Các chính
sách cung cấp oxy, dinh dưỡng cho doanh nghiệp
Chiều 3/8,
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả
thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và đề xuất các giải
pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.
Phát biểu
kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thông điệp của hội nghị
là chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thị trường bất động sản phát triển ổn
định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững.
Về phương
hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kiên trì, kiên định giữ vững ổn
định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối
lớn của nền kinh tế.
Cần thúc đẩy
nhanh sự ra đời của các sàn giao dịch bất động sản để phát huy khả năng tự điều
chỉnh của thị trường, hạn chế việc can thiệp hành chính.
Các bộ,
ngành địa phương tập trung, khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch với các
ngành, vùng, địa phương, phân khu.
Để tăng tổng cung và tổng cầu, cần quyết liệt triển khai chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả hơn nhưng có kiểm soát; đẩy mạnh tiến hành khoanh nợ, cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn nợ….
Phối hợp đồng
bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng
điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát với các biện pháp giảm, giãn hoãn thuế,
phí, lệ phí… Trong đó giảm thuế VAT phải nhanh với tinh thần "cái gì được
thì cho đi trước", không thể chờ cả gói mới thực hiện miễn là đúng luật
pháp.
"Các
chính sách này sẽ giúp cung cấp oxy, dinh dưỡng cho doanh nghiệp", Thủ tướng
cho hay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các khu đất đẹp, thuận lợi về giao
thông cần ưu tiên dành cho sản xuất kinh doanh, từ đó mới tạo công ăn việc làm,
thu hút người đến làm
Thứ ba, tập
trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo công
ăn việc làm, tạo sinh kế, thu nhập, nâng cao đời sống vật chất tinh thần và
nhân dân cho người dân.
Thủ tướng
một lần nữa lưu ý các địa phương, các khu đất đẹp, thuận lợi về giao thông cần
ưu tiên dành cho sản xuất kinh doanh, từ đó mới tạo công ăn việc làm, thu hút
người đến làm, có người đến làm thì mới có người đến ở, có người đến ở thì mới
có người mua nhà, từ đó mới phát triển được bất động sản, đô thị… Đây là vấn đề
có tính quy luật, được thực tiễn chứng minh.
Thứ tư, cơ
cấu lại các phân khúc bất động sản cho phù hợp, lưu ý quan tâm phân khúc nhà ở
xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập trung bình. Cơ cấu bất động sản
không hợp lý khiến nhiều người có nhu cầu thực không thể tiếp cận nhà ở.
Thứ năm, đẩy
mạnh nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ, lãnh đạo các tỉnh,
thành phố cần chú trọng công tác này, thực hiện thực chất, hiệu quả, không hình
thức.
Thứ sáu,
giải pháp về tổ chức thực hiện và giải pháp con người.
Rà soát việc
cho vay đối với các doanh nghiệp bất động sản
Về nhiệm vụ
cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện
rà soát, lập và công bố danh mục các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công
nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư.
Phối hợp với
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai hiệu quả
gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính
phủ và gói hỗ trợ tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương
trình phục hồi kinh tế.
Thủ tướng
đánh giá Hòa Bình, Bình Định đang làm tốt việc triển khai các dự án nhà ở xã hội,
Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang cũng đang tích cực triển
khai…
Thủ tướng
yêu cầu Ngân hàng nhà nước tiếp tục rà soát việc cho vay tín dụng đối với các
doanh nghiệp bất động sản; có giải pháp phù hợp, hiệu quả để doanh nghiệp, dự
án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi
hơn.
Ngân hàng
nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung
ương triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng
cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại
chung cư.
Bộ Tài
chính rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, triển khai các giải pháp phát triển thị trường
trái phiếu doanh nghiệp; nghiên cứu hình thành quỹ phát triển nhà ở xã hội cho
công nhân; thúc đẩy tăng cường hợp tác công tư trong phát triển nhà ở xã hội…
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng nhà nước tiếp tục rà soát việc cho vay tín dụng
đối với các doanh nghiệp bất động sản
Bộ Tài
nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan trong hoàn thiện
dự án Luật Đất đai (sửa đổi); khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét
ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 về
phương pháp định giá đất.
Đồng thời
xây dựng điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất; định giá đất cụ thể và hoạt động
tư vấn xác định giá đất theo trình tự thủ tục rút gọn; đồng thời hướng dẫn các
địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến xác định giá đất.
Đối với
các địa phương, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp
Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy
thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Chủ tịch UBND
chủ động thành lập các Tổ công tác, tập trung rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn.
Đối với
các doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị tiếp tục chủ động tổ chức rà soát, tái cấu
trúc lại doanh nghiệp, danh mục đầu tư, cơ cấu sản phẩm đầu tư của doanh nghiệp
nhằm đảm bảo phù hợp với năng lực tài chính, quy mô, khả năng quản trị của
doanh nghiệp và phù hợp với nhu cầu thực của xã hội.
Tập trung
nguồn lực thỏa đáng cho các dự án sắp hoàn thành, các dự án lớn có tính khả thi
cao để sớm đưa vào kinh doanh, khai thác thu hồi vốn, tạo dòng tiền cho doanh
nghiệp và tăng nguồn cung cho thị trường.
Theo Thùy An - VTV