Xe điện giá rẻ Trung Quốc vẫn là mối lo của
thị trường châu Âu và Mỹ. Những tưởng những cuộc đàm phán gần đây giữa Ủy ban
châu Âu (EC) và Trung Quốc đã đi đến hồi kết "cân bằng" lợi ích thuế
giữa hai bên sau cuộc điều tra chống bán phá giá đối với xe điện Trung Quốc của
EC. Tuy nhiên mới đây, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch áp thuế lên
đến 45% với xe điện được sản xuất và nhập khẩu từ nước này, có hiệu lực từ
31/10. Mức thuế suất này cao hơn hẳn so với mức thuế tạm thời 38% từng được EU
ban hành và có hiệu lực từ 4/7 đối với xe điện Trung Quốc.
Ngay lập tức, Chính phủ Trung Quốc lên tiếng
phản đối và đang lên kế hoạch đáp trả, nhắm vào các mặt hàng xa xỉ từ châu Âu
nhập vào.
Trang Carscoops đưa tin, phát ngôn viên của
Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ quan điểm: "Trung Quốc kiên quyết phản đối
các hoạt động bảo hộ không công bằng, không tuân thủ và vô lý của EU. Động thái
này vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trung Quốc thực
hiện mọi biện pháp để bảo vệ vững chắc lợi ích của các công ty Trung Quốc".
Người phát ngôn này nói rằng: "Trung
Quốc đang nghiên cứu và xem xét tăng thuế đối với ô tô hạng sang nhập khẩu có
dung tích động cơ lớn. Biện pháp này là cần thiết để bảo vệ vững chắc các quyền
và lợi ích hợp pháp của ngành công nghiệp và doanh nghiệp Trung Quốc".
Nếu như vậy, điều này có thể ảnh hưởng đến
các nhà sản xuất ô tô của Đức và Ý khi đây là hai thị trường chủ lực xuất khẩu
xe hiệu suất cao và xe sang sử dụng động cơ đốt trong vào Trung Quốc.
Không chỉ ô tô, mặt hàng rượu mạnh châu Âu
nhập vào Trung Quốc cũng đã trở thành đối tượng đầu tiên chịu "án"
thuế cao. Bộ Thương mại Trung Quốc quyết định áp dụng mức thuế tạm thời
30,6-39,0% đối với rượu mạnh châu Âu có hiệu lực từ 11/10.
Lý do được Chính phủ Trung Quốc đưa ra,
đây là biện pháp chống bán phá giá do ngành hàng này trong nước đang có nguy cơ
thiệt hại đáng kể do hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu. Ngoài rượu mạnh, cuộc điều
tra chống bán phá giá và chống trợ cấp còn nhắm đến mặt hàng thịt lợn và sữa nhập
khẩu từ châu Âu.
Theo VNN