Kể từ năm 2020, Trung Quốc ứng phó với COVID-19 như một loại bệnh
truyền nhiễm nguy hiểm, đặt ngang hàng với bệnh dịch hạch và dịch tả. Ở cấp độ
này, chính quyền phải áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt nhất như cách ly người mắc
bệnh và người tiếp xúc gần, đồng thời phong tỏa toàn thành phố để dập dịch.
Ngày 26-12, tờ SCMP dẫn ba nguồn tin từ các cơ quan y tế cấp tỉnh
và bệnh viện ở tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến và Giang Tô cho biết họ đã được Ủy
ban Y tế quốc gia (NHC) thông báo vào một ngày trước đó, yêu cầu hạ cấp phòng dịch
COVID-19, chỉ còn yêu cầu "điều trị khi cần thiết và có các biện pháp hạn
chế lây lan".
Trước đây đã có một số dấu hiệu cho thấy Trung Quốc thay đổi chính
sách, như không còn bắt buộc xét nghiệm PCR, ngừng công bố ca nhiễm COVID-19
hàng ngày và không còn coi COVID-19 là một dạng bệnh viêm phổi.
Theo một lãnh đạo bệnh viện ở Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, COVID-19 sẽ
được gọi chính thức là "bệnh nhiễm virus corona mới", thay vì
"viêm phổi do virus corona mới" như hiện nay.
"Việc thay đổi cách gọi rất quan trọng", lãnh đạo bệnh
viện không nêu tên cho biết. "Tôi cho rằng đó là sự công nhận chính thức về
những thay đổi rõ ràng trong các triệu chứng nhiễm biến thể Omicron, biến thể
ít gây chết người hơn. Biến thể này không phải lúc nào cũng gây ra các triệu chứng
giống như viêm phổi".
Trong một diễn biến khác, ngày 26-12, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận
Bình đã có bài phát biểu công khai đầu tiên về COVID-19 kể từ khi nới lỏng các
biện pháp phòng dịch.
"Hiện tại, công tác phòng chống và kiểm soát COVID-19 ở Trung
Quốc đang đối mặt với tình hình và nhiệm vụ mới", Đài CCTV dẫn lời ông Tập.
"Chúng ta nên khởi động chiến dịch y tế yêu nước theo cách có mục tiêu hơn... Củng cố tuyến phòng thủ cộng đồng để phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, đồng thời bảo vệ hiệu quả tính mạng, sự an toàn và sức khỏe của người dân", ông Tập nói.
Trung Quốc đang trải qua đợt bùng phát lớn sau khi đột ngột bỏ những
hạn chế nghiêm ngặt từ lâu đã gây thiệt hại cho nền kinh tế. Các nghiên cứu đã
ước tính rằng khoảng 1 triệu người nước này có thể chết trong vài tháng tới.
Nhiều người dân đang phải chật vật với tình trạng thiếu thuốc,
trong khi các cơ sở y tế đang quá tải bởi các bệnh nhân lớn tuổi chưa được tiêm
chủng.
Theo TTO