Chính phủ tổ chức hội nghị với tất cả các địa phương để rà soát và thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đảm bảo đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025, tạo tiền đề cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới.
Phát biểu
tại hội nghị, Thủ tướng nêu rõ 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian
tới. Trước hết là tiếp tục thực hiện quyết liệt, bài bản, đồng bộ, vận dụng
sáng tạo, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc
hội, Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng, thủ trưởng các
Bộ, cơ quan, bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố vào cuộc sát sao, xây dựng
kế hoạch triển khai, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho cấp dưới để thực hiện.
Tập trung đẩy mạnh thực hiện mục tiêu tăng năng suất tổng hợp, năng suất lao động.
Thứ hai,
tiếp tục hoàn thiện thể chế là “đột phá của đột phá” và nâng cao hiệu quả công
tác tổ chức thi hành pháp luật; bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu
quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số.
Bộ trưởng,
trưởng ngành trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế trong
lĩnh vực quản lý; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đề cao phương pháp quản lý
theo kết quả, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Xây dựng thể chế
thông thoáng, giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với
phân bổ nguồn lực và kiển tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Thực hiện thí điểm
các cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, tạo đột phá phát huy tiềm năng, thế mạnh
của từng vùng, từng địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương
thực hiện kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về
tăng trưởng kinh tế
Thứ ba, tiếp
tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng
truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Đẩy mạnh đầu tư công, lấy
đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Trong đó, tổng số vốn đầu tư công năm 2025 là
826.000 tỷ đồng, đã phân bổ 741.100 tỷ đồng, còn lại chưa phân bổ 84.800 tỷ đồng,
Thủ tướng yêu cầu dứt khoát phải phân bổ ngay trong quý I/2025, nếu chưa xong
thì kiên quyết thu hồi, điều chuyển cho nơi khác.
Tập trung
thực hiện, sớm hoàn thành các công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia. Phấn
đấu vượt mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển
vào cuối năm 2025. Cơ bản hoàn thành cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cảng
khu vực Lạch Huyện, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài; khởi
công xây dựng bến cảng Liên Chiểu… Khẩn trương khởi động các dự án lớn, trọng
điểm như điện hạt nhân, đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng… Tập
trung triển khai các dự án khai thác không gian phát triển mới (không gian ngầm,
không gian biển, không gian vũ trụ)...
Về tiêu
dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng; đẩy mạnh xúc
tiến, quảng bá du lịch, có chính sách visa phù hợp để thu hút khách du lịch,
thu hút các chuyên gia, người tài giỏi, tỷ phú thế giới vào Việt Nam. Thúc đẩy
thương mại hài hòa, bền vững với các đối tác lớn (Mỹ, Trung Quốc…); chủ động đa
dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; khai
thác hiệu quả 17 FTA đã ký kết; thúc đẩy đàm phán, ký kết FTA mở rộng thị trường
mới với các nước Trung Đông, Mỹ Latinh, châu Phi, thị trường Halal… hỗ trợ, xử
lý tốt các vấn đề tranh chấp thương mại, đầu tư; mở rộng thương mại điện tử
xuyên biên giới; thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ tài chính, ngân hàng, logistics…
Đồng thời,
thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, tập trung cơ cấu lại nền kinh tế
gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị
về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc
gia...
Xây dựng
cơ chế, chính sách khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm
(xây dựng tàu điện ngầm từ Cần Giờ về TPHCM và giữa sân bay Tân Sơn Nhất - sân
bay Long Thành). Khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích
cho những vấn đề mới, dự án công nghệ cao, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh,
kinh tế tuần hoàn... Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, dự án; sớm
khơi thông nguồn lực của các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc.
Thủ tướng
lưu ý, tăng trưởng kinh tế phải gắn với việc xử lý các vấn đề phát sinh cả
trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đặc biệt là già hóa dân số, cạn kiệt tài
nguyên, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, sự biến động khó lường và rủi
ro từ tình hình quốc tế, khu vực.
Thứ tư, giữ
vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền
kinh tế. Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp
thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng
tâm, trọng điểm; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu
tiên, động lực tăng trưởng. Phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, xử lý
nghiêm các ngân hàng không chấp hành sự quản lý, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước;
thiết lập gói tín dụng hỗ trợ người trẻ (dưới 35 tuổi) mua nhà; thúc đẩy mạnh
tín dụng nhà ở xã hội.
Bộ Tài
chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí. Bộ Kế
hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính triển khai kịp thời Nghị định 182 năm về thành lập,
quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư.
Các Bộ:
Tài nguyên và Môi trường, Tài chính tập trung tháo gỡ ngay các điểm nghẽn đối với
thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; sớm nâng hạng thị trường chứng
khoán trong năm 2025. Có cơ chế khai thác hiệu quả các dòng vốn đầu tư gián tiếp,
các quỹ đầu tư quốc tế; đặc biệt thúc đẩy hai trung tâm tài chính quốc tế và
khu vực tại TPHCM và Đà Nẵng.
Bộ Công
Thương bảo đảm đủ điện, xăng dầu trong mọi tình huống; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động
sản xuất kinh doanh và các dự án công nghiệp, thương mại lớn; sửa đổi và triển
khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII.
Thứ năm, đẩy
mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỉ lệ giải ngân năm 2025 đạt tối thiểu
95%. Phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của 7 tổ công tác của Thủ tướng Chính
phủ, 26 đoàn công tác của thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương và tổ
công tác đặc biệt của các địa phương để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó
khăn, vướng mắc.
Thứ sáu, bảo
đảm an sinh xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao đời sống nhân dân,
“không để ai bị bỏ lại phía sau”, triển khai tốt phong trào xóa nhà tạm, nhà dột
nát và chương trình xây dựng nhà ở xã hội.
Thứ bảy,
giữ gìn môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; tăng cường phòng, chống thiên tai, ứng
phó biến đổi khí hậu, nhất là ở cơ sở.
Thứ tám, củng
cố quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh hơn nữa công
tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tăng cường đối ngoại, hội nhập
quốc tế, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Thứ chín,
tăng cường công tác thông tin, truyền thông; chú trọng truyền thông chính sách,
thông tin chuyên đề, thông tin vĩ mô, đưa tin, nhân rộng những mô hình tốt,
cách làm hay, gương điển hình, tiên tiến, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, góp phần tạo
đồng thuận xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Thứ mười,
Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương về phong
trào thi đua tăng trưởng. Bí thư, chủ tịch địa phương phát huy hơn nữa tinh thần
đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng
doanh nghiệp trên địa bàn; tập trung chỉ đạo xây dựng, thực hiện nghiêm các
chương trình, kế hoạch hành động cụ thể triển khai các nghị quyết, kết luận của
Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ;
tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, khuyến khích sự sáng tạo, nêu cao tinh thần
tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại, chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc
đề xuất cấp có thẩm quyền những cơ chế, chính sách, giải pháp tạo đột phá phát
triển địa phương.