Kết phiên cuối tuần, giá cà-phê Robusta đã thoát khỏi mốc đáy kể từ giữa tháng 1 lên vùng 5.000 USD/tấn. Trong khi đó, toàn bộ 7 mặt hàng nông sản nổi bật sắc xanh, dẫn đà tăng của toàn thị trường. Đóng cửa, lực mua chiếm ưu thế đã kéo chỉ số MXV-Index tăng 0,9% lên mức 2.168 điểm.
Giá cà-phê
hồi phục mạnh vào phiên cuối tuần
Tuần qua,
thị trường cà-phê thế giới chứng kiến nhiều biến động với các phiên tăng giảm
đan xen. Kết phiên giao dịch cuối tuần, giá cà-phê Arabica đã rút ngắn đà giảm
của các phiên đầu tuần khi tăng 3,51%, lên mức 7.885 USD/tấn. Tuy nhiên, tính
chung cả tuần, giá vẫn giảm 2,19% so tuần trước. Cùng chung xu hướng, đóng cửa
phiên giao dịch ngày thứ 6 (11/4), giá cà-phê Robusta đã bật tăng lên mức 5.099
USD/tấn, thoát khỏi vùng thấp nhất kể từ tháng 1 năm nay.
Diễn biến
giá cà-phê tuần qua cho thấy sự giảm mạnh vào phiên đầu tuần, sau đó phục hồi
và bật tăng ở phiên cuối. Thị trường tạm thời dịu lại sau thông báo của Tổng thống
Mỹ Donald Trump về việc áp thuế nhập khẩu 10% và hoãn áp thuế đối với phần lớn
các quốc gia trong vòng 90 ngày. Tuy nhiên, căng thẳng thuế quan vẫn khiến một
số nhà nhập khẩu cà-phê tại Mỹ yêu cầu các nhà xuất khẩu Việt Nam trì hoãn giao
hàng và hạn chế ký kết hợp đồng mới. Mỹ hiện là thị trường lớn thứ ba của
cà-phê nhân Việt Nam, chiếm khoảng 8,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, sau Liên minh
châu Âu (41%) và Nhật Bản (8,2%).
Trong khi
đó, báo cáo từ Cecafe cho thấy xuất khẩu cà-phê nhân của Brazil trong tháng 3 đạt
2,95 triệu bao, giảm 26,4% so cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết quý 1, Brazil xuất
khẩu tổng cộng 9,58 triệu bao, giảm 14%. Tương tự, thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải
quan Việt Nam cũng ghi nhận lượng cà-phê xuất khẩu của Việt Nam trong quý này
giảm mạnh 15,6%. Nguồn cung xuất khẩu từ hai quốc gia sản xuất cà-phê lớn nhất
thế giới đều suy giảm đáng kể so năm ngoái, thị trường dự báo tình trạng thắt
chặt nguồn cung sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.
Lực bán
chiếm áp đảo trên thị trường nguyên liệu công nghiệp trong tuần giao dịch vừa
qua. Trong đó, hai mặt hàng cao-su gây chú ý khi lao dốc rất mạnh, kéo chỉ số
giá toàn nhóm suy yếu. Trong đó, mặt hàng cao su RSS3 Osaka khép lại tuần giao
dịch với mức giảm sâu 7,63%, xuống còn 2.066 USD/tấn. Cao su TSR20 cũng giảm mạnh
6,56%, chốt ở mức giá 1.695 USD/tấn. Đặc biệt vào phiên đầu tuần ngày thứ 2
(7/4) cả hai mã cao-su này đều ghi nhận mức giảm kỷ lục: RSS3 Osaka lao dốc tới
8,1%, còn TSR20 Singapore mất giá tới 10,09%, đánh dấu mức thấp nhất trong hơn
một năm qua.
Theo hiệp
hội ngành ô-tô Trung Quốc, xuất khẩu ô-tô của nước này có thể đối mặt với áp lực
lớn hơn dự báo trong năm nay do tác động từ việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu. Điều
này có thể khiến nhu cầu tiêu thụ cao-su - nguyên liệu chính trong ngành sản xuất
ô-tô suy giảm đáng kể trong thời gian tới.
Giá đậu
tương có tuần tăng mạnh nhất kể từ năm 2022
Đi ngược với
xu hướng giằng co của toàn thị trường hàng hóa, thị trường nông sản giữ đà tăng
giá trong suốt tuần giao dịch vừa qua. Đóng cửa, toàn bộ 7 mặt hàng nổi bật sắc
xanh. Trong đó, giá một số mặt hàng tăng đáng chú ý: ngô tăng 6,5%; khô đậu
tương tăng gần 6%, lúa mì CBOT tăng 5%. Giá đậu tương tăng mạnh nhất lên tới
6,7%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2022.
Theo MXV,
sự kết hợp của nhiều yếu tố hỗ trợ như: xuất khẩu ổn định, các điều chỉnh chính
sách thương mại từ phía Mỹ và rủi ro gián đoạn nguồn cung tại Nam Mỹ đã hỗ trợ
đáng kể cho giá đậu tương trong tuần.
Yếu tố
quan trọng đầu tiên hỗ trợ giá đậu tương là hoạt động xuất khẩu của Mỹ duy trì ở
mức tích cực. Báo cáo giao hàng xuất khẩu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy
giao hàng đạt hơn 805.000 tấn trong tuần, cao hơn đáng kể so cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, trong tuần, USDA cũng công bố đơn hàng bán 198.000 tấn đậu tương cho
khách hàng giấu tên - đơn hàng đầu tiên kể từ đầu tháng 3, cho thấy nhu cầu đối
với đậu tương Mỹ vẫn ổn định, bất chấp căng thẳng thuế quan kéo dài.
Chính sách
thương mại của Mỹ tiếp tục là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến tâm lý thị trường. Việc
chính quyền Tổng thống Trump giảm thuế cho hơn 70 quốc gia đã thúc đẩy hy vọng
về khả năng Mỹ đạt được thêm các thỏa thuận thương mại mới, đặc biệt là trong
lĩnh vực nông sản. Dù căng thẳng với Trung Quốc chưa hạ nhiệt nhưng thị trường
vẫn phản ứng tích cực trước triển vọng mở rộng xuất khẩu sang các đối tác khác.
Bên cạnh
đó, tình trạng đình công tại cụm cảng Rosario của Argentina - trung tâm xuất khẩu
đậu tương lớn nhất của quốc gia này đã làm gián đoạn dòng chảy hàng hóa ra thị
trường toàn cầu. Đây là yếu tố khiến giới đầu tư lo ngại về khả năng thiếu hụt
nguồn cung trong ngắn hạn, góp phần củng cố lực mua trên thị trường trong tuần
vừa rồi.
Cuối cùng,
báo cáo cung-cầu nông sản thế giới WASDE tháng 4 cho thấy tồn kho đậu tương nội
địa Mỹ giảm nhẹ xuống còn 375 triệu giạ trong khi tồn kho toàn cầu tăng không
đáng kể. Dù báo cáo có tác động trung lập, việc nhu cầu ép dầu tăng và tồn kho
Mỹ thấp hơn dự báo vẫn góp phần củng cố xu hướng tăng giá.
MVX