Ngày
20/12, tại nhà hát Lớn Hà Nội, Lễ trao giải thưởng khoa học thường niên VinFuture
được tài trợ bởi Quỹ VinFuture do nhà sáng lập là Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và
bà Phạm Thu Hương, lần thứ 2 - VinFuture 2022 với chủ đề "Tái thiết và Hồi
sinh" đã được tổ chức và vinh danh các công trình nghiên cứu đạt giải.
Mở
đầu bài phát biểu Lễ Trao giải thưởng Khoa học, Công nghệ toàn cầu thường niên
VinFuture 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết điều đặc biệt và khác
biệt so với mùa Giải lần thứ nhất là chúng ta có thể cảm nhận rất rõ sự thoải
mái, an toàn khi dịch COVID-19 gần như đã được kiểm soát hoàn toàn ở Việt Nam
và nhiều nước trên thế giới.
Theo
Chủ tịch Quốc hội, điều này có được là nhờ sự đóng góp quan trọng của các công
trình nghiên cứu sản xuất vaccine phòng chống COVID-19. Trong đó, nổi bật là công trình phát triển công nghệ
mRNA, nền tảng của vaccine COVID-19 đã được chứng minh sức ảnh hưởng với hơn
150 quốc gia hưởng lợi từ nghiên cứu này. Và các nhà khoa học là tác giả của
công trình khoa học tuyệt vời này đã được vinh danh với Giải thưởng Chính tại Lễ
trao giải thưởng VinFuture 2021.
"Hôm nay, tại đây, trong
Lễ trao giải VinFuture lần thứ 2, tôi vẫn muốn trân trọng biết ơn, nhắc tới họ
một lần nữa vì cống hiến, phụng sự nhân loại của: Tiến sĩ Katalin Karikó, Giáo
sư Pieter Cullis và Giáo sư Drew Weissman", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình
Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội:
VinFuture giúp thế giới hiểu hơn về một Việt Nam đang mạnh mẽ vươn ra quốc tế
VinFuture 2022 có 970 hồ sơ đề
cử, đến từ hơn 70 quốc gia trên khắp 6 châu lục gửi về - tăng gần gấp 2 lần mùa
giải đầu tiên. Về chất lượng, tỉ lệ đối tác đề cử là các tác giả thuộc nhóm 2%
các nhà nghiên cứu hàng đầu được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới cũng đã
tăng hơn gấp đôi so với năm 2021.
Theo Chủ tịch Quốc hội, một
trong những điểm khác biệt nổi bật của VinFuture là tác động lan toả toàn cầu
và truyền cảm hứng tới cộng đồng khoa học ở khắp nơi trên thế giới. Đó là sự
gia tăng của tỉ lệ đối tác đề cử đến từ các nhà khoa học châu Á với 34,6%. Đặc
biệt, tỉ lệ đối tác đề cử đến từ châu Phi lên đến 12,4%, tăng hơn 6 lần so với
năm 2021.
"Điều này không chỉ cho
thấy nguồn cảm hứng mạnh mẽ từ Giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu do người
Việt Nam khởi xướng, mà còn mang tới cho chúng ta niềm hi vọng lớn lao về những
công trình khoa học hữu ích với cuộc sống của hàng triệu người ở các quốc gia
đang phát triển, hướng tới một thế giới phát triển công bằng hơn được khởi tạo
từ khoa học và công nghệ", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Một Việt Nam
đang mạnh mẽ tiến lên
Chủ
tịch Quốc hội nhấn mạnh khoa học công nghệ đã thúc đẩy sự phát triển vượt bậc
văn minh nhân loại. Khoa học công
nghệ cũng giúp con người vượt qua những "cơn đại hồng thủy" - như đại
dịch COVID-19 vừa qua. Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, khoa học công
nghệ tiếp tục là động lực thúc đẩy sự tiến bộ của cả nhân loại trong thời đại mới,
giúp cho con người có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, ấm no hơn, hạnh phúc
hơn.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng,
Giải thưởng Khoa học Công nghệ toàn cầu VinFuture với việc tôn vinh những nhà
khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc mang tính ứng dụng cao, kiến tạo môi
trường sống bền vững cho thế hệ tương lai, đang thực hiện rất tốt sứ mệnh của
mình.
"Không chỉ là sợi dây bền
chặt gắn bó các nhà khoa học Việt Nam và thế giới, VinFuture còn là nhịp cầu để
các nhà nghiên cứu, phát minh trên toàn cầu hiện thực hoá những khát vọng khoa
học lớn lao để phụng sự nhân loại, đúng như Tiến sỹ Katalin Kariko, một trong
những chủ nhân của Giải thưởng Chính Vinfuture lần thứ nhất đã nói: "Từ
VinFuture, các nhà khoa học thế giới đã hiểu hơn về một Việt Nam đang mạnh mẽ
vươn ra quốc tế"", Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Chủ tịch Quốc hội cũng đánh
giá cao sáng kiến cũng như những nỗ lực của Quỹ VinFuture và người sáng lập là
Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và bà Phạm Thu Hương, phu nhân của ông Vượng trong
việc góp phần tôn vinh giá trị của khoa học công nghệ, từ đó mang tới tương lai
tốt đẹp hơn cho mọi người.