Thái Lan chi 4,3 tỷ USD kích thích kinh tế,
mỗi người nhận 10.000 baht
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 25/9, Chính phủ
Thái lan đã khởi động giai đoạn đầu tiên của chương trình kích thích kinh tế trị
giá 145 tỷ baht (4,3 tỷ USD), với mục tiêu hỗ trợ 10.000 baht (300 USD)/người
cho khoảng 45 triệu công dân Thái Lan.
Giai đoạn đầu của chương trình, bắt đầu từ 25/9 và dự
kiến hoàn thành vào cuối tháng Chín, sẽ phân phối 10.000 baht tiền mặt/người
cho 14,5 triệu người có thẻ phúc lợi và người khuyết tật.
Các ngân hàng tại Thái Lan tham gia chương trình đã bắt
đầu chuyển tiền cho người dân từ sáng sớm ngày 25/9. Ví dụ, Ngân hàng Kasikorn
được cho là bắt đầu chuyển tiền lúc 1h12 sáng và Ngân hàng Tiết kiệm Chính phủ
vào lúc 1h50.
Phát biểu trong buổi lễ khởi động chương trình được tổ
chức tại Tòa nhà Chính phủ vào sáng 25/9, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn
Shinawatra nhấn mạnh: "Tiền mặt sẽ được chuyển tới người dân Thái Lan và tạo
ra cơn lốc chi tiêu".
Bà Paetongtarn cũng cam kết sẽ sớm triển khai giai đoạn
thứ hai và thứ ba của chương trình, đồng thời lưu ý thêm rằng Chính phủ sẽ tiếp
tục Chương trình “Ví điện tử” và chuyển 10.000 baht cho người nhận trong các
giai đoạn sau thông qua hệ thống ví điện tử.
Ban đầu, chính phủ do đảng Vì nước Thái (Pheu Thai)
lãnh đạo có kế hoạch chuyển 10.000 baht/người cho khoảng 50 triệu công dân Thái
Lan thông qua hệ thống ví điện tử, nhưng sau đó đã thu hẹp quy mô xuống còn 45
triệu người và chuyển sang phát tiền mặt cho các nhóm đối tượng yếu thế trong
giai đoạn đầu tiên.
Chính phủ Thái Lan quyết định chuyển số tiền 145,55 tỷ
baht cho 14,55 triệu người thuộc diện hộ nghèo hoặc người có thẻ phúc lợi xã hội
và người khuyết tật từ ngày 25-30/9, vì khoản phân bổ tiền đầu tiên đến từ ngân
sách tài khóa 2024, sẽ kết thúc vào ngày 30/9 tới.
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra khởi
động chương trình phát tiền mặt 10.000 baht cho người dân ngày 25/9
Vào ngày đầu tiên triển khai chương trình, số tiền
10.000 baht đã được chuyển vào tài khoản ngân hàng của những người có thẻ phúc
lợi xã hội có số thẻ căn cước kết thúc bằng số 0 và 2,1 triệu người khuyết tật
đã đăng ký.
Bà Paetongtarn nhấn mạnh những người khuyết tật và có
thẻ phúc lợi nhà nước là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng
hoảng kinh tế đã diễn ra tại Thái Lan trong những năm gần đây, vốn đang trở nên
trầm trọng hơn do thiên tai.
Thủ tướng Thái Lan cho hay khoản tiền 10.000 baht sẽ
mang lại cơ hội kinh tế cho những người nhận, đồng thời lưu ý thêm rằng nếu một
gia đình có nhiều hơn một người nhận, họ có thể gom tiền lại với nhau để khởi
nghiệp kinh doanh nhỏ.
Trung Quốc sắp phát tiền cho người dân trước kỳ nghỉ lễ
quốc khánh
Tương tự Thái Lan, Chính phủ Trung Quốc sẽ phát
trợ cấp một lần cho nhóm người yếu thế trước kỳ nghỉ Quốc khánh
nước này vào tuần tới.
Cụ thể, Ngày 25/9, Trung Quốc cho biết chương trình
phát tiền trợ cấp cho người nghèo, trẻ mồ côi, người có hoàn cảnh khó khăn thể
hiện sự quan tâm của giới chức nước này với những người yếu thế. Giá trị khoản
trợ cấp này không được tiết lộ. Tuy nhiên, tiền sẽ được phát trước ngày 1/10 -
thời điểm Trung Quốc bắt đầu kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài một tuần.
Bắc Kinh yêu cầu các cơ quan phụ trách tài chính và xã
hội ưu tiên thực hiện sáng kiến này, đảm bảo thực hiện trợ cấp đúng hạn.
Giới chức Trung Quốc cũng công bố hàng loạt hướng dẫn
để thúc đẩy thị trường lao động chất lượng cao, cam kết ưu tiên tạo việc làm,
tăng lương để giảm tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người trẻ. Tính đến cuối tháng
8, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 16-24 tại quốc gia này là 18,8%.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đưa ra các chính
sách kích thích mạnh tay để hỗ trợ tăng trưởng. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc
(PBOC) giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) cho các ngân hàng thêm 50 điểm cơ bản
(0,5%). Cơ quan này sau đó hạ lãi suất áp dụng trong công cụ cho vay trung hạn
(MLF) từ 2,3% xuống 2%. Lãi suất với các khoản cho vay mua nhà cũng hạ bình
quân 0,5%. Việc này sẽ xoa dịu gánh nặng cho các hộ gia đình. Một số loại lãi
suất tiết kiệm và cho vay khác dự kiến được điều chỉnh thời gian tới.
Quý II, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng,
do khủng hoảng bất động sản kéo dài và người tiêu dùng lo ngại về việc làm. Các
số liệu kinh tế tháng 8 đều không đạt dự báo, khiến giới chức bị thúc giục tung
thêm chính sách kích thích.
Năm nay, Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế
quanh 5%. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng thương mại, như Goldman Sachs, Nomura, UBS
và Bank of America gần đây hạ dự báo GDP của nước này xuống 4,6-4,8%.
T/h