Đã từ lâu các chủ sở hữu xe điện Tesla tại thị trường Bắc Mỹ chẳng cần bận tâm mỗi khi xe điện của họ di chuyển xa nhà mà cần phải sạc điện bởi Tesla đã phát triên 1 hệ thống mạng lưới sạc Superchargeing được xem là lớn nhất tại đây với mức độ sạc an toàn tuyệt đối. Mặc dù vậy ngành công nghiệp sạc EV nói chung đã bị phân mảnh và những người không sở hữu xe điện Tesla dường như sẽ không dễ dàng như vậy.

Tháng trước, Ford tuyên bố họ đã đạt được thỏa thuận với Tesla cho phép xe điện của Ford sử dụng trạm sạc của Tesla bằng bộ chuyển đổi và bắt đầu từ năm 2025, hãng sẽ biến công nghệ sạc của Tesla thành tiêu chuẩn trên xe điện của chính mình. Đó là một sự hợp tác đáng ngạc nhiên giữa các đối thủ trong ngành xe điện. Vào thứ 5 tuần qua, General Motors tiếp tục cho biết họ cũng đã đạt được một thỏa thuận gần như tương tự với Tesla.

Điều gì đã khiến Ford và GM lại hợp tác với Tesla, một công ty từ lâu đã bị các nhà đầu tư coi là mối đe dọa đối với các nhà sản xuất ô tô lâu đời?

Bộ sạc thống nhất sẽ là động lực ý nghĩa thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện?

Bộ sạc siêu nhanh của Tesla sử dụng thiết kế phích cắm độc quyền, được gọi là Tiêu chuẩn sạc Bắc Mỹ, hay NACS, không hoạt động với các xe điện không phải của Tesla trong khi hầu hết các xe điện và trạm sạc khác ở Hoa Kỳ đều sử dụng tiêu chuẩn phích cắm Hệ thống sạc kết hợp (CCS) thuộc phạm vi công cộng.

Như vậy đối với các xe điện của Tesla có thể sử dụng bộ sạc CCS với bộ chuyển đổi, nhưng chỉ xe điện của Teslas mới có thể sử dụng bộ sạc NACS.

Điều đó có nghĩa là trong khi chủ sở hữu xe Tesla có quyền truy cập vào các trạm sạc nhanh đáng tin cậy và phong phú của công ty, thì những chủ sở hữu khác không phải Tesla sử dụng CCS sẽ đối mặt với một mớ hỗn độn mạng và thiết bị thường không đáng tin cậy.

Những thiếu sót của CCS ngày càng trở thành mối lo ngại đối với các nhà sản xuất ô tô ở Detroit (thủ phủ công nghiệp sản xuất xe ô tô tại Mỹ) khi họ tăng cường sản xuất xe điện với hy vọng bán được các mẫu xe điện của mình trên quy mô đại chúng.

Trong một nghiên cứu vào năm ngoái, các nhà nghiên cứu tại Đại học California ở Berkeley đã kiểm tra 675 bộ sạc nhanh CCS ở Khu vực Vịnh San Francisco và phát hiện ra rằng gần ¼ trong số chúng không hoạt động. Một nghiên cứu vào tháng 8/2022 của JD Power đã tìm thấy kết quả tương tự đối với bộ sạc CCS ở các vùng khác của đất nước. Đáng chú ý, mạng sạc của Tesla đáng tin cậy hơn nhiều.

Tesla ban đầu xây dựng mạng Supercharger để khắc phục những lo ngại của người mua tiềm năng về việc sạc pin khi đi đường. Mức độ và độ tin cậy của mạng sạc nhanh là một thành phần quan trọng trong nỗ lực bán hàng ban đầu cho những khách hàng lo lắng về việc sử dụng xe điện - và yếu tố này đã góp phần quan trọng trong thành công của Tesla tại Hoa Kỳ kể từ đó.

Ngược lại, độ kém tin cậy và an toàn của mạng CCS là một thách thức đối với Ford, GM hay nhiều nhà sản xuất ô tô khác khi các hãng này đặt mục tiêu tăng doanh số bán xe điện của mình.

Những người mua xe điện tiềm năng của Ford hoặc GM có thể thích những gì họ trải nghiệm khi lái thử, nhưng không có mạng lưới sạc đáng tin cậy có thể là yếu tố khiến khách hàng trở lên cân nhắc. Và điều đó đã thúc đẩy sân chơi tính phí đối với dịch vụ sạc nhanh.

Một lý do khác để ủng hộ tiêu chuẩn NACS của Tesla hơn CCS đó là các phích cắm của Tesla nhỏ hơn và nhẹ hơn đáng kể so với phích cắm sạc nhanh CCS, có thể gây cồng kềnh cho người lái xe lớn tuổi hoặc khuyết tật sử dụng.

Tiết kiệm chi phí hơn

Cả Ford và GM đều đang đặt cược hàng tỷ đô la vào sự chuyển đổi lớn sang xe điện, các vấn đề về độ tin cậy với bộ sạc CCS được coi là một trong số những rào cản tiềm ẩn đối với việc mở rộng doanh số. GM cho biết vào năm 2021 rằng họ có kế hoạch chi 750 triệu đô la để cải thiện cơ sở hạ tầng sạc EV ở Hoa Kỳ và Canada.

Nhưng sau đó với việc Tesla phát triển mạnh mẽ tiêu chuẩn NACS kể từ tháng 11 năm ngoái, xuất bản các thông số kỹ thuật và mời gọi các nhà khai thác mạng sạc cũng như các nhà sản xuất ô tô khác sử dụng thiết kế của hãng có vẻ như sẽ tạo ra một con đường tắt mới qua đó tiết kiệm hơn đối với các nhà sản xuất nếu tận dụng điều này.

CEO Barra của GM chia sẻ với CNBC sau khi công bố thương vụ với Tesla: “Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể tiết kiệm tới 400 triệu đô la trong số 3/4 tỷ đô la ban đầu mà chúng tôi đã phân bổ cho việc này, bởi vì chúng tôi đã có thể làm điều đó nhanh hơn và hiệu quả hơn.”

Còn theo Jim Farley – giám đốc điều hành của Ford cũng nhận định rằng thỏa thuận với Tesla báo hiệu những điều mà ông coi là cần thiết đối với các nhà sản xuất ô tô điện đó là sự hợp tác: “Chúng tôi đã làm việc với các nhà sản xuất ô tô khác về hộp số và động cơ mà không ai chú ý đến trong thế giới ICE,” Farley cho biết tại hội nghị Bernstein vào ngày 31/5 vừa qua. “Bây giờ, điều mà các sản xuất sẽ tập trung nhiều hơn chính là khía cạnh công nghệ. Tôi nghĩ đó là một trong những động lực mới thú vị nhất.”

Tesla sẽ hưởng lợi gì?

Có lẽ câu hỏi sẽ được nhiều người đặt ra là : Vậy Tesla sẽ hưởng lợi gì từ những thỏa thuận để cho các đối thủ sử dụng mạng sạc ưu việt của mình?


Người dẫn đầu thị trường xe điện chắc chắn sẽ được hưởng doanh thu tăng thêm mà Hãng sẽ nhận được từ các chủ sở hữu Ford và GM EV mỗi khi họ sạc tại trạm Supercharger.

Tesla nghiễm nhiên cũng sẽ nhận được sự chứng thực ngầm về công nghệ của mình bởi các đối thủ lâu đời và có khả năng Hãng cũng đạt được các khoản trợ cấp sạc EV công khai được cung cấp theo Luật Cơ sở hạ tầng được Lưỡng đảng thông qua vào năm ngoái.

Nhưng các thỏa thuận không có nghĩa là Tesla sẽ giành được độc quyền về sạc công cộng ở Mỹ, ngay cả khi tất cả các nhà sản xuất ô tô cuối cùng đều áp dụng tiêu chuẩn NACS.

Quyết định công khai tiêu chuẩn NACS của gã khổng lồ ngành xe điện có nghĩa là các nhà khai thác mạng sạc đối thủ cũng được tự do thêm bộ sạc có phích cắm NACS  và họ gần như chắc chắn sẽ làm như vậy.

Trên thực tế, những đối thủ khác đã phản ứng sau các thỏa thuận của Ford và GM. Gã khổng lồ thiết bị điện Thụy Sĩ ABB , nhà sản xuất bộ sạc EV thương mại hàng đầu, cho biết hôm thứ 6 tuần qua rằng họ sẽ sớm cung cấp phích cắm NACS dưới dạng tùy chọn trên các sản phẩm của mình. FreeWire Technologies, một công ty khởi nghiệp xây dựng bộ sạc nhanh có trụ sở tại California, đã công bố các kế hoạch tương tự sau thỏa thuận của Ford với Tesla vào tháng trước.

Trước các phản ứng từ thị trường, Rebecca Tinucci, giám đốc cấp cao về cơ sở hạ tầng sạc của Tesla, cho biết: “Nhiệm vụ của chúng tôi là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của thế giới sang năng lượng bền vững. Cung cấp cho mọi chủ sở hữu xe điện quyền truy cập vào tính năng sạc phổ biến và đáng tin cậy là nền tảng của sứ mệnh đó”.

Theo CNBC