“Báo cáo nghiên cứu về ngành công nghiệp ô tô ở Đông Nam Á thập kỷ 2022-2031” của Research And Markets, hãng phân tích dữ liệu kinh tế có trụ sở ở Dublin (Ireland) công bố cuối năm 2022 cho hay, Đông Nam Á đang chuyển mình để trở thành công xưởng ô tô Châu Á trong thập kỷ này.

 

Dây chuyền thứ  hai, nơi chuyên lắp ráp xe SUV nhãn hiệu Haval của Tập đoàn ô tô Trường Thành Trung Quốc khai trương năm 2021 ở Thái Lan

Theo phân tích, ngành công nghiệp ô tô Đông Nam Á sẽ phát triển vượt bậc trong giai đoạn 2022-2031, dựa trên các lập luận sau:

Một mặt, chi phí lao động rẻ ở các nước Đông Nam Á (so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô và linh kiện toàn cầu chuyển năng lực sản xuất sang các khu vực này.

Mặt khác, quy mô thị trường ô tô ASEAN đang tăng lên nhanh chóng với tổng dung lượng khoảng 3,1 triệu xe tiêu thụ nội khối mỗi năm, xuất khẩu 1,5 triệu xe mỗi năm.

Thêm nữa, các nước ASEAN cũng cạnh tranh với nhau trong việc thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu nội khối, do quy chế ATIGA cho phép miễn thuế với xe có tỷ lệ nội địa hóa trên 40%.

Các hãng xe hàng đầu thế giới về sản lượng như Toyota, Honda, Hyundai, Mercedes, BMW, Ford hoặc nhóm thương hiệu sản xuất ít hơn, như Audi, Volvo, Mazda, Mitsubishi, Nissan, Kia, Suzuki, Subaru… đều có nhà máy hiện hữu ở Đông Nam Á.

Các hãng xe lớn của Trung Quốc, như GWM (Trường Thành), BYD, Chery cũng đã và đang dịch chuyển một phần cơ sở sản xuất từ đại lục sang các nước Đông Nam Á, với điểm đến được chọn là Thái Lan, Việt Nam, Malaysia…

Hiện Tập đoàn ô tô Trường Thành (Great Wall Motor) của Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất vào nền công nghiệp ô tô Đông Nam Á trong 2 năm qua, với tổng giá trị đầu tư lên đến 2,7 tỷ USD vào 2 nhà máy lắp ráp ở Thái Lan.

Các nhà sản xuất xe điện lớn nhất như Tesla, BYD đều có kế hoạch xây dựng các siêu nhà máy lắp ráp ô tô (giga factory) tại Đông Nam Á, điểm đến được chọn là Indonesia do nước này có trữ lượng ni-ken (vật liệu làm pin) lớn nhất thế giới.

Theo các chuyên gia của Research And Markets, một yếu tố không thể không nhắc đến, là tiêu chuẩn lao động và đánh giá an toàn xe hơi của Đông Nam Á (ASEAN-NCAP) dường như “nhẹ nhàng” hơn tiêu chuẩn cùng loại ở EU và Mỹ, giúp các nhà xuất giảm bớt chi phí tuân thủ.

“Các quốc gia ASEAN đang ngày càng cạnh tranh với nhau để thiết lập các ưu đãi đầu tư và thuế cho ngành công nghiệp ô tô ở quốc gia của họ - điều này có thể sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn vào thị trường ASEAN”, trích Báo cáo nghiên cứu về ngành công nghiệp ô tô ở Đông Nam Á thập kỷ 2022 - 2031.

Theo BGT