Nỗ lực đổi mới, nâng cao giá trị sản phẩm công nghiệp
Theo Cục
Công nghiệp (Bộ Công Thương), ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa tự chủ được các
yếu tố đầu vào của sản xuất dẫn đến tình trạng phụ thuộc phần lớn vào linh phụ
kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu. Việc nhập siêu các yếu tố đầu vào cho sản xuất
là tình trạng kéo dài từ rất nhiều năm trở lại đây, khiến giá trị gia tăng của
các ngành công nghiệp nội địa rất thấp.
Cục Công nghiệp chỉ ra, trong những năm gần đây, các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến chiếm tỷ trọng cao gần 40% trong tổng doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế, nhưng chỉ đóng góp khoảng gần 14% GDP (giá trị gia tăng rất thấp so với các ngành công nghiệp khác).
Thực trạng
yếu kém trên không chỉ gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và tăng trưởng
kinh tế trong ngắn hạn, mà sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến công nghiệp nói riêng
và kinh tế Việt Nam nói chung trong dài hạn trong bối cảnh hội nhập quốc tế
ngày càng sâu rộng. “Vì vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước tự chủ
nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước là một trong những vấn đề cốt
lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam trong dài hạn” - đại diện Cục
Công nghiệp nhấn mạnh.
Tự chủ nguyên liệu, linh kiện trong nước là vấn đề cốt lõi, tạo nền tảng
để công nghiệp hỗ trợ phát triển bền vững và nâng sức cạnh tranh quốc gia.
Là một
trong những doanh nghiệp có đủ năng lực, quy mô sản xuất, cung cấp sản phẩm cho
các doanh nghiệp đầu cuối, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công
ty TNHH Cơ khí Duy Khanh, cho biết, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, công ty ông
đã phải đầu tư thêm gần 200 tỷ đồng để trang bị dây chuyền sản xuất mới. Việc
tham gia vào chuỗi cung ứng đã tạo động lực giúp doanh nghiệp thay đổi, bắt kịp
quy mô và nhu cầu của đối tác.
Không dừng
lại đó, công ty đã cho nâng cấp toàn bộ dây chuyền sản xuất sản phẩm như:
Motor, bơm, các dụng cụ cầm tay, máy may, các bộ điều khiển chuyển động trong ô
tô…, đảm bảo cung ứng đạt tiêu chuẩn cho: Toshiba Industry, Rinnai, MK Seiko,
Bonfiglioli, Thermtrol, Sanei Technology, USM Health Care…
“Nhờ dây
chuyền công nghệ mới, công ty có thể nghiên cứu, chế tạo ra các sản phẩm mới
theo nhu cầu thị trường thay vì gia công như trước đây. Từ đó nâng cao giá trị
và vị thế cho sản phẩm của doanh nghiệp. Đây cũng là nền tảng để doanh nghiệp
nâng thứ hạng của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Đỗ Phước Tống chia sẻ.
Tại Điện
Quang, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp hỗ trợ ở cả 2 vai trò, vừa là
nhà cung cấp, vừa là nhà mua hàng, công ty này cũng đã phải liên tục đầu tư quy
mô lớn vào dây chuyền máy móc, thiết bị để mở ra cơ hội phát triển.
Đại diện
lãnh đạo Tập đoàn Điện Quang cũng cho biết, để có được những đơn hàng, doanh
nghiệp đã đầu tư dây chuyền sản xuất đồng bộ, hiện đại như nhà máy Chip LED,
nhà máy sản xuất bo mạch điện tử, sản xuất lắp ráp các sản phẩm OEM, ODM…
Theo đó,
doanh nghiệp còn tập trung nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới phù hợp thị
trường với 5 lĩnh vực là chiếu sáng, điều khiển thông minh, gia dụng, thiết bị
điện và năng lượng mặt trời.
Hình thành
và phát triển chuỗi giá trị trong nước
Theo Cục Công nghiệp, để phát triển công nghiệp hỗ trợ phải từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam.
Nêu bật giải
pháp, Cục Công nghiệp nêu, trước hết cần nâng cao năng lực các doanh nghiệp
công nghiệp hỗ trợ; mở ra cơ hội thị trường cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
trở thành nhà cung cấp, tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất,
lắp ráp sản phẩm cuối cùng.
Theo Bộ
Công Thương, để nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, điều kiện
tiên quyết là phải có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước phát triển.
Từ đó, mở ra cơ hội thị trường cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành
nhà cung cấp, tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản
phẩm cuối cùng.
Cần nâng cao tính tự chủ của nền công nghiệp thông qua việc phát triển
ngành công nghiệp hỗ trợ.
Tuy nhiên,
nhà nước cũng cần tích cực mở rộng thị trường nước ngoài cho doanh nghiệp công
nghiệp hỗ trợ, cùng với đó sẽ tiếp nhận quy trình kỹ thuật và kỹ năng sản xuất
từ nước ngoài để nâng cao năng lực sản xuất.
Ngoài ra,
cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ tập trung để tạo cụm
liên kết ngành; phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tính
tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập
khẩu. Theo đó sẽ nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm và
doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bà Trương
Thị Chí Bình – Tổng thư ký Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) đề xuất,
về lâu dài Chính phủ có thể ban hành Luật công nghiệp hỗ trợ, Luật Phát công
nghiệp trọng điểm để khẳng định tầm quan trọng của loại hình công nghiệp này, từ
đó có các chính sách chuyên biệt nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, đón các
dòng đầu tư và dịch chuyển sản xuất từ các quốc gia.
Góp ý
thêm, TS. Nguyễn Văn Hội- Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách
Công Thương (Bộ Công Thương) cho biết, cần chú trọng thu hút đầu tư, phát triển
sản xuất trong các lĩnh vực chế biến chế tạo, đặc biệt là các lĩnh vực ứng dụng
công nghệ cao.
Cùng với
đó, cần nâng cao tính tự chủ của nền công nghiệp thông qua việc phát triển
ngành công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, cần khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham
gia đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ; liên tục cải thiện các cơ chế, chính
sách, cải tiến các thủ tục đầu tư ngày càng thông thoáng nhằm khuyến khích các
nhà đầu tư, đồng thời có chính sách ưu tiên, khuyến khích thu hút các dự án sản
xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ áp dụng công nghệ hiện đại.
* Theo
Cục Công nghiệp, hiện Cục đang đẩy nhanh xây dựng Trung tâm hỗ trợ phát triển
công nghiệp phía Bắc và Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp phía
Nam. Hai trung tâm này đóng vai trò hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hỗ trợ kỹ thuật
cho các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hỗ trợ. Hỗ trợ
và khuyến khích các địa phương xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo công
nghiệp tại các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp.
Theo Duy Anh - BCT