Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021-2025, mới đây được chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong ký phê duyệt, tỉnh này dự kiến dùng 37.468 tỷ đồng để phát triển nhà ở trong 5 năm. Cơ cấu vốn nhà ở thương mại khoảng 9.200 tỷ đồng; nhà ở xã hội khoảng 4.493 tỷ đồng; nhà ở tái định cư khoảng 2.327 tỷ đồng.

Theo đó, trong năm 2022, Bình Thuận sẽ dùng 7417,25 tỷ đồng để xây dựng 11.810 căn nhà, bao gồm 1626,10 tỷ đồng xây 1.414 căn nhà ở thương mại. Còn nhà ở xã hội sẽ được bố trí 992,57 tỷ đồng vốn xây 2.075 căn. Xây 376 căn nhà ở tái định cư với 316,86 tỷ đồng. Còn lại là nhà dân tự xây dựng

Theo tính toán từ chính quyền địa phương, Bình Thuận cần xây hơn 1,2 triệu m2 sàn để đáp ứng chỉ tiêu có hơn 30,1 triệu m2 sàn nhà ở, diện tích bình quân 24m2 sàn/ người trong năm nay, diện tích tối thiểu là 8,8 m2 sàn/người.

Với nhu cầu nhà ở như vậy, chính quyền địa phương dự kiến bố trí 208,50 ha đất để phát triển kế hoạch. Trong đó, đất ở phát triển nhà ở dân tự xây dựng là 158,93 ha; đất ở phát triển nhà ở tái định cư là 11,23 ha; đất ở phát triển nhà ở xã hội: 18,25 ha; còn 20,09 ha là đất ở phát triển nhà ở thương mại.

Căn cứ tình hình thực tế, đến năm 2025, tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu diện tích nhà ở tối thiểu lên 10 m2 sàn/người; diện tích nhà ở bình quân đạt 27 m2 sàn/người; tổng diện tích sàn nhà ở là khoảng 34.566.560 m2.

Như vậy, địa phương này cần xây dựng thêm hơn 6,6 triệu m2 sàn từ đây cho đến 2025. Trong đó, diện tích sàn nhà ở đầu tư xây dựng cho loại hình như sau: nhà ở thương mại 800.000 m2 sàn; nhà ở tái định cư 495.000 m2 sàn; nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức 5.000 m2 sàn; nhà ở xã hội 595.000 m2 sàn; nhà ở dân tự xây 4.767.792 m2 sàn.

Chính quyền địa phương cũng tính toán, ngân sách nhà nước dành cho kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 5 năm sẽ khoảng 1.370 tỷ đồng. Số tiền còn lại, tỉnh sẽ huy động từ  nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng…; nhà ở riêng lẻ tự xây của các hộ gia đình bằng nguồn vốn của các hộ gia đình; vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng ưu đãi, Ngân hàng chính sách xã hội…

Theo tìm hiểu, thời gian qua, Bình Thuận nổi lên như điểm đến thu hút các nhà đầu tư bất động sản. Địa phương có 192 km đường bờ biển (dài thứ 5 cả nước) cho thấy sức hấp dẫn của thị trường bất động sản thương mại, du lịch và nghỉ dưỡng. Hàng loạt ông lớn như Novaworld, Hưng Vượng Devloper, Danh Khôi… đổ về khiến thị trường thêm phần sôi động.

Không những vậy, chính quyền địa phương cũng mong muốn, phát triển mạnh nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư nhằm đảm bảo chỗ ở ổn định cho công nhân và phát triển nhà ở công nhân gắn liền với trách nhiệm của người sử dụng lao động, Ban quản lý khu công nghiệp, chính quyền địa phương và các tổ chức công đoàn; theo phương thức phù hợp với yêu cầu của hoạt động sản xuất, quy định nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp. Từ đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào địa phương.

Số liệu từ Cục thống kê tỉnh Bình Thuận cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 02 dự án được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 6,4 tỷ đồng, diện tích 7,8 ha. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2022 có 12 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với diện tích 96,5 ha và nguồn vốn 549,4 tỷ đồng. Lũy kế từ trước đến nay có 1.603 dự án được cấp phép đầu tư, với tổng diện tích đất 50.066 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 331.843 tỷ đồng.

NDT