Ngày 22/3, tại Hà Nội, Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia đã chính thức ra mắt và tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất, nhiệm kỳ I (2025-2030).
Đại hội
vinh dự đón tiếp đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng
chí Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ, cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà
nước, đại diện các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp.
Sự ra đời
của Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia hết sức quan trọng
Phát biểu
chỉ đạo tại Đại hội, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, chúng ta đang bước vào giai
đoạn bình minh của kỷ nguyên số, thời kỳ dữ liệu đã trở thành tài nguyên, tư liệu
sản xuất quan trọng, trở thành năng lượng mới, thậm chí là "máu" của
nền kinh tế số. Chuyển đổi số, với dữ liệu là trung tâm, đang làm thay đổi căn
bản cách chúng ta sống, làm việc và phát triển.
Tổng Bí
thư cho biết, Đảng và Nhà nước ta đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của dữ
liệu. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ
trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đề
ra chủ trương chủ động tham gia vào các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu để
phát triển kinh tế số. Hoàn thiện pháp luật, chính sách về dữ liệu, quản trị dữ
liệu, tạo thuận lợi cho việc tạo dựng, kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu bảo
đảm an toàn, an ninh mạng trong nước, tiến tới kết nối với khu vực Asean và quốc
tế.
Gần đây nhất,
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị đã xác định rõ, dữ liệu
là trung tâm của chuyển đổi số, là động lực quan trọng cho sự phát triển. Nghị
quyết cũng đã đề ra các chính sách thí điểm, tạo hành lang pháp lý ban đầu cho
việc thúc đẩy phát triển và khai thác dữ liệu.
Tổng Bí
thư cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong quản trị và khai thác dữ liệu hiện
nay như: nhận thức về vai trò của dữ liệu chưa đầy đủ; hạ tầng dữ liệu còn phân
tán, thiếu kết nối; nguồn nhân lực chất lượng cao về dữ liệu còn thiếu; khung
pháp lý chưa hoàn thiện, đặc biệt trong các lĩnh vực như bảo mật dữ liệu, bảo vệ
quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân, an ninh, an toàn dữ liệu còn nhiều thách thức.
Tổng Bí
thư lưu ý, cần nhận thức rõ quản trị dữ liệu không chỉ là vấn đề chính sách mà
còn là vấn đề công nghệ. Không có công nghệ, không thể thu thập, lưu trữ, xử
lý, phân tích và chia sẻ dữ liệu một cách hiệu quả và an toàn.
Khẳng định
sự ra đời của Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia trong bối cảnh hiện nay là hết sức quan
trọng, là ngôi nhà chung của "các hiệp sĩ số" và là ngọn cờ tiên
phong trong việc thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW và các Nghị quyết về khoa học,
công nghệ... để đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, với nền quản trị số, kinh tế
số, xã hội số phát triển dựa trên dữ liệu "đúng-đủ-sạch-sống", Tổng
Bí thư đưa ra 7 nhiệm vụ trọng tâm đối với Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng Ban
Thường vụ Hiệp hội Dữ liệu quốc gia nhiệm kỳ 2025-2030
7 nhiệm vụ
trọng tâm
Một là nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện hành lang pháp lý về dữ liệu, tạo điều
kiện cho dữ liệu được tập hợp, lưu chuyển, kết nối, chia sẻ và được khai thác tối
đa nhưng vẫn bảo đảm an ninh, an toàn và chủ quyền dữ liệu.
Bộ Công an
đang xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và Luật An ninh mạng sửa đổi (bổ sung
thêm chức năng quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng) và dự kiến trình Quốc
hội thông qua ngay trong năm 2025; trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng
dẫn Luật Dữ liệu 2024, vì vậy cần ưu tiên tập trung mọi nguồn lực cho nhiệm vụ
này.
Hai là phát huy vai trò nòng cốt trong việc xây dựng, phát triển, khai thác và
làm giàu dữ liệu quốc gia, tập trung vào 4 trụ cột chính là: con người, vị trí,
hoạt động và sản phẩm.
Ba là chủ động, tích cực ứng dụng, làm chủ, tiến tới tự chủ các công nghệ dữ
liệu cốt lõi, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big
data), chuỗi khối (blockchain) và điện toán đám mây.
Tổng Bí
thư cũng nhấn mạnh vai trò của Hiệp hội trong một số chương trình, sáng kiến trọng
điểm. Tổng Bí thư chỉ rõ phải phát triển thị trường dữ liệu cho phát triển bền
vững; xây dựng thị trường dữ liệu quốc gia, triển khai sàn dữ liệu để phục vụ
nghiên cứu, phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cung cấp các sản phẩm, dịch
vụ liên quan đến dữ liệu phục vụ phát triển bền vững kinh tế-xã hội; cần xây dựng
nền tảng AI mở quốc gia giúp các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận ứng dụng
AI và lưu ý rằng, đó là trí tuệ nhân tạo Việt Nam; nhanh chóng phổ cập hiểu biết
về dữ liệu cho mọi người dân; nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng về dữ liệu
cho toàn xã hội, nhất là giá trị và tầm quan trọng của việc bảo vệ dữ liệu cá
nhân, cũng như việc tuân thủ các quy định pháp lý.
Tổng Bí
thư cũng nhấn mạnh, cần sớm tổ chức các cuộc thi thách thức đổi mới sáng tạo dựa
trên dữ liệu để khuyến khích cộng đồng đưa ra các giải pháp sáng tạo dựa trên dữ
liệu, tạo ra sân chơi để phát huy tối đa tiềm năng con người trong lĩnh vực
khoa học, công nghệ; tiếp tục tăng cường năng lực tự chủ về công nghệ dữ liệu,
ưu tiên, khuyến khích, tạo cơ chế để các sản phẩm công nghệ dữ liệu "Make
in Viet Nam" có thể cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường, nhất là thị trường
quốc tế.
Bốn là hỗ trợ đẩy mạnh xây dựng hạ tầng dữ liệu tiên tiến, bao gồm cả các
trung tâm dữ liệu do Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đầu tư.
Năm là tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm, thu hút nguồn lực và
tham gia vào các sáng kiến toàn cầu về dữ liệu.
Sáu là xây dựng cơ chế thực thi và giám sát hiệu quả. Các cơ quan nhà nước, với
vai trò đầu tàu của Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, một số bộ, ngành liên
quan cần có hệ thống giám sát chặt chẽ và đồng bộ hơn trên nền tảng ứng dụng mạnh
mẽ công nghệ số để bảo đảm các quy định pháp luật được tuân thủ đầy đủ, hiệu quả.
Bảy là bảo mật dữ liệu, xây dựng hệ thống, sản phẩm bảo mật dữ liệu, phát triển
các dịch vụ bảo mật dữ liệu, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn về bảo mật dữ liệu,
hình thành ngành công nghiệp trong lĩnh vực này.
Tổng Bí
thư khẳng định, Đảng và Nhà nước sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tối đa
cho sự phát triển của lĩnh vực dữ liệu, để Việt Nam sớm trở thành một quốc gia
số, một xã hội số, một nền kinh tế số thịnh vượng.
Theo BCP