Nhu
cầu gạo 6 tháng cuối năm vẫn tương đối ổn định
Tại cuộc họp đánh giá tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu
năm 2022 và dự báo xuất khẩu gạo trong thời gian tới do Bộ Công thương tổ chức,
với sự tham dự của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và khoảng 20 doanh nghiệp
xuất khẩu gạo.
Theo Cục Xuất nhập khẩu đánh giá, Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi
nhiều yếu tố như nguy cơ bùng phát trở lại của dịch Covid-19 với biến chủng mới,
xung đột Nga - Ukraina, nguy cơ lạm phát từ giá nguyên liệu sản xuất leo thang
trên thế giới nhưng xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn đạt được kết quả tích cực.
Cơ cấu chủng loại gạo tiếp tục có sự chuyển biến phù hợp với
định hướng Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đã được phê duyệt. Hiện
tỷ lệ xuất khẩu gạo trắng ở mức 44,7%, gạo thơm các loại khoảng 33,4%.
Trong nửa đầu năm nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở mức
420 USD/tấn đối với gạo 5% tấm, tuy nhiên, mức giá này vẫn thấp hơn so với cùng
kỳ năm 2021 (Cùng kỳ đạt 470 USD/tấn).
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhận định, nhu cầu thị trường
trong 6 tháng cuối năm vẫn tốt khi nhiều quốc gia vẫn tăng dự trữ trước lo ngại
của xung đột quân sự Nga-Ukraine có thể vẫn kéo dài, Việt Nam tiếp tục khẳng định
là quốc gia xuất khẩu gạo lớn cùng với Thái Lan, Ấn Độ và có uy tín trên thị
trường quốc tế.
Nhận định thị trường cuối năm tích cực, nhưng ông Nguyễn Ngọc
Nam, Chủ tịch VFA lưu ý, doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn cần theo dõi thông tin
biến động của thị trường tại Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ… để có
chiến lược và sự điều chỉnh phù hợp.
Sự
cạnh tranh từ các thị trường xuất khẩu mở rộng và chiến lược đa dạng chủng loại
sản phẩm
Việt Nam tiếp tục xuất khẩu gạo hữu cơ và gạo tăng cường vi
chất dinh dưỡng tuy với tỷ trọng nhỏ nhưng đã làm đa dạng chủng loại gạo xuất
khẩu và khẳng định được giá trị mặt hàng gạo xuất khẩu.
Philippines hiện vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của
Việt Nam trong 5 tháng đầu năm với 43,6% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường
này trong 5 tháng đạt 1,27 triệu tấn và hơn 589 triệu USD, tăng 34,8% về khối
lượng và 17,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với Philippines, Mỹ là thị trường ngày càng chuộng gạo
Việt. Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm, lượng gạo xuất sang quốc gia này tăng
71,3%, mức tăng cao nhất trong số các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam. Theo Bộ
Nông nghiệp Mỹ - USDA, thị trường này rất ưa chuộng các loại gạo thơm, hạt dài
như ST25 của Việt Nam. Đây là loại gạo đã nhập khẩu vào Mỹ gần 2 năm nay.
Tương tự, EU cũng là khu vực gia tăng nhập các loại gạo chất
lượng cao của Việt Nam. Trong tháng 6, lần đầu tiên, 500 tấn gạo mang thương hiệu
"Cơm Việt Nam Rice" của Lộc Trời đã được xuất sang Đức, Hà Lan và
Pháp. Tại Pháp, thương hiệu trên của Lộc Trời được bày bán tại Carrefour – hệ
thống đại siêu thị lớn nhất châu Âu.
Mặc dù đang được thị trường Mỹ, châu Âu ưa chuộng, gạo Việt
vẫn đứng trước nhiều thách thức khi đối thủ là Thái Lan, Ấn Độ đang bán gạo với
giá rẻ do đồng tiền nước này giảm mạnh.
Cụ thể gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan ở mức 420-425 USD
một tấn, giảm 25 USD so với tháng trước. Tại Ấn Độ, gạo 5% tấm ở mức 355-360
USD một tấn, giảm 2 USD so với đầu tháng. Đồng rupee chạm mức thấp kỷ lục làm
tăng lợi nhuận của các nhà xuất khẩu từ doanh số bán hàng ở nước ngoài. Đặc biệt
là loại gạo tấm của Ấn Độ, xuất khẩu đang rất tốt do giá cả cạnh tranh hơn đối
thủ. Lệnh cấm bất ngờ của Ấn Độ đối với xuất khẩu lúa mì vào tháng trước đã khiến
các nhà buôn gạo tăng cường mua và đặt các đơn đặt hàng bất thường cho các đợt
giao hàng lâu hơn, do lo ngại sẽ bị hạn chế.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, dù thị trường nhập
khẩu biến động và cạnh tranh mạnh mẽ, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay
ước đạt 6-6,2 triệu tấn, tương đương năm 2020 và 2021 với trị giá trên 3,2 tỷ
USD.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu gạo
trong năm nay sẽ duy trì thứ hạng tốt do ngành lúa gạo Việt Nam ngày càng được
cải thiện về chất lượng. Ngành hàng này tiếp tục là trụ cột để giúp ngành nông
nghiệp đặt mục tiêu cán đích kim ngạch xuất khẩu trên 50 tỷ USD.
Minh Hòa T/h