Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 3 ước đạt 1,12 tỷ USD, tăng 46,3% so với tháng 2, nhưng giảm 1,9% so với tháng 3/2023.

Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 749 triệu USD, tăng 57,8% so với tháng 2/2024, nhưng giảm 3,9% so với tháng 3/2023.

Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 3,4 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước tính đạt 2,3 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ.


Cục Xuất nhập khẩu cho biết sự khởi đầu thuận lợi trong những tháng đầu năm với việc các đơn hàng gia tăng, các doanh nghiệp ngành gỗ tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ xuất khẩu đã mở ra tín hiệu tích cực và mang tới kỳ vọng cho ngành gỗ của Việt Nam trong năm 2024.

Trong đó, nhu cầu tại các thị trường lớn như Mỹ Trung Quốc, Canada, Anh và các thị trường trong khối EU đang có sự phục hồi.

Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu, Mỹ luôn là điểm đến lớn nhất đối với sản phẩm gỗ của Việt Nam. Hai tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu sang Mỹ chiếm 53,2% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đạt 1,2 tỷ USD, tăng 51,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Mỹ làm tăng rủi ro cho ngành gỗ. Vì vậy, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sẽ giảm thiểu rủi ro và tăng cường tính bền vững của ngành gỗ. Ngoài ra, việc cải thiện thiết kế và mẫu mã sản phẩm cũng sẽ giúp thu hút khách hàng quốc tế nhiều hơn.

Ngoài thị trường Mỹ, gỗ và sản phẩm gỗ còn xuất khẩu tới một số thị trường khác có tốc độ tăng trưởng cao trong 2 tháng đầu năm 2024.

Cụ thể, xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc đạt 306,3 triệu USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp theo là thị trường Canada đạt 36 triệu USD, tăng 47,4%. Anh đạt 32,8 triệu USD, tăng 35,2%. Hà Lan đạt 23,2 triệu USD, tăng 46,9%; Pháp đạt 22,1 triệu USD, tăng 26,7%...

Tuy nhiên theo Cục Xuất nhập khẩu, dù tín hiệu đầu năm 2024 khá lạc quan, tuy nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đang đứng trước khó khăn mới, nếu như căng thẳng trên Biển Đỏ vẫn tiếp diễn, giá cước vận chuyển hàng hóa sẽ tăng cao. Ngoài ra, ngành gỗ còn phải đối mặt với áp lực gia tăng từ sự cạnh tranh khốc liệt, đi kèm là những rủi ro liên quan đến gian lận thương mại và làm giả thông tin nguồn gốc sản phẩm.

Thêm vào đó, các đối tác quốc tế đang ngày càng đặt ra những yêu cầu cao hơn về truy xuất nguồn gốc gỗ, sản xuất bền vững và giảm phát thải carbon.