Chính phủ vừa trình Quốc hội dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi với 7
chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012).
Về quy định chính quyền tại Thủ đô, Chính phủ đề xuất thực hiện mô
hình tổ chức chính quyền TP. Hà Nội theo hướng không tổ chức HĐND phường, đồng thời bổ sung cấp chính
quyền thành phố thuộc TP. Hà Nội.
Việc bổ
sung cấp chính quyền trong thành phố như vậy để hướng đến Hà Nội xây dựng thêm
hai thành phố mới ở phía Bắc và phía Tây.
Theo đó,
hai thành phố mới của Hà Nội dự kiến gồm: Khu vực phía Bắc là thành phố
logistics, dịch vụ (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); Khu phía Tây là thành phố
về giáo dục, đào tạo, khoa học (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai).
Những khu
vực này sẽ có đặc thù vượt trội so với cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND quận, huyện,
thị xã theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, như tăng số lượng Phó Chủ tịch
HĐND (từ một lên hai), tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND (từ 3 lên 4), tăng đại
biểu HĐND chuyên trách (từ 6 lên 9).
Để tăng cường
tổ chức bộ máy của HĐND TP. Hà Nội, Chính phủ đề xuất tăng số lượng đại biểu
HĐND từ 95 đại biểu lên 125 người; tăng tỷ lệ đại biểu HĐND chuyên trách từ 20%
lên 25%.
Thành phố phía Tây Hà Nội có quy mô khoảng 251 km2, dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu người. Đất xây dựng đô thị khoảng 135 km2, dân số khoảng 1,08 triệu người. Khu vực ngoại thị khoảng 116 km2, dân số khoảng 0,12 triệu người. Thành phố định hướng đô thị Hòa Lạc là trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao. Đô thị Xuân Mai là trung tâm giáo dục, nghiên cứu và các dịch vụ hỗ trợ giáo dục…
Tổng diện
tích Thành phố phía Bắc sông Hồng rộng khoảng 633 km2, bao gồm toàn bộ địa giới
hành chính các huyện Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh. Quy mô dân số đến năm 2045
khoảng 3,25 triệu người.