Mới đây, UBND TPHCM đã có báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ về kết quả thực hiện Đề án “Phát triển hạ tầng công nghiệp TPHCM giai đoạn 2020 - 2045”.

Theo UBND TPHCM, thực hiện các giải pháp đề ra của Đề án phát triển hạ tầng công nghiệp, với mục tiêu phát triển công nghiệp mang tính bền vững, UBND TP đã chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả khả quan. Cụ thể, công tác rà soát nhằm mục đích đánh giá thực trạng hoạt động của tất cả các sơ sở sản xuất riêng lẻ, các Khu - Cụm công nghiệp, Khu Công nghiệp (KCN) công nghệ cao trên địa bàn TP, việc xác định vị trí, thống kê diện tích sàn để nắm bắt được nhu cầu sản xuất thực tế; từ đó có cơ sở đề xuất quỹ đất phát triển công nghiệp trong tương lai.

Đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chủ trương bổ sung KCN Phạm Văn Hai; hướng dẫn thực hiện các công tác lập quy hoạch, có ý kiến chuyên môn về quy hoạch nhằm thúc đẩy việc sớm thành lập và đưa vào khai thác sử dụng của các KCN như: Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân mở rộng, Tây Bắc mở rộng, Vĩnh Lộc mở rộng, Hiệp Phước giai đoạn 3, Vĩnh Lộc 3.

Mặt khác, nghiên cứu các mô hình công nghiệp của các đô thị có điều kiện tương đồng trên thế giới, nghiên cứu các pháp lý, tiêu chuẩn quy chuẩn hiện hành, đánh giá quy hoạch đô thị tại các KCN hiện hữu có tiềm năng, KCN nằm trong địa bàn đông dân cư, đề xuất các giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển, bổ sung các chức năng mới cho KCN nhằm đảm bảo sự phát triển của các KCN trong tương lai, đáp ứng được nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp theo xu thế chung của thế giới, sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm.

Trong thời gian tới, TPHCM ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi để phát triển cho Khu - Cụm công nghiệp, đồng thời đặc biệt lưu ý mô hình chuyển đổi, phát triển các cơ sở sản xuất riêng lẻ trên địa bàn TP. Các nội dung quy hoạch phát triển ngành công nghiệp trong Đồ án Quy hoạch chung TPHCM nghiên cứu thực hiện theo quy định của pháp luật nhưng phải đảm bảo linh hoạt, mang tính định hướng để tạo điều kiện thuận lợi triển khai các quy hoạch cấp dưới, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các khu, cụm công nghiệp, tăng khả năng thu hút, mời gọi đầu tư.

Bên cạnh đó, điều chỉnh phân bổ nguồn lực và đổi mới cách thức thực hiện: Đối với các KCN mới, nhà nước cần phân bổ vốn ngân sách để giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng Khu – Cụm công nghiệp sau đó mời gọi nhà đầu tư hạ tầng, việc thay đổi cách làm này có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch, TP luôn chủ động, sẵn sàng có quỹ đất sạch để mời gọi các nhà đầu tư lớn. Đối với các KCN hiện hữu, tập trung nguồn nghiên cứu, thử nghiệm mô hình chuyển đổi hiệu quả, tiên tiến, ứng dụng các công nghệ mới, giảm phát thải, xây dựng thương hiệu phát triển xanh cho TP.