Cục Thống kê Quốc
gia Trung Quốc vừa công bố CPI - thước đo lạm phát chính của nền kinh tế trong
tháng 4. Theo đó, chỉ số CPI tháng 4 tăng ở mức thấp nhất trong 2 năm.
Trong tháng 4,
chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm
2022, tăng ở mức thấp nhất trong 2 năm, trái ngược hoàn toàn với các nền kinh tế
lớn phương Tây. Hàng hóa giảm giá, cung tiền nhiều khiến nhiều chuyên gia lo lắng
về nguy cơ giảm phát.
Tháng 3, CPI
tăng 0,7%. Chỉ số giá hàng hóa sản xuất từ cửa nhà máy PPI cũng giảm đến 3,6%,
giảm tháng thứ 7 liên tiếp.
Thịt lợn tăng
4%. Giá thực phẩm tăng 0,4%. Giá dịch vụ tăng 1%. Giá rau tươi giảm 13,5%. Do
giá giá xăng, dầu giảm trên 11% nên giá các sản phẩm tiêu dùng công nghiệp giảm
1,5%.
Còn chỉ số CPI
lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng biến động - vốn được xem là thước
đo tốt hơn về mối quan hệ cung - cầu của nền kinh tế tăng 0,7% so với cùng kỳ
năm ngoái.
Cục Thống kê Quốc
gia Trung Quốc cho rằng, CPI tháng 4 tăng quá thấp do nguồn cung thị trường đủ,
so sánh với giá cao năm trước.
Ngoài ra, giá
hàng hóa từ cửa nhà máy giảm do nhu cầu trong nước và quốc tế yếu. Theo chuyên
gia Vương đến từ Đại học Nhân dân Trung Quốc, CPI thấp chỉ là xu hướng tạm thời,
theo mùa, không ảnh hưởng đến sự phục hồi của nền kinh tế.
Các chuyên gia
kinh tế phương Tây cho rằng CPI quá thấp phản ánh nhu cầu trong nước yếu, người
dân thận trọng trong chi tiêu, thị trường bất động sản phục hồi chậm. Các
chuyên gia dự đoán Trung Quốc ngập trong tiền khi người dân gửi ngân hàng hàng
ngàn tỷ USD. Trong khi đó Cơ quan chức năng khuyến khích người dân chi tiền mua
sắm để kích thích nền kinh tế.