cục bộ một số vị trí với tổng chiều dài khoảng 465 mét, chiếm 0,07%
chiều dài tuyến); khối lượng xây lắp đạt khá cao (giải ngân đến nay đạt khoảng
17.476 tỷ đồng, tương đương 32,22%).
Ngoài việc thúc đẩy, tháo gỡ khó
khăn cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, Chính phủ cũng đã ban hành thêm
02 Nghị quyết nhằm xử lý vướng mắc liên quan đến thủ tục cấp phép khai thác vật
liệu xây dựng thông thường sử dụng cho Dự án, đã cơ bản tháo gỡ được khó khăn về
vật liệu đất đắp nền đường (hiện chỉ còn thiếu khoảng 10 triệu m3 vật liệu đất
đắp nền đường). Tuy nhiên, Dự án vẫn còn một số vấn đề tồn tại như: một số dự
án thành phần còn thiếu bãi đổ vật liệu phế thải; một số dự án thành phần còn
thiếu hụt về nguồn cung vật liệu đất đắp nền đường; một số dự án thành phần hiện
còn chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.
Để giải quyết các tồn tại nêu
trên, trong thời gian tới đề nghị các bộ, ngành, địa phương, đơn vị cần tập
trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Về công tác cấp Giấy phép
khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự
án, các địa phương (Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình
Thuận và Đồng Nai) tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục cấp Giấy
phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án
theo Nghị quyết số 60/NQ-CP và Nghị quyết số 133/NQ-CP của Chính phủ; các Nhà
thầu/ Nhà đầu tư thi công phải chủ động phối hợp với địa phương thực hiện các
thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản nêu trên. Tiến độ xử lý các vướng mắc
về nguồn vật liệu yêu cầu hoàn thành trước ngày 15/01/2022.
Về công tác di dời các công
trình hạ tầng kỹ thuật, yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn điện lực Việt
Nam, chính quyền các địa phương chỉ đạo các bên liên quan khẩn trương thực hiện
các thủ tục thẩm định, phê duyệt thiết kế và thực hiện công tác di dời các trụ
điện cao thế trước ngày 15/01/2022.
Đối với các vị trí cục bộ còn tồn
tại về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), các địa phương (Nghệ An, Thừa Thiên
- Huế và Đồng Nai) tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khối lượng còn lại
công tác GPMB trước ngày 15/01/2022.
Tổ chức thi công 03 ca/ngày
đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ đề ra
Về tiến độ thi công các dự án
thành phần, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, các Ban Quản lý dự án
chỉ đạo các Nhà thầu tổ chức thi công 03 ca/ngày đảm bảo hoàn thành dự án đúng
tiến độ đề ra (đặc biệt là các dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2022),
khuyến khích các Nhà thầu hoàn thành công trình trước tiến độ yêu cầu.
Bộ Giao thông vận tải phê duyệt
tiến độ chi tiết của từng dự án, gói thầu để làm căn cứ kiểm điểm trong Hội nghị
giao ban lần tới, trong đó làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan
(trách nhiệm của địa phương trong chậm bàn giao mặt bằng, thiếu mỏ vật liệu;
trách nhiệm của nhà đầu tư, nhà thầu trong tổ chức thi công...).
Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu,
có cơ chế khuyến khích các nhà thầu làm tốt để ưu tiên (trên cơ sở pháp luật
cho phép) khi đấu thầu tham gia các dự án tiếp theo.
Đối với việc triển khai các dự án
thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 -2025, rút kinh nghiệm từ việc triển
khai các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, Bộ Giao
thông vận tải phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các Bộ, ngành liên quan để
triển khai các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 trong
công tác GPMB, chuẩn bị vật liệu cho Dự án,... ngay sau khi được Quốc hội thông
qua chủ trương đầu tư; phải lựa chọn các Nhà thầu lớn, có đủ năng lực thi công;
phải đổi mới về công nghệ thực hiện, trang thiết bị thi công để rút ngắn thời
gian thi công nhưng phải đảm bảo chất lượng công trình ngay từ khi lập hồ sơ mời thầu.
Tóm lược theo CTTĐTCP