Việc hạn chế nhập khẩu sữa từ EU có thể giảm
bớt một phần áp lực cho người sản xuất trong nước, nhưng khối lượng sữa bị ảnh
hưởng tương đối nhỏ và tình trạng khó khăn của ngành sữa trong nước đã diễn ra
trong một thời gian dài. Thị trường đang phải đối mặt với tình trạng sản xuất
dư thừa trong nhiều năm và nhu cầu tiêu dùng giảm sút do nền kinh tế suy thoái,
ảnh hưởng lớn đến các thực phẩm có giá cao.
Ông Gao Fei, giám đốc điều hành của China
Mengniu Dairy Co., vào tháng 7 cho biết ngành sữa của Trung Quốc đang đối mặt với
thách thức nghiêm trọng nhất kể từ năm 2008. Đó là năm xảy ra vụ việc sữa bị
nhiễm melamine dẫn đến thiệt mạng của một số trẻ em, làm hàng trăm nghìn người
bị bệnh và làm ảnh hưởng danh tiếng của ngành công nghiệp này.
Trước đây, sữa không phải là thực phẩm phổ
biến trong bữa ăn hàng ngày của người Trung Quốc. Chỉ trong thế kỷ này, sữa mới
trở nên phổ biến hơn trong chế độ ăn uống, và hiện nay nhiều người vẫn coi phô
mai là món xa xỉ của phương Tây. Việc tăng thói quen tiêu thụ sữa ở một quốc
gia tỷ dân là cơ hội lớn cho sự tăng trưởng các công ty trong ngành cả trong nước
và quốc tế.
Tuy nhiên, tình hình tăng trưởng đột ngột
dừng lại. Giá sữa liên tục giảm trong hơn hai năm qua, theo bộ nông nghiệp Trung
Quốc. Theo ước tính có khoảng 80% người sản xuất hiện đang thua lỗ và các nhà sản
xuất đang phải giảm bớt số lượng bò. Ngành công nghiệp này cũng đang tìm kiếm
các cơ hội mới trong nhu cầu, chế biến thêm các sản phẩm từ sữa như phô mai,
cũng như tìm kiếm thị trường xuất khẩu để tiêu thụ lượng sữa dư thừa trong nước.
Trong bối cảnh đó, việc cắt giảm nguồn
cung từ EU dựa vào động cơ hợp lí, và vì EU là một trong những nguồn cung sữa
chính cho Trung Quốc chỉ sau New Zealand.
Tuy nhiên, các biện pháp của Bắc Kinh chỉ
nhắm vào khoảng 16% doanh số sữa EU xuất khẩu sang Trung Quốc, hoặc khoảng 4% tổng
số lượng sữa nhập khẩu. Theo dữ liệu từ chính phủ, nhập khẩu sữa của Trung Quốc
đã giảm 14% trong bảy tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước, trong khi xuất
khẩu tăng vọt 27% trong cùng khoảng thời gian.
Nỗi ám ảnh melamine
Khi ngành công nghiệp sữa dần hồi phục sau
cú sốc melamine, Bắc Kinh đã áp dụng chiến lược quen thuộc đối với các hàng hóa
thâm hụt, đó là đẩy mạnh sản xuất nội địa để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và tận
dụng sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sữa từ chính các nông dân trong nước.
Yifan Li, trưởng bộ phận nghiên cứu về sữa
tại StoneX Group Inc., cho biết, để nói một cách đơn giản, Trung Quốc đã đầu tư
quá mức vào sản xuất và sau đó nhu cầu của người tiêu dùng đã giảm xuống.
Sản lượng sữa ở Trung Quốc đã tăng 40%
trong thập kỷ qua, tạo ra tình trạng dư thừa lớn khi nền kinh tế gặp khó khăn
và nhu cầu tiêu thụ giảm. Điều này đã buộc các nhà xuất khẩu phải xem xét lại
trước khi Trung Quốc thực hiện các động thái mới, mà nhiều người coi là phản ứng
trả đũa đối với thuế quan của EU lên hàng hóa Trung Quốc.
Mặc dù các biện pháp của Bắc Kinh hiện tại
còn hạn chế, nhưng chúng vẫn gây lo ngại cho các nhà giao dịch về việc Trung Quốc
sẽ tiếp tục thực hiện thêm các biện pháp trừng phạt khác trong tương lai, điều
này có thể ảnh hưởng lớn hơn đến thương mại so với dự đoán.
Công ty sữa Đan Mạch Arla Foods AMBA đã phải
nhìn nhận thực tế về cơ hội mà Trung Quốc mang lại, Giám đốc điều hành Peder
Tuborgh cho biết trong một buổi họp trực tuyến gần đây. Công ty đã giảm bớt tầm
quan trọng của Trung Quốc, và coi thị trường này là thị trường ngách.
Các công ty khác mà trước đây đã thành lập
hoạt động tại châu Á để xuất khẩu sữa từ EU sang Trung Quốc, hiện đang chuyển
sang bán sản phẩm sữa nội địa Trung Quốc cho các quốc gia khác như Pakistan và
Nigeria.
Theo DBTT