SCG hoàn tất thâu tóm
Starprint
Ngày
18/12/2023, SCG Packaging (SCGP), công ty thuộc Tập đoàn SCG của Thái Lan, phát
đi thông báo đã hoàn tất việc mua lại 70% cổ phần của Công ty CP Starprint Việt
Nam với giá 676,8 tỷ đồng (27,8 triệu USD). Giao dịch được thực hiện thông qua
SCGP Solutions (SCGPSS, Singapore), một công ty con khác của SCGP.
Theo
thông tin của SCGP, trong năm 2022, Starprint Việt Nam ghi nhận doanh thu 1.013
tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 92,5 tỷ đồng. Tổng tài sản của công ty tại thời
điểm cuối năm 2022 là 601 tỷ đồng.
Trước
đó, vào tháng 4/2023, SCG Packaging đã thông báo đang tiến hành mua lại 70% cổ
phần của Starprint Việt Nam với giá không quá 1.050 tỷ đồng (gần 45 triệu USD)
để mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Thông báo này cũng tiết lộ Starflex Public
Company Limited (Starflex), nhà sản xuất bao bì mềm hàng đầu có trụ sở tại Thái
Lan, dự định nắm giữ 25% cổ phần của Starprint Việt Nam.
Theo
SCGP, ngoài việc củng cố vị thế của SCGP với tư cách là nhà cung cấp giải pháp
đóng gói tiêu dùng tích hợp hàng đầu và tăng gấp đôi thị phần về thùng carton gấp
offset tại Việt Nam, việc mua lại Starprint Việt Nam sẽ tăng cơ hội bán chéo sản
phẩm với các công ty con khác của SCGP và mở rộng danh sách khách hàng. Hiện
nay Công ty đã có 50 văn phòng tại Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Philippines,
Malaysia, Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan và Hoa Kỳ.
Ngày 21/12/2023, Starprint Việt Nam đã thay đổi thông tin trên giấy đăng ký kinh doanh với SCGP nắm 70%, SFLEX INVESTMENT PTE. LTD. nắm 25%, ông SUTHEP TAITHONGCH AI nắm 2,9% và THANE TAITHONGCH AI nắm 2%. Trước đó, ông SUTHEP TAITHONGCH AI (Quốc tịch Thái Lan) là Chủ tịch HĐQT của công ty, nắm 64,2% vốn cổ phần.
Thị trường Việt
"trong tay" đại gia Thái Lan
Starprint
Việt Nam là một trong những nhà sản xuất thùng carton, hộp cứng và bao bì cao cấp
hàng đầu Việt Nam, có công suất 16.500 tấn bản in offset và 8 triệu hộp cứng mỗi
năm, với hai cơ sở sản xuất đặt tại Khu công nghiệp Long Bình (Amata), Đồng
Nai. Khách hàng của họ là các công ty đa quốc gia, chủ yếu liên quan đến các sản
phẩm tiêu dùng nhanh như Unilever, Colgate, Nestle, Heineken, CJ, P&G…
Mặc
dù có trụ sở tại Việt Nam nhưng Starprint vốn dĩ là công ty của Thái Lan.
Theo
tìm hiểu, công ty có tuổi đời hơn 60 năm này ra đời sau cái "bắt tay"
của Colgate với một nhà in địa phương của Thái Lan. Đến năm 2001, Starprint
chính thức hiện diện đến Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực in ấn.
Nghĩa
là, cuộc thâu tóm Starprint Việt Nam của SCGP về cơ bản, vẫn chỉ là cuộc sang
tay của những người Thái Lan. Công ty bao bì có lịch sử lâu đời này, sẽ trở
thành cơ sở sản xuất hộp cứng đầu tiên của SCGP tại ASEAN và là cơ sở sản xuất
thùng carton gấp offset đầu tiên của công ty Thái Lan này tại Việt Nam.
Không chỉ Starprint, bóng dáng những "ông lớn" Thái Lan hiện hữu tại thị trường Việt Nam là rất lớn. Central Retail, một doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Thái Lan đang có dòng vốn tại Nguyễn Kim, Go!..., những siêu thị bán lẻ lớn ở thị trường trăm triệu dân. Ngành bia rượu nước giải khát chứng kiến sự xuất hiện của ThaiBev ở SABECO và sắp tới là Carabao. Riêng ngành bao bì, chỉ riêng SCGP đang sở hữu khoảng 20 doanh nghiệp bao bì nhựa tại Việt Nam, gồm Liên doanh Việt – Thái Plastchem, Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Chemtech, Vật liệu nhựa Minh Thái, Giấy Kraft Vina, Công ty Công nghiệp Tân Á, Bao bì AP, Sản xuất Bao bì Alcamax, Packamex…
Trong
đó một số thương vụ đáng chú ý như SCG mua lại 80% cổ phần của Công ty cổ phần
Bao bì nhựa Tín Thành (Batico) với giá 1,5 tỷ baht (khoảng 44,4 triệu USD) vào
năm 2015. Batico thuộc top 5 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản
xuất sản phẩm bao bì với công suất 230 triệu m2/năm.
Hay
năm 2021, Tập đoàn SCG (Thái Lan) mua tiếp 70% cổ phần của Nhựa Duy Tân, một
trong những doanh nghiệp đứng đầu thị trường Việt Nam về các sản phẩm bao bì nhựa
cứng, với khách hàng chính là các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp FMCG
nội địa. 80% sản phẩm của Duy Tân được bán tại Việt Nam, 20% xuất khẩu sang Mỹ
và các thị trường khác.
Ông
Nguyễn Ngọc Sang, Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam (VINPAS) nhận định, những
năm qua, công nghiệp bao bì đã có nhiều đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Việt
Nam với tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định. Riêng ngành bao bì nhựa, những
năm gần đây phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 25%/năm.
Hiện
Việt Nam có hơn 900 nhà máy sản xuất bao bì, trong đó khoảng 70% tập trung tại
thị trường phía Nam. Những năm qua, ngành bao bì đã có nhiều đóng góp quan trọng
cho nền kinh tế Việt Nam. Ngành này cũng được cho là sẽ hưởng lợi lớn từ sự
phát triển của thương mại điện tử và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt
Nam đã tham gia.
"Việt
Nam đã ký 16 FTA, hiện đang đàm phán 3 hiệp định mới, và đã xuất khẩu đến gần
200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia
TMĐT của Việt Nam dù đang ở giai đọan đầu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trên
25% và đạt qui mô 25 tỉ USD. Những yếu tố trên chính là cơ hội lớn để công nghiệp
bao bì Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai", ông Sang cho
biết thêm.
Tuy
nhiên, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ
KH&ĐT nhận định bên cạnh tiềm năng, ngành bao bì cũng gặp không ít khó
khăn, thực tế hiện nay rất nhiều tập đoàn nước ngoài lớn đầu tư vào Việt Nam thời
gian qua họ đã kéo theo các công ty vệ tinh để cung ứng những sản phẩm công
nghiệp hỗ trợ phục vụ cho chuỗi sản xuất, đóng gói hàng hóa hoàn chỉnh trước
khi đưa ra thị trường. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế nhận định, nếu nói
về lợi thế so sánh, các doanh nghiệp bao bì nước ngoài có nhiều lợi thế hơn so
với doanh nghiệp nội địa về vốn, công nghệ, năng lực quản lý và cả mối quan hệ
với những đối tác lớn. Theo đó, nếu không chủ động nâng cao năng lực, tận dụng
tốt cơ hội, doanh nghiệp bao bì nội sẽ có nguy cơ thua ngay trên sân nhà.
NĐT