1. Tính đến đầu giờ sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 86,92 USD/thùng - tăng 1,22%, trong khi giá dầu Brent dừng lại ở mức 93,78 USD/thùng - tăng 0,69%.

Trong phiên giao dịch trước đó, giá dầu có thời điểm giảm gần 3 USD/thùng khi các ca mắc Covid-19 gia tăng ở Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về mức tiêu thụ nhiên liệu thấp hơn từ nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.

2. Viện Dầu mỏ Mỹ (API) đã báo cáo mức dự trữ giảm sâu trong tuần này, đối với dầu thô là 5,835 triệu thùng - nhiều hơn mức giảm của tuần trước. Theo dữ liệu của API, dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng khoảng 25 triệu thùng trong năm nay, nhưng Dự trữ dầu mỏ Chiến lược (SPR) đã giảm hơn 8 lần so với con số đó, ở mức 201 triệu thùng.

Bộ Năng lượng Mỹ đã giải phóng 4,1 triệu thùng từ Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược trong tuần kết thúc vào ngày 11/11, khiến SPR còn 392,1 triệu thùng.

3. Tại Hội nghị thượng đỉnh COP27, các đại biểu Trung Quốc nói rằng nước này đang bổ sung thêm các nhà máy điện than để giải quyết các mối lo ngại về an ninh năng lượng, nhưng điều này không có nghĩa là Trung Quốc đang quay lưng lại với các mục tiêu hạn chế phát thải.

Trung Quốc có thể bổ sung thêm các nhà máy điện than mới để ngăn tình trạng hoạt động kém lặp lại trong những năm gần đây gây ra tình trạng thiếu điện ở quốc gia châu Á này.

4. Theo General Electric, Đức đang chậm trễ trong kế hoạch mở rộng công suất turbine khí lên 30 GW vào năm 2030 - mức cần thiết để ổn định mạng lưới phân phối điện của nước này.

Chỉ 4 GW công suất turbine đang trong giai đoạn lập kế hoạch. Nhưng các khung thời gian cần thiết để đi từ giai đoạn lập kế hoạch đến giai đoạn hoàn thành là 5 năm, theo một báo cáo từ Frontier Economics, có nghĩa là Đức đang chậm trễ trong kế hoạch của mình.

5. Trong báo cáo hàng tháng được công bố ngày 15/11, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng giá dầu diesel cao liên tục thúc đẩy lạm phát cũng như các nền kinh tế chậm lại dự kiến ​​sẽ dẫn đến nhu cầu dầu diesel toàn cầu giảm nhẹ vào năm 2023.

Hiện tại, thị trường dầu diesel đã "đặc biệt chặt chẽ" và sẽ còn thắt chặt hơn nữa khi lệnh cấm vận của EU đối với việc nhập khẩu các sản phẩm của Nga bằng đường biển có hiệu lực vào đầu năm 2023.

Theo PT