Sáng 3/4,
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và
Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
Theo
chương trình, phiên họp thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và
quý I/2024, tình hình giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc
gia; tình hình triển khai Nghị quyết 01 năm 2024 của Chính phủ, công tác chỉ đạo,
điều hành của Chính phủ trong tháng 3 và quý I/2024; báo cáo đánh giá bổ sung kết
quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; cùng một số nội dung
quan trọng khác.
Tổng hợp các báo cáo, ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, nhận định tình hình kinh tế-xã hội tháng 3/2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực; kết quả tháng 3 tốt hơn tháng 1 và tháng 2; tính chung quý I hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023. Quý I/2024 nhìn chung tốt hơn năm 2023, với "10 mặt được" nổi bật bao gồm:
Thứ nhất, tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66%, cao hơn cùng kỳ từ 2020 và cao hơn kịch
bản đề ra. Cả 3 khu vực đều phát triển tốt: Nông nghiệp tăng 2,98%, công nghiệp
và xây dựng tăng 6,28%, dịch vụ tăng 6,12%.
Cơ cấu
kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (nông nghiệp chỉ còn chiếm 11,77%, công
nghiệp và xây dựng chiếm 35,67%, dịch vụ chiếm 43,48%, thuế trừ trợ cấp sản phẩm
chiếm 9,02%).
Một số địa
phương có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ (Quảng
Ninh tăng 39,9%, Phú Thọ tăng 27,7%, Bắc Giang tăng 24%, Thanh Hoá tăng 18,6%,
Hà Nam tăng 17,9%, Ninh Thuận tăng 17,4%, Tây Ninh tăng 14,4%, Hải Dương tăng
12,8%).
Thứ hai, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát,
các cân đối lớn được bảo đảm (xuất đủ nhập-xuất siêu 8,08 tỷ USD; làm đủ ăn-xuất
khẩu trên 2 triệu tấn gạo, trị giá 1,37 tỷ USD; an ninh năng lượng, lương thực,
cung cầu lao động được bảo đảm).
Chỉ số giá
tiêu dùng tháng 3 giảm 0,23% so với tháng 2; bình quân quý I tăng 3,77% (cùng kỳ
năm 2023 là 4,18%; chỉ tiêu Quốc hội là khoảng 4-4,5%). Tỷ giá được điều hành
chủ động, linh hoạt; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm.
Thứ ba, xuất khẩu tiếp tục tăng cao, tiếp tục xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm
cán cân thanh toán. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 3 đạt 65 tỷ USD, tăng 35,6%
so với tháng trước và 12% so với cùng kỳ. Tính chung quý I đạt 178 tỷ USD, tăng
15,5%; trong đó xuất khẩu tăng 17% (khu vực trong nước tăng 26,2%, cao hơn khu
vực FDI tăng 13,9%), nhập khẩu tăng 13,9%, xuất siêu 8,08 tỷ USD.
Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp, phân loại các kiến nghị của
địa phương để các bộ, ngành, cơ quan giải quyết theo thẩm quyền
Thứ tư, các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hoá
và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 tăng 9,2% so với cùng kỳ; tính chung quý
I tăng 8,2%. Số lượt khách quốc tế tháng 3 đạt gần 1,6 triệu lượt, tăng 78,6%
so với cùng kỳ; tính chung quý I đạt trên 4,6 triệu lượt, tăng 72% (tăng 3,2%
so với cùng kỳ năm 2019 trước khi xảy ra dịch COVID-19).
Thứ năm, tình hình tài chính-ngân sách Nhà nước tiếp tục được cải thiện rõ nét.
Thu ngân sách Nhà nước quý I đạt 31,7% dự toán năm, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Nợ
công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách được kiểm soát
tốt, thấp hơn nhiều giới hạn quy định. Thị trường chứng khoán phục hồi tích cực,
chỉ số VNIndex tăng trên 13%, giá trị giao dịch tăng 28,2%, vốn hoá thị trường
12,2% so với cuối năm 2023.
Thứ sáu, đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy
tăng trưởng kinh tế. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I tăng 5,2% so với cùng kỳ
(quý I/2023 tăng 3,7%). Giải ngân vốn đầu tư công đạt 13,67% kế hoạch năm, cao
hơn cùng kỳ (10,35%), số tuyệt đối cao hơn 16.500 tỷ đồng. Thu hút FDI đạt 6,17
tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1%
(cao nhất trong 5 năm qua).
Thứ bảy, phát triển doanh nghiệp tiếp tục tăng với xu hướng tích cực. Tháng
3/2024 có 14.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 64,3% so với tháng 2;
tính chung quý I có 36.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 6,9% và
23.600 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 2,4% so với cùng kỳ.
Kết quả điều
tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo: Có 82% số
doanh nghiệp đánh giá dự kiến quý II ổn định và tốt hơn so với quý I/2024; đặc
biệt có 82,9% số doanh nghiệp đánh giá đơn hàng xuất khẩu quý II ổn định và
tăng hơn so với quý I/2024.
Thứ tám, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm;
đời sống nhân dân được cải thiện. Trong quý I có 93,6% số hộ gia đình đánh giá
có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ. Thu nhập bình quân của lao động quý
I/2024 đạt 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 7,8% so với cùng kỳ.
Theo báo
cáo từ các địa phương, tổng số tiền thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các đối
tượng bảo trợ xã hội là 8.100 tỷ đồng; hộ nghèo, hộ cận nghèo hơn 2.400 tỷ đồng;
người có công và thân nhân là 9.200 tỷ đồng; cấp phát hơn 27,1 triệu thẻ bảo hiểm
y tế miễn phí cho các đối tượng thụ hưởng. Hỗ trợ hơn 17.700 tấn gạo nhân dịp Tết,
giáp hạt. Các hoạt động văn hoá, lễ hội, thể thao được tổ chức rộng khắp, nhất
là dịp Tết Nguyên đán.
Thứ chín, cải cách hành chính được chú trọng, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ
tục hành chính; phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, không có vùng cấm,
không có ngoại lệ.
Thứ mười, chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, tổ chức thành công nhiều hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh; uy tín và vị thế đất nước tiếp tục được nâng lên.
Nhiều tổ
chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế
Việt Nam. ADB dự báo năm 2024 Việt Nam tăng trưởng 6%, Ngân hàng HSBC dự báo
tăng 6,3%, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng 6,7%, S&P dự báo tăng
6,8%...
Xếp hạng
môi trường kinh doanh năm 2023 tăng 12 bậc. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu
năm 2023 xếp hạng 46/132, tăng 2 bậc. Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng 8
bậc, từ vị trí 115 lên vị trí 107. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt
431 tỷ USD, xếp thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Chỉ số hạnh
phúc năm 2024 xếp thứ 54, tăng 11 bậc so với năm 2023…
Phát biểu
kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các đánh giá
tại phiên họp; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ để chắt lọc, tiếp
thu các ý kiến, hoàn thiện các báo cáo và dự thảo Nghị quyết phiên họp, sớm
trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Thủ tướng nêu rõ, mặc dù kết quả đạt được
là cơ bản, nhưng nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức.
Do đó cần triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp mà theo Thủ tướng nhấn
mạnh nhằm thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ
tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 6,5%, với tinh thần
"Năm quyết tâm", "Năm bảo đảm" và "Năm đẩy mạnh".
Cụ thể, Thủ
tướng yêu cầu nêu cao tinh thần "Năm quyết tâm" gồm:
(1) Quyết
tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức.
(2) Quyết
tâm thực hiện, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; không
được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với phương châm "thắng không kiêu, bại
không nản".
(3) Quyết
tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; đồng thời thúc đẩy phòng
chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.
(4) Quyết
tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, tăng cường phân
cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người
dân và doanh nghiệp.
(5) Quyết
tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phòng chống
thiên tai, dịch bênh, ứng phó biến đổi khí hậu.
Thủ tướng cũng yêu cầu cần quyết tâm hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 vào 30/6 và hai dự án cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo và Diễn Châu-Bãi Vọt vào 30/4 tới đây.
Thủ tướng
yêu cầu thực hiện tốt "Năm bảo đảm" gồm:
(1) Bảo đảm
thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo kết luận của
Trung ương, Bộ Chính trị, lãnh đạo chủ chốt, các nghị quyết của Quốc hội, Chính
phủ.
(2) Bảo đảm
ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, tạo
nền tảng và điều kiện thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững.
(3) Bảo đảm
phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch các loại thị trường, gồm thị trường
hàng hóa, dịch vụ; thị trường lao động; thị trường bất động sản, thị trường vốn
(ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu); thị trường khoa học công nghệ...; thúc đẩy
phát triển các loại thị trường mới như thị trường tín chỉ carbon, dữ liệu…
(4) Bảo đảm
đầy đủ điều kiện để triển khai chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024.
(5) Bảo đảm
ổn định chính trị, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân; bảo vệ vững chắc độc
lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.
Cụ thể hơn
về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm
soát lạm phát, Thủ tướng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt,
kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa
mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; bảo đảm cung ứng
đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế; giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm
an toàn hệ thống; tiếp tục có biện pháp mạnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay;
nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, năng lực, hiệu quả hoạt động, sự ổn định, an
toàn của hệ thống ngân hàng; giữ vững ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường
vàng, không để xảy ra những biến động bất lợi; thu hẹp chênh lệch giá vàng
trong nước – quốc tế; phấn đấu tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.
Cùng với
đó, phấn đấu quyết liệt tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước: Tập trung
triển khai sử dụng hóa đơn điện tử, nhất là các hoạt động kinh doanh ăn uống, dịch
vụ, bán lẻ xăng dầu. Tạo chuyển biến rõ nét trong việc chống thất thu, nợ
đọng thuế (phấn đấu giảm nợ đọng còn 3-4%). Khẩn trương nghiên cứu, trình cấp
có thẩm quyền xem xét ban hành quy định gia hạn thuế, giảm tiền thuê đất, thuê
mặt nước; ban hành theo thẩm quyền chính sách giảm phí, lệ phí năm 2024.
Thực hiện
quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam
trong thời gian sớm nhất. Tăng cường công tác bảo mật, an ninh, an toàn hệ thống
thông tin tài chính, ngân hàng, chứng khoán. Tăng cường quản lý giá cả, thị trường;
dứt khoát không để thiếu điện.
Thủ tướng
yêu cầu tập trung thực hiện "Năm đẩy mạnh", gồm:
(1) Đẩy mạnh
tăng trưởng kinh tế trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tiếp tục làm mới các động
lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và bổ sung, thúc đẩy
các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế
tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ và các ngành, lĩnh vực mới nổi như
chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen…).
(2) Đẩy mạnh
huy động mọi nguồn lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho
người dân, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững.
Đẩy mạnh
chuyển đổi số quốc gia; triển khai có hiệu quả Đề án 06 và Trung tâm Dữ liệu quốc
gia. Đẩy mạnh giải quyết khó khăn, vướng mắc, tuyệt đối không tạo thêm rào cản
cho người dân, doanh nghiệp; xử lý, giải quyết các vấn đề, dự án tồn đọng kéo
dài.
(3) Đẩy mạnh
3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế; xây dựng hạ tầng chiến lược đồng bộ,
hiện đại; đào tạo nhân lực chất lượng cao. Trong đó, phấn đấu hoàn thành trong
tháng 4 việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật
Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…; chuẩn bị tốt
các dự án luật trình tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
(4) Đẩy mạnh
hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, củng cố và nâng cao vị thế, uy tín của
Việt Nam trên trường quốc tế. Khẩn trương cụ thể hóa, khai thác có hiệu quả các
điều ước quốc tế, thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao thành chương trình, dự án cụ
thể.
(5) Đẩy mạnh
ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ở tất cả các cấp,
các ngành.
Giao một số
nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, địa phương với mốc thời hạn hoàn thành cụ thể,
Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp, phân loại các kiến nghị của địa
phương để các bộ, ngành, cơ quan giải quyết theo thẩm quyền; với các vấn đề còn
ý kiến khác nhau giữa các bộ ngành, các Phó Thủ tướng theo lĩnh vực phân công
làm việc trực tiếp với các bộ ngành để xử lý, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo
các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tổng hợp & Tóm lược Theo BCP