Đánh giá về ngành thực phẩm – đồ uống trong năm 2022, Vietnam Report đánh giá Việt Nam đang có sự phục hồi mạnh mẽ và là “điểm sáng hiếm hoi trên bức tranh kinh tế u ám toàn cầu”. Sự hồi phục diễn ra tại hầu khắp các lĩnh vực kinh tế, trong số đó có ngành thực phẩm - đồ uống.

Khảo sát của Vietnam Report thực hiện trong tháng 8/2022 cho thấy gần 90% số doanh nghiệp trong ngành đạt năng suất hoạt động trên 80% mức trước đại dịch, thậm chí trên 60% trong số đó đã vượt mức trước đại dịch.

Khảo sát cũng chỉ ra rằng, doanh thu ngành Thực phẩm - Đồ uống cải thiện tích cực ở tất cả các kênh phân phối, tiêu thụ. Đáng chú ý nhất là sự bứt phá của kênh truyền thống (General Trade) với 85,7% số doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng doanh thu, tăng 62,6% so với cùng kỳ năm trước.

Các kênh hiện đại (Modern Trade) như siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay thương mại điện tử tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với mức tăng lần lượt là 15,4% và 29,5%. Kênh tiêu dùng tại chỗ (On-premise) cũng cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ ở mức tăng trưởng 30%.

Động lực tăng trưởng của ngành thực phẩm - đồ uống trong giai đoạn vừa qua đến từ 2 nguồn chính. Thứ nhất, sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng nội địa. Thống kê cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3,68 triệu tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1.441 triệu lượt, gấp 13,7 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 87,3% so với cùng kỳ năm 2019, khi chưa xảy ra dịch Covid-19.

Đi kèm theo là sự trở lại của người lao động và sinh viên tại các thành phố đã khuyến khích nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng tiêu dùng nhanh, trong đó có thực phẩm - đồ uống. Những yếu tố này sẽ thúc đẩy sự phục hồi của kênh tại chỗ và kênh truyền thống.


Động lực thứ hai là xu hướng dịch chuyển từ các kênh truyền thống sang hiện đại được định hình bởi giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Y và Z. Khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report chỉ ra rằng, phần lớn giới trẻ tại các thành phố lớn mua sắm thực phẩm - đồ uống thông qua các kênh hiện đại như siêu thị, đại siêu thị (98%), online (67%) và cửa hàng tiện lợi (41%).

Trong ngắn hạn, đánh giá triển vọng ngành trong những tháng cuối năm 2022, phần lớn doanh nghiệp tham gia khảo sát tỏ ra lạc quan so với thời điểm cách đây một năm. 94,4% số doanh nghiệp cho rằng, nửa cuối năm tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn, gấp 4,3 lần mức 21,7% của năm trước. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi nền kinh tế Việt Nam đang từng bước phục hồi và phát triển.

Thêm vào đó, có đến 76,5% số người tiêu dùng tham gia khảo sát của Vietnam Report cho rằng, tình hình tài chính của hộ gia đình trong 12 tháng sắp tới sẽ tốt hơn so với hiện tại.

Trong dài hạn, dù hiện tại, kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn được duy trì ổn định nhưng theo nhận định của phần lớn doanh nghiệp và các chuyên gia tham gia khảo sát, suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Hơn nữa, sự phục hồi trong nhu cầu tiêu dùng thời gian qua chủ yếu do giá cả trung bình tăng lên. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 tăng 3,6% so với tháng 12/2021 và tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước. Mức giá trung bình tăng khiến cho không chỉ doanh thu mà cả chi phí cũng tăng lên, gây sức ép lên lợi nhuận của 88,9% số doanh nghiệp.

Theo nhận định của phần lớn chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành, tuy Bộ Công Thương cho phép tăng giá bán các sản phẩm tiêu dùng nhanh (trong đó có sản phẩm thực phẩm - đồ uống), nhưng mức tăng khiêm tốn (dưới 10%) không thể bù đắp hoàn toàn cho sự tăng mạnh của chi phí đầu vào. Do đó, lợi nhuận ròng có thể tăng trưởng thấp hơn so với doanh thu năm 2022.

Thực tế, mặc dù có 66,7% số doanh nghiệp ngành thực phẩm - đồ uống trong khảo sát của Vietnam Report đã đạt và vượt mức doanh thu trước đại dịch nhưng chỉ có 44,4% số doanh nghiệp đạt và vượt mức lợi nhuận trước đại dịch. Phần lớn các doanh nghiệp cho rằng, áp lực này còn kéo dài tới cuối năm 2023 (38,9%), thậm chí là sau đó (33,3%).

 Vietnam Report