Những ngày giáp Tết Nguyên đán, làng nghề xoi trầm hương ở xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Người dân tại đây tất bật sản xuất để đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường, đặc biệt là các sản phẩm từ trầm hương.
Tại thôn
Phú Hội 1, không khí làm việc khẩn trương lan tỏa khắp làng. Người dân miệt mài
gọt cây dó bầu để lấy lõi trầm, sản xuất nhang trầm với nhiều loại đa dạng như
nhang tăm, nhang nụ và nhang không tăm. Để kịp tiến độ giao hàng, nhiều cơ sở
đã thuê thêm lao động và trả lương theo sản phẩm.
Dịp Tết là mùa tiêu thụ nhang trầm mạnh nhất trong năm.
Cơ sở trầm
hương Châu Giang của bà Nguyễn Thị Kim Oanh là một điển hình. Từ tháng 11, cơ sở
luôn duy trì 12 lao động làm việc cả ngày lẫn đêm, với các đơn hàng lớn bao gồm
bột trầm, nhang trầm, vòng tay trầm hương, tinh dầu trầm và nhiều sản phẩm
khác. Theo bà Oanh, dịp Tết là mùa tiêu thụ mạnh nhất trong năm, với sản lượng
tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường. Nguyên liệu sản xuất hoàn toàn từ cây dó bầu
được trồng tại miền Trung - Tây Nguyên, trải qua quy trình cấy men vi sinh tạo
trầm nhân tạo trong ít nhất 24 tháng.
Không chỉ
riêng cơ sở Châu Giang, gia đình anh Phạm Hữu Nghĩa ở thôn Phú Hội 1 cũng tăng
tốc sản xuất để kịp phục vụ khách hàng. Trong hai tháng qua, anh đã cung ứng gần
1 tấn nhang trầm các loại, gấp 2-3 lần ngày thường, nhưng vẫn còn nhiều đơn
hàng chưa hoàn thành. Sản phẩm nhang trầm của anh Nghĩa cam kết làm từ 100% trầm
tự nhiên, không pha tạp chất, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dùng.
Đặc biệt,
loại nhang trầm không tăm tại cơ sở này có giá lên đến 10 triệu đồng/kg. Nhờ đầu
tư máy móc hiện đại như máy trộn nguyên liệu và máy bắn que, các hộ dân trong
làng đã nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu ngày
càng cao của thị trường.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán, làng nghề xoi trầm hương ở xã Vạn Thắng,
huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Theo ông
Trần Công Đức, Giám đốc Hợp tác xã Trầm hương Vạn Thắng, thôn Phú Hội 1 được mệnh
danh là cái nôi của “xứ trầm hương”. Từ trước năm 2016, làng nghề chỉ có khoảng
100 hộ làm nghề xoi trầm, nhưng đến nay đã phát triển lên khoảng 400 hộ. Bên cạnh
việc gia công sản phẩm cho các thương hiệu lớn, làng nghề còn tạo ra nhiều sản
phẩm tinh xảo như trầm hương mỹ nghệ, được khách hàng trong và ngoài nước ưa
chuộng.
Nghệ nhân
làng nghề nổi tiếng với kỹ thuật tinh xảo, ghép các khối trầm nhỏ thành tác phẩm
trầm cảnh đẹp mắt, khó nhận ra mối ghép. Nhờ đó, sản phẩm của làng ngày càng được
thị trường đón nhận, giúp nhiều hộ gia đình ăn nên làm ra.
Ông Huỳnh
Văn Hóa, Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng, chia sẻ rằng làng nghề xoi trầm hương
không chỉ tạo việc làm ổn định cho người dân mà còn được công nhận là địa điểm
có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Với sự công nhận này, làng nghề kỳ vọng
sẽ thu hút thêm nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm, mang lại
cơ hội tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Làng nghề
xoi trầm hương xã Vạn Thắng không chỉ là biểu tượng của văn hóa truyền thống mà
còn là động lực thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Những giá trị từ bàn
tay khéo léo và sự sáng tạo của người dân nơi đây đã góp phần làm rạng danh “xứ
trầm hương” Khánh Hòa.
NQS