Đây là một
phần trong gói hỗ trợ trị giá 1,3 tỉ đô la Singapore nhằm giúp các công ty quản
lý chi phí kinh doanh ngày càng tăng. Trong khi đó, các hộ gia đình và người
dân sẽ được hỗ trợ phiếu mua hàng và tiền mặt để chống chọi chi phí sinh hoạt
gia tăng.
Tiếp sức
doanh nghiệp và người dân chống “bão” giá
Phát biểu
trước quốc hội hôm 16-2, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore
Lawrence Wong cho biết, gói hỗ trợ doanh nghiệp (ESP) trị giá 1,3 tỉ đô la
Singapore trong dự thảo ngân sách 2024 sẽ giúp các doanh nghiệp gặp khó khăn
trong việc trả lương cao hơn cho nhân viên cũng như các hóa đơn tiền thuê nhà,
điện nước đang tăng đáng kể.
Ông lưu ý,
các biện pháp hỗ trợ này sẽ tập trung vào các công ty đang nỗ lực tái cơ cấu và
chuyển đổi trong khi giải quyết chi phí tăng cao.
ESP sẽ có
ba thành phần gồm hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp 50% nhưng giới hạn ở mức
40.000 đô la Singapore trong năm 2024, chương trình tài trợ doanh nghiệp (EFS)
và tín dụng doanh nghiệp SkillsFuture (SFEC).
Tuy nhiên,
vì không phải công ty nào cũng kiếm được lợi nhuận hàng năm và trả thuế, nên một
số công ty có nguy cơ bị loại khỏi chương trình hoàn thuế. Do đó, chính phủ
Singapore quyết định hỗ trợ tối thiểu 2.000 đô la Singapore tiền mặt cho các
công ty sử dụng ít nhất một nhân viên trong nước ở năm 2023.
Các công
ty đối mặt với chi phí vay vốn cao có thể tiếp cận EFS để được vay vốn lưu động
tối đa lên 500.000 đô la Singapore. Ngoài ra, chương trình cho vay thương mại tối
đa trị giá 10 triệu đô la Singaopre của EFS sẽ được gia hạn thêm một năm cho đến
ngày 31-3-2025.
Thành phần
thứ ba của gói hỗ trợ doanh nghiệp là chương trình tín dụng SFEC được gia hạn đến
ngày 30-6-2025. SFEC giúp các doanh nghiệp tăng năng suất và chuyển đổi lực lượng
lao động bằng cách đào tạo lại và nâng cao kỹ năng công việc. Chương trình cung
cấp cho doanh nghiệp khoản tín dụng 10.000 đô la Singapore một lần để trang trải
tới 90% chi phí của các khóa đào tạo kỹ năng cho nhân viên.
“Với việc
gia hạn SFEC, người sử dụng lao động sẽ có thêm một năm để yêu cầu bất kỳ khoản
tín dụng nào chưa sử dụng”, Phó Thủ tướng Lawrence Wong nói.
Tuy nhiên,
ông nhấn mạnh, về lâu dài cách tốt nhất để đối phó với lạm phát là đảm bảo rằng
các công ty và người lao động hoạt động hiệu quả hơn và thu nhập thực tế tiếp tục
tăng bền vững.
Chi phí
kinh doanh tăng vọt lên mức chưa cao nhất trong hơn một thập niên sau khi lạm
phát ở Singapore tăng mạnh vào năm 2022. Đến nay, lạm phát đã dịu lại nhưng giá
các nguyên liệu thô và đầu vào khác vẫn ở mức cao.
Bên cạnh
đó, dự thảo ngân sách 2024 của Singapore cũng cung cấp sự hỗ trợ tài chính cho
các cá nhân và hộ gia đình để chống chọi chi phí sinh hoạt đang gia tăng. Theo
đó, mỗi hộ gia đình sẽ nhận được phiếu mua sắm trị giá 600 đô la Singapore (445
đô la Mỹ).
Phó Thủ tướng
Lawrence Wong cho biết thêm, chính phủ sẽ cung cấp một khoản thanh toán chi phí
sinh hoạt đặc biệt lên tới 400 đô la Singapore (297 đô la Mỹ) cho những công
dân đủ điều kiện để bù đắp lạm phát. Cụ thể, người Singapore trưởng thành không
sở hữu nhiều hơn một bất động sản và có thu nhập không vượt quá 100.000 đô la
Singapore/năm sẽ nhận được 200-400 đô la Singapore.
Ông cũng
tuyên bố Singapore sẽ đưa ra chương trình hỗ trợ tài chính tạm thời vào cuối
năm nay cho những người lao động bị sa thải. Điều này đánh dấu một sự thay đổi
lớn đối với Singapore, nước hiện không có chương trình trợ cấp thất nghiệp.
Lập quỹ đầu
tư năng lượng sạch
Phó Thủ tướng
Lawrence Wong thông báo, Singapore sẽ thành lập Quỹ Năng lượng tương lai trị
giá 5 tỉ đô la Singapore (3,7 tỉ đô la Mỹ) để đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ
tầng năng lượng sạch nhằm hướng tới mục tiêu không phát thải ròng (Net-Zero)
vào năm 2050. Ông nhấn mạnh, quỹ mới sẽ giúp Singapore có vị thế tốt hơn để
nhanh chóng phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng và tăng cường an ninh về năng
lượng sạch.
Do diện
tích đất đai hạn chế, Singapore bị cản trở khi chuyển đổi sang các nguồn năng
lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió. Hiện tại, khoảng 95% điện năng của
thành phố này đến từ khí đốt tự nhiên. Với ngành điện chiếm 40% tổng lượng khí
thả nhà kính, chính phủ Singapore có kế hoạch nhập khẩu điện có hàm lượng
carbon thấp từ các nước láng giềng. Điều này sẽ đòi hỏi đảo quốc này sẽ phải đầu
tư vào cáp ngầm và cơ sở hạ tầng lưới điện.
Singapore
cũng đang xem xét việc sản xuất, lưu trữ và phân phối nhiên liệu hydro. Hydro,
không thải ra carbon khi đốt cháy, có thể được coi là nhiên liệu có hàm lượng
carbon thấp nếu được sản xuất bằng điện sạch, chẳng hạn như năng lượng mặt trời.
Hydro carbon thấp có thể cung cấp tới một nửa nhu cầu năng lượng của Singapore
vào năm 2050 và đóng vai trò quan trọng trong việc giúp ngành năng lượng đạt mức
mục tiêu Net-Zero.
“Quy mô của
quá trình chuyển đổi này là rất lớn và chúng ta sẽ cần phải hoàn thành trong
khoảng hai thập niên tới”, Phó Thủ tướng Lawrence Wong nói trước quốc hội
Singapore.
Theo SGT