Các nhà sản xuất xe điện (EV) của Trung Quốc hiện đang đặt mục tiêu thu hút và tiếp cận các khách hàng cá nhân châu Âu và các khách hàng doanh nghiệp lớn bằng những chiếc xe với giá cả phải chăng hơn đi kèm với tiêu chuẩn xếp hạng an toàn cùng nhiều tính năng công nghệ cao.

Trong vài tháng qua, một số xe điện của Trung Quốc đã nhận được xếp hạng 5 sao của Chương trình đánh giá ô tô mới của châu Âu (Euro NCAP - Euro New Car Assessment Programme) - một thành tích đòi hỏi phương tiện giao thông phải có các tính năng an toàn chủ động và thụ động vượt xa các yêu cầu pháp lý.

Theo chia sẻ của chủ tịch hãng sản xuất xe điện Trung Quốc Xpeng - Brian Gu, cho biết: “Tất cả các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đều muốn đạt được xếp hạng năm sao Euro NCAP của châu Âu để đạt lợi thế cạnh tranh hơn trên thị trường này”.

Theo ông Gu, trong 3 năm qua Xpeng đã xây dựng các cửa hàng và trung tâm dịch vụ ở Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển  và ban đầu đã có doanh thu tại Na Uy - trước khi ra mắt chính thức vào năm tới mẫu sedan P7 chạy điện và xe thể thao đa dụng SUV G9 ở cả 4 quốc gia.

Theo giám đốc Matthew Avery của Thatcham Research - một trung tâm nghiên cứu xe hơi của Anh được tài trợ bởi các công ty bảo hiểm và là thành viên của hội đồng Euro NCAP, cho biết các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đã nhận ra rằng sự an toàn đóng một phần cực kỳ quan trọng trong quy trình bán hàng.

Xếp hạng năm sao của Euro NCAP được coi là chìa khóa để khắc phục những lo ngại còn sót lại của châu Âu về chất lượng ô tô do Trung Quốc sản xuất, sau những thất bại trong thử nghiệm va chạm khủng khiếp vào năm 2006 và 2007 đã tạo ra ấn tượng rằng ô tô từ Trung Quốc không an toàn.

Ngoài ra việc đạt được mức xếp hạng an toàn cao cũng mở ra cơ hội tiếp cận thị trường bán xe cho các đội xe – một thị trường được coi là tương đối tiềm năng nhưng chưa được các hãng khai phá vì cho rằng không mang lại nhiều lợi nhuận dù doanh thu là tương đối lớn, cho các nhà sản xuất Trung Quốc.

Doanh số của đội xe chiếm khoảng một nửa tổng doanh số bán ô tô tại các thị trường lớn bao gồm Đức, Pháp và Vương quốc Anh, và nhiều Khách hàng doanh nghiệp đặt ưu tiên cao cho sự an toàn.

Chạy đua với tiêu chuẩn 5 sao Euro NCAP  và Tập trung vào các Đại lý/công ty cho thuê xe

Nhiều đội xe muốn nhanh chóng chuyển sang xe điện để đáp ứng các mục tiêu bền vững. Tuy nhiên, các đội xe của nhiều công ty đã phải vật lộn để có đủ xe điện ở châu Âu do các vấn đề về chuỗi cung ứng đã đẩy thời gian chờ đợi để được giao hàng đối với một số mẫu xe lên đến hơn 12 tháng.

Nhu cầu cao đối với ô tô điện trong bối cảnh chuỗi cung ứng thiếu hụt đã cho phép các nhà sản xuất ô tô châu Âu tăng giá EV và tập trung nhiều hơn vào các khách hàng bán lẻ, thay vì những khách hàng như các công ty cho thuê ô tô.

Và chính điều đó đã tạo ra cơ hội cho các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc vốn đã đánh bại hầu hết các đối thủ nước ngoài ở Trung Quốc - thị trường xe điện lớn nhất thế giới cho đến nay.

Chẳng hạn, vào tháng 10, công ty cho thuê ô tô Sixt của Đức cho biết họ sẽ mua khoảng 100.000 xe điện từ BYD, bắt đầu với chiếc SUV Atto 3 – ngay sau khi mẫu xe đã nhận được xếp hạng năm sao của Euro NCAP.

Công ty Great Wall Motors (GWM) của Trung Quốc cũng đã nhận được xếp hạng 5 sao vào tháng 9 cho mẫu SUV hybrid Coffee 01 thương hiệu WEY và mẫu sedan điện Funky Cat thương hiệu ORA.

Các nhà sản xuất ô tô châu Âu cũng đang theo đuổi xếp hạng năm sao cho xe điện và xe hybrid của họ, từ iX của BMW đến ID.4 và ID.5 của Volkswagen. Vào tháng 10, Mercedes cũng đã nhận được xếp hạng cao nhất cho mẫu sedan EQE và các tính năng hỗ trợ người lái của dòng xe này đã nhận được điểm cao nhất cho đến nay từ Euro NCAP.

Alexander Klose, một nhà phân tích dữ liệu thị trường về sản xuất ô tô, cho hay nhà sản xuất EV Trung Quốc Aiways hiện đang rất nỗ lực và đầu tư  vào các tính năng an toàn bổ sung để chiếc crossover điện U6 của mình vượt qua các bước đánh giá của Euro NCAP nhằm chinh phục các đội xe châu Âu và các công ty cho thuê tại đây khi Hãng lên kế hoạch sẽ tung sản phẩm ra thị trường vào năm sau.

Alexander Klose nhấn mạnh: “Sẽ có nhu cầu tự nhiên tương đối lớn đối với những phương tiện như của chúng tôi khi chúng được trang bị đầy đủ và có giá rất cạnh tranh”, đồng thời cho biết thêm rằng Aiways hy vọng sẽ bán được 30.000 xe điện ở châu Âu vào năm 2023, tăng từ khoảng 5.000 chiếc trong năm nay.

Công ty tư vấn ô tô Pháp Inovev cho biết khoảng 155.000 ô tô do Trung Quốc sản xuất đã được bán ở châu Âu trong 9 tháng đầu năm 2022, chiếm 1,4% thị phần. Các công ty Trung Quốc đang trên đà đạt doanh số 150.000 xe trong năm nay, gần gấp đôi so với con số 80.000 xe bán ra vào năm 2021.

theo Inovev, gần một nửa số ô tô Trung Quốc bán ra là xe điện, giúp họ chiếm 5,8% thị phần xe chạy hoàn toàn bằng điện của châu Âu.


Phó chủ tịch Inovev - Jamel Taganza cho biết tất cả ô tô Trung Quốc bán ở châu Âu sẽ là xe điện trong vòng vài năm tới, với nhiều mẫu xe giá rẻ hơn đang được triển khai.

Inovev ước tính đến năm 2030, xe điện sẽ chiếm 40% doanh số bán ô tô mới châu Âu và các thương hiệu Trung Quốc có thể sẽ chiếm từ 12,5% đến 20% trong số đó với mức sản lượng từ 725.000 đến 1,16 triệu xe.

“Đây là một dự báo thận trọng,” Taganza nói. Nhưng nó có thể tăng nhanh hơn, đặc biệt là nếu các nhà sản xuất ô tô châu Âu không đáp ứng được các nhu cầu giá cả tương ứng với những tiêu chuẩn an toàn chất lượng”.

Để đạt được xếp hạng năm sao là rất tốn kém đối với các nhà sản xuất ô tô vì điều đó có nghĩa là đầu tư vào các tính năng an toàn bổ sung từ túi khí cho đến hệ thống tránh va chạm, hỗ trợ và giám sát người lái.

Avery của Thatcham cho biết các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đã tích cực tham gia với Euro NCAP và rất quyết liệt thực hiện các khoản đầu tư cần thiết để đạt được mức xếp hạng hàng đầu.

Hãy quên đi suy nghĩ rằng các sản phẩm Trung Quốc là giá rẻ và chất lượng thấp hay kém an toàn” Avery nhấn mạnh: “Chất lượng sản phẩm của các nhà sản xuất đến từ Trung Quốc giờ đây đã cải tiến và tốt hơn rất nhiều đối thủ khác”.

Giám đốc điều hành của BYD Châu Âu - Michael Shu, cho biết BYD sẽ tung ra 3 mẫu xe tại một số thị trường châu Âu và sẽ bổ sung thêm nhiều mẫu xe vào thị trường vào năm tới, tất cả đều phải có xếp hạng an toàn hàng đầu, ông nói: Chúng tôi nghĩ rằng đánh giá năm sao nên là một yêu cầu rất cơ bản”.

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang tận dụng lợi thế của mình ra sao?

ORA Funky Cat của Great Wall Motor (GWM) sẽ ra mắt tại Anh, Đức, Ireland và Thụy Điển vào cuối năm nay.

Bắt đầu từ khoảng 32.000 bảng Anh (36.330 đô la) ở Anh, hoặc rẻ hơn khoảng 5.000 bảng so với ID.3 của VW, các tính năng của Funky Cat bao gồm nhận dạng khuôn mặt để lưu trữ các tùy chọn chỗ ngồi, hệ thống hỗ trợ người lái, camera lùi và sạc điện thoại không dây.

Toby Marshall-Giám đốc tiếp thị và bán hàng tại Anh cho thương hiệu ORA của GWM, cho biết nếu một chiếc ô tô được sản xuất với đầy đủ tính năng, có xếp hạng an toàn cao và giá cả cạnh tranh, thì việc chiếc xe đó được sản xuất ở đâu không còn quan trọng nữa. Theo ông : Đó là những yếu tố quan trọng tác động mạnh mẽ đến quyết định của người mua xe hơi  Marshall nói, trong khi khoe Funky Cat tại văn phòng của mình ở Solihull ở vùng trung du nước Anh.

Bill Russo - người đứng đầu công ty tư vấn Automobility.,Ltd tại Thượng Hải, cho biết vấn đề đối với nhiều nhà sản xuất ô tô quốc tế chính là việc họ đã nhường lợi thế cho các đối thủ Trung Quốc khi bỏ qua xe điện giá rẻ.

Russo cho biết: Bây giờ, nơi duy nhất trên thế giới mà bạn có thể tìm thấy xe điện giá cả phải chăng là Trung Quốc. Và các nhà sản xuất ở đây đang tận dụng lợi thế đó”.

Theo Reuters