Thực trạng chưa xứng với tiềm
năng
Mặc dù đã đạt được những kết quả
đáng ghi nhận nhưng ngành công nghiệp chế biến gỗ tại Việt Trì còn gặp không ít
khó khăn, đòi hỏi cần có giải pháp bứt phá để phát triển. Phát triển chưa xứng
tiềm năng Bảo đảm nguồn nguyên liệu là yếu tố quan trọng để Việt Trì thu hút
các doanh nghiệp lớn đầu tư các nhà máy chế biến nông lâm sản, tạo chuỗi giá trị
bền vững, xây dựng thương hiệu sản phẩm lâm sản. Hiện nay, diện tích rừng sản
xuất trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 120.000ha, trung bình mỗi năm toàn tỉnh thực
hiện trồng mới 10.000ha rừng tập trung; năng suất rừng trồng được cải thiện,
bình quân đạt 12m3/ha/năm, sản lượng gỗ ước đạt 678.000m3.
Thời gian qua, để nâng cao chất
lượng gỗ rừng trồng, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, Việt Trì đã tăng
cường chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương thực hiện chặt chẽ công tác quản
lý đất rừng, trồng rừng để đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cũng
như định hướng phát triển của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 620 cơ sở sản xuất, kinh
doanh, chế biến lâm sản và trên 2.100 hộ gia đình tham gia chế biến, đóng đồ mộc
gia dụng. Sản phẩm gỗ chế biến trên địa bàn tỉnh tương đối đa dạng, từ nguyên
liệu thô đến các sản phẩm giấy, bột giấy, dăm mảnh, ván bóc, ván xẻ, ván MDF,
ván HDF, đồ mộc gia dụng.
Hiện nay, Việt Nam đã tham gia
sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, trong bối cảnh nhiều hiệp định thương mại có
hiệu lực, nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế, trong đó có ngành sản xuất, chế biến
và xuất khẩu gỗ đang đứng trước nhiều cơ hội, thách thức. Để tạo ra các sản phẩm
gỗ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn đòi hỏi phải đầu tư lớn về vốn, nguồn
nhân lực và công nghệ chế biến. Tuy nhiên, quy mô sản xuất của các doanh nghiệp,
cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ và vừa; trình độ công nghệ
chế biến mức trung bình, mức tiêu hao nguyên liệu còn lớn, sản phẩm phần lớn
chưa có thương hiệu nên tác động đến sự phát triển chung của ngành công nghiệp
chế biến gỗ.
Hạn chế đối với ngành chế biến gỗ
là trong tổng thể cơ cấu ngành nghề chế biến gỗ sự hợp tác, liên kết giữa các
doanh nghiệp, cơ sở chế biến và người trồng rừng còn chưa chặt chẽ, chưa gắn kết
với chuỗi giá trị. Chế biến gỗ quy mô còn nhỏ lẻ, mối liên kết thấp, sản phẩm gỗ
chế biến tuy đa dạng song chủ yếu là sản phẩm sơ chế, chế biến thô, giá trị gia
tăng thấp. Có ít doanh nghiệp chế biến gỗ tại tỉnh xuất khẩu trực tiếp sản phẩm
ra nước ngoài mà đa số bán cho các công ty khác tại Hà Nội, Hải Phòng. Các sản
phẩm gỗ bóc có một lượng lớn cung cấp cho các tư thương Trung Quốc qua đường tiểu
ngạch hoặc bán cho một số doanh nghiệp trong nước để gia công, hoàn thiện sản
phẩm rồi xuất đi nước khác.
Bên cạnh đó, do số lượng các cơ sở chế biến gỗ tăng nhanh dẫn đến mất cân đối giữa cung và cầu trong việc cung cấp nguyên liệu đầu vào. Ở nhiều địa phương, năng lực chế biến đã vượt khả năng cung ứng nguyên liệu nên xảy ra việc khai thác quá mức, sử dụng cây chưa đủ tuổi, gây lãng phí, tỷ lệ hao hụt cao, có lúc các cơ sở chế biến gỗ còn thiếu nguyên liệu, ảnh hưởng tới quá trình sản xuất.
Là địa chỉ thu mua keo rừng trồng
của bà con trên địa bàn, Công ty TNHH MTV Minh Quang, xã Ngọc Đồng, huyện Yên Lập
chuyên bóc gỗ, băm dăm. Ông Đỗ Ngọc Quý - Giám đốc Công ty cho biết: Sản lượng
gỗ chế biến của công ty đạt khoảng 3.000m3/năm, sản phẩm ở dạng chế biến thô rồi
xuất cho công ty khác ở Hà Nội, Hải Phòng. Sản phẩm gỗ chủ yếu xuất qua khâu
trung gian nên phụ thuộc lớn vào biến động thị trường, tác động đến hoạt động của
doanh nghiệp.
Những năm gần đây, các thị trường
quan trọng như Hoa Kỳ, Nhật Bản,... luôn
đòi hỏi gỗ và sản phẩm từ gỗ khi thâm nhập thị trường này phải rõ nguồn gốc,
đây cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp chế biến gỗ cần thích ứng. Những khó
khăn trên cần có giải pháp khắc phục để ngành công nghiệp chế biễn gỗ phát triển
xứng với tiềm năng.
Giải pháp để phát triển bền
vững
Tác động của các xung đột thương
mại quốc tế, những thay đổi, điều chỉnh chính sách thường xuyên của các nước xuất
khẩu nguyên liệu, nhập khẩu đồ gỗ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành công nghiệp chế
biến gỗ và lâm sản. Để ngành chế biến gỗ phát triển bền vững cần khắc phục những
hạn chế nội tại, phát triển trên cơ sở hội nhập sâu vào thị trường khu vực và
toàn cầu; sử dụng nguyên liệu gỗ hợp pháp; ứng dụng công nghệ tiên tiến, thiết
bị hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường trong sản xuất.
Thời gian qua, công tác nghiên cứu
khoa học, ứng dụng công nghệ về sản xuất, chế biến gỗ được quan tâm đầu tư. Việt
trì đã hỗ trợ tích cực kinh phí cho các dự án đổi mới công nghệ của các doanh
nghiệp chế biến gỗ đồng thời có một số chính sách để hướng đến phát triển lâm
nghiệp bền vững trên cơ sở hài hòa yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường. Theo Nghị
quyết về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên
địa bàn tỉnh, tỉnh hỗ trợ chuyển hóa rừng cây gỗ lớn; hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng
bền vững FSC. Tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ trên địa bàn tỉnh hiện đạt
trên 19.000ha; diện tích trồng và chuyển hóa rừng gỗ lớn đạt gần 7.000ha, góp
phần nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu.
Trong cách mạng công nghiệp 4.0,
tốc độ chuyển đổi công nghệ hết sức nhanh chóng đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực
đầu tư đổi mới đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường. Việc đầu tư, mở rộng
quy mô doanh nghiệp chế biến gỗ phải đảm bảo yêu cầu công nghệ hiện đại, thiết
bị tiên tiến kết hợp với công nghệ thiết bị truyền thống, có quy mô phù hợp với
vùng nguyên liệu để phát triển những mặt hàng có lợi thế so sánh, phải gắn với
thị trường tiêu thụ trong nước, thế giới; nâng cao chất lượng, tăng nhanh giá
trị gia tăng, khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế để công nghiệp chế biến
gỗ phát triển bền vững, hiệu quả.
Ông Phùng Văn Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh cho biết: Để sản phẩm gỗ chế biến có chất lượng, đạt giá trị kinh tế cao thì nâng cao chất lượng gỗ nguyên liệu có vai trò quan trọng. Theo đó, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp thay đổi nhận thức về sử dụng gỗ hợp pháp và tập quán sử dụng gỗ rừng tự nhiên sang sử dụng gỗ từ rừng trồng; từ trồng rừng quảng canh sang thâm canh; chú trọng nâng cao chất lượng rừng trồng, tập trung trồng và chuyển hóa rừng gỗ lớn theo đúng lộ trình. Chứng chỉ rừng bền vững FSC được xem như là một công cụ marketing hỗ trợ thâm nhập vào các thị trường quốc tế và đạt được giá cả tối ưu.
Thị trường và dự báo nhu cầu thị
trường phải được coi là căn cứ để xác định mục tiêu phát triển công nghiệp chế
biến gỗ, đồng thời là động lực để từng bước đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị
phù hợp, tiên tiến gắn với khả năng cung ứng nguồn nguyên liệu và công tác quản
lý, sử dụng rừng bền vững. Bên cạnh đó, cần tăng cường các chương trình khuyến
khích hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư máy móc
thiết bị hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất cũng như tăng tính cạnh tranh của
sản phẩm trên thị trường thông qua các chương trình khuyến công, xúc tiến
thương mại; đẩy mạnh việc đào tạo nhân lực, nhất là đội ngũ kỹ sư công nghệ chế
biến và đội ngũ công nhân có tay nghề cao.
Ông Hoàng Văn Tuyển - Chủ tịch
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho biết: Liên hiệp đã tổ chức hội
thảo khoa học, tổng hợp các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản
lý và lấy ý kiến nhận xét, đánh giá, phản biện, tư vấn, đề xuất giải pháp về chế
biến gỗ. Qua đó đánh giá đúng thực trạng, đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách
nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, phát triển hiệu quả ngành sản xuất, chế biến gỗ.
Từ các ý kiến tham gia đóng góp, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đề
xuất kiến nghị với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương
rà soát, đánh giá, tổng kết các quy hoạch, chương trình, kế hoạch liên quan đến
phát triển lâm nghiệp, sản xuất, chế biến gỗ tại tỉnh giai đoạn 2011-2020. Trên
cơ sở đó xây dựng ban hành các quy hoạch, chương trình, kế hoạch cho giai đoạn
tiếp theo, trong đó trọng tâm là phát triển nguyên liệu gỗ chất lượng và chế biến,
xuất khẩu gỗ. Đồng thời thành lập Hội Chế biến gỗ Phú Thọ và Hội Chủ rừng Phú
Thọ để phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm nghiệp Việt Nam, Hội Chủ rừng Việt Nam tổ
chức các hoạt động thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến và thương mại các sản
phẩm gỗ trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Huế - BVT