Ngày 7/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự khai mạc Hội nghị Đầu tư thường niên (AIM) lần thứ 14 tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
AIM là sự
kiện thường niên do Bộ Kinh tế UAE tổ chức từ năm 2011, dưới sự bảo trợ của Phó
Tổng thống kiêm Thủ tướng UAE. Hội nghị được kỳ vọng trở thành một sự kiện quan
trọng trong lĩnh vực đầu tư toàn cầu, đặc biệt trong việc chia sẻ đánh giá,
phân tích và định hình những xu hướng đầu tư toàn cầu trong tương lai.
Với chủ đề
"Định hướng tương lai đầu tư toàn cầu: Làn sóng mới trong bối cảnh đầu tư
toàn cầu hóa - Hướng tới một cấu trúc cân bằng hơn", AIM 2025 tập trung
vào những tác động, chuyển đổi của thương mại, sản xuất toàn cầu và kinh tế số
đối với các chiến lược đầu tư và tận dụng tiến bộ của khoa học công nghệ.
Gồm hơn
400 phiên thảo luận và 1.200 bài tham luận, Hội nghị AIM 2025 quy tụ khoảng
15.000 đại biểu tham dự đến từ hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế. Trong đó có
các nguyên thủ và lãnh đạo Chính phủ, các tổ chức quốc tế, các học giả và nhà
hoạch định chính sách và hơn 10.000 đại diện khối doanh nghiệp.
Trong buổi
chiều 7/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đã có bài phát biểu quan trọng
tại Phiên thảo luận chuyên đề về thu hút đầu tư nước ngoài.
Yêu cầu
phát triển nhanh, bền vững, với tốc độ cao hơn
Phó Thủ tướng
khẳng định AIM 2025 là cơ hội quý báu để các quốc gia, các chuyên gia quốc tế
và cộng đồng doanh nghiệp cùng trao đổi, hợp tác và kiến tạo phát triển trong bối
cảnh mới.
Nhận định tình hình khu vực và thế giới đang tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, Phó Thủ tướng cho rằng cạnh tranh chiến lược, rủi ro lạm phát và bất ổn tài chính tiềm ẩn đang tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế. Đặc biệt, chiến tranh thương mại đang leo thang và sẽ dần thiết lập lại trật tự của nền kinh tế toàn cầu.
"Tuy
đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, đây cũng là cơ hội để các quốc gia hợp
tác chặt chẽ hơn, hướng tới một thế giới phát triển bao trùm và bền vững", Phó Thủ tướng nêu quan điểm và khẳng định
các xu hướng mới về kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tuần hoàn, kinh tế tri thức...
đang mở ra các trục phát triển mới – nơi các quốc gia năng động, cải cách mạnh
mẽ và tích cực hội nhập sẽ đóng vai trò trung tâm.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tiếp bà Nan Li Collins, Giám đốc Ban Đầu
tư và doanh nghiệp, UNCTAD và Tiến sĩ Samir Hamrouni, Giám đốc điều hành Tổ chức
WFZO
Sau gần 40
năm đổi mới, từ một nước có nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành
một điểm sáng tăng trưởng với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Kinh tế vĩ mô luôn
được duy trì ổn định; chất lượng và tốc độ tăng trưởng ngày càng cao; đời sống
vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện.
Đến nay,
Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN. Đồng thời, đã được nhiều tổ
chức uy tín quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thành công trong thu
hút FDI.
Bên cạnh
nhiều thành tựu nhất định, Việt Nam vẫn là nước đang phát triển với nền kinh tế
đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn nhưng có độ mở rất lớn
nên dễ bị tác động trước các biến động của tình hình thế giới.
Theo Phó
Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, trong giai đoạn mới, yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam
là phải phát triển "nhanh hơn, bền vững hơn, với tốc độ cao hơn nữa".
Theo đó,
Việt Nam đã đặt ra "2 mục tiêu 100 năm", đó là: Đến năm 2030, trở
thành nước đang phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình
cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao; qua đó, đưa đất nước
bước nào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, giàu mạnh và thịnh vượng của dân tộc.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Phiên thảo luận chuyên đề về
thu hút đầu tư nước ngoài
Tập trung
tháo gỡ các "điểm nghẽn", làm mới các động lực tăng trưởng
Để đạt được
các mục tiêu nêu trên, Việt Nam đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm:
Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; phát huy tính tự chủ, tự lực, tự cường của nền
kinh tế gắn với hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; đẩy mạnh
thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng
cao; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng
lực cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế.
Đặc biệt, Việt Nam đang tập trung "tháo gỡ các điểm nghẽn", làm mới các động lực tăng trưởng và khơi thông nguồn lực để phấn đấu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tiếp theo.
Về hợp tác
đầu tư nước ngoài, Việt Nam định hướng thu hút FDI có chọn lọc, tập trung vào
các lĩnh vực: Phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược, khoa học công nghệ, chuyển đổi
số, đổi mới sáng tạo, công nghệ sinh học, vật liệu mới, chip bán dẫn, AI, năng
lượng tái tạo, năng lượng mới (như hydrogen...), logistics, tài chính xanh...
Đáng chú
ý, ngay trong năm 2025, Việt Nam phấn đấu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ
tục hành chính.
"Để
thực hiện các mục tiêu đề ra, vai trò của các đối tác quốc tế là rất quan trọng,
trong đó có UAE", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng và đoàn công tác thăm gian hàng triển lãm
của Vinfast trong khuôn khổ Hội nghị AIM 2025
Sau 30 năm
vun đắp và phát triển, quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – UAE đang bước vào
giai đoạn hợp tác mới, sâu sắc và thực chất hơn bao giờ hết. UAE hiện là đối
tác đầu tư quan trọng, là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất lớn
nhất của Việt Nam tại Trung Đông; đồng thời là cửa ngõ kết nối Việt Nam với thế
giới Arab và châu Phi.
Việt Nam
đánh giá cao vai trò và vị thế ngày càng gia tăng của UAE trong khu vực và trên
toàn cầu – một trung tâm tài chính, logistics và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu
vực và thế giới. Đặc biệt, việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện
(CEPA) là kết quả đột phá, tạo đà quan trọng cho đẩy mạnh trao đổi thương mại
giữa hai nước trong thời gian tới.
3 nội dung
trọng tâm thúc đẩy hợp tác trong giai đoạn mới
Cũng tại Hội
nghị, Phó Thủ tướng mong muốn lãnh đạo Chính phủ các nước, các chuyên gia, nhà
đầu tư sẽ cùng nhau trao đổi để tìm ra những giải pháp thúc đẩy hợp tác trong
giai đoạn mới, tập trung một số nội dung trọng tâm.
Thứ nhất,
đánh giá bối cảnh, dự báo các xu hướng toàn cầu, từ đó nhận diện rõ những cơ hội
mới cũng như những thách thức cần giải quyết.
Thứ hai,
nhận định về vai trò và cơ hội của hoạt động đầu tư nước ngoài trong thúc đẩy gắn
kết giữa các nền kinh tế, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Thứ ba, nhận
diện các xu hướng công nghệ mới và tác động đến hoạt động đầu tư nước ngoài, đặc
biệt là sự phát triển mạnh mẽ của AI, công nghệ chuỗi khối (blockhain),
Internet vạn vật (IoT), và công nghệ 5G...
Về phía Việt
Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng khẳng định Chính phủ luôn cam kết tạo điều
kiện thuận lợi và đồng hành cùng các đối tác quốc tế, các doanh nghiệp, nhà đầu
tư trong và ngoài nước thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư kinh doanh hiệu quả
và bền vững.
"Hội
nghị AIM sẽ tiếp tục là một diễn đàn quan trọng để chúng ta cùng thảo luận về
những chính sách, hướng đi sáng tạo trong giai đoạn mới, mang lại lợi ích thiết
thực vì sự thịnh vượng chung của cả khu vực và thế giới", Phó Thủ tướng
tin tưởng.
T/h Theo Thu Sa - BCP