Giá vàng được kỳ vọng tiếp tục bứt phá
Trên thị trường hàng hóa, vàng là một
trong những mặt hàng có hiệu suất tốt nhất trong năm nay, với mức tăng hơn 25%
kể từ đầu năm và đã liên tiếp phá vỡ nhiều cột mốc kỷ lục.
Động lực chính thúc đẩy đà tăng giá của
kim loại quý này là sự lạc quan về việc các ngân hàng trung ương lớn cắt giảm
lãi suất, hoạt động mua vào mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương, cũng như nhu
cầu bùng nổ tại châu Á và Bắc Mỹ. Rủi ro địa chính trị và kinh tế gia tăng cũng
thúc đẩy nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn này.
Trong đó, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ
(Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất trong tháng 9 đã tạo ra động lực mạnh mẽ cho
giá vàng.
Theo ING, bức tranh vĩ mô lạc quan, kết hợp
với nhu cầu dành cho các tài sản trú ẩn an toàn và hoạt động mua vào của các
ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục đưa kim loại quý này lên mức đỉnh mới trong
năm 2025. Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) tỏ ra thận trọng hơn khi nhận định, giá
vàng sẽ đạt mức tăng trưởng vừa phải.
ING dự báo giá vàng có thể vượt mốc 2.800
đô la/ounce trong nửa đầu năm tới, và kết thúc năm ở mức 2.760 đô la/ounce.
Câu hỏi chính đối với thị trường vàng hiện
nay là việc Fed sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ ở mức độ nào sau khi Tổng
thống đắc cử Mỹ Donald Trump chính thức quay trở lại Nhà Trắng. Việc áp lực lạm
phát gia tăng do các chính sách của ông Trump có thể khiến Fed cắt giảm lãi suất
chậm hơn so với dự kiến trước đây.
Theo chuyên gia kinh tế Mỹ của ING, ông
James Knightley, sau đợt cắt giảm 0,25 điểm phần trăm trong tháng 12, triển vọng
cắt giảm lãi suất của Fed vẫn chưa rõ ràng và có nhiều khả năng Ủy ban Thị trường
Mở Liên bang (FOMC) sẽ tạm dừng trong tháng 1.
Ông Knightley dự báo Fed có thể cắt giảm lãi suất ở mức 0,25 điểm phần trăm mỗi quí thay vì 0,5 điểm phần trăm. Điều này sẽ khiến lãi suất rơi về mức 3,75% trong quí 3-2025, cao hơn đáng kể so với dự báo ông từng đưa ra trước đó.
Trong năm tới, các ngân hàng trung ương được
dự báo sẽ tiếp tục mua vàng do áp lực từ căng thẳng địa chính trị và tình hình
kinh tế. Tuy nhiên, tổng lượng mua cả năm sẽ không thể bằng các năm 2023 và
2024, đặc biệt là trong bối cảnh Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã không
bổ sung vàng vào dự trữ của mình trong tháng thứ sáu liên tiếp (tính đến tháng
10).
Thị trường dầu mỏ tiếp tục dư cung
Giá dầu đã chịu khá nhiều áp lực trong năm
nay, khi thị trường lo ngại về nhu cầu và khả năng dư cung trong năm 2025. Tình
trạng này sẽ khiến giá dầu có xu hướng giảm. Các chuyên gia của ING dự báo, giá
dầu Brent có thể đạt mức trung bình 71 đô la/thùng trong năm 2025, trong khi
giá dầu WTI có thể lùi về mức 68 đô la/thùng.
Ngay cả khi các thành viên Tổ chức Các nước
xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (còn gọi là OPEC+) quyết định tiếp tục
duy trì biện pháp cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày, áp lực dư
thừa cũng sẽ không lắng dịu là bao, do nguồn cung bên ngoài OPEC trong năm tới
được dự báo tăng khoảng 1,4 triệu thùng/ngày.
OPEC+ được dự báo sẽ tiếp tục gia hạn các
biện pháp cắt giảm sản lượng trong năm 2025. Tuy nhiên, điều này có thể làm gia
tăng bất đồng giữa các thành viên trong nhóm, đặc biệt là khi giá dầu vẫn ở mức
thấp. Rốt cuộc, OPEC+ vẫn sẽ phải tăng sản lượng trở lại, nếu không muốn mất thị
phần vào tay các nhà sản xuất bên ngoài khối.
Căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông đã
trở thành mối quan tâm hàng đầu của thị trường trong năm nay, do những lo ngại
căng thẳng leo thang có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu của Iran. Thế nhưng,
thực tế cho thấy, thị trường đang dần miễn nhiễm với những lo ngại này. Trong
năm 2025, những rủi ro địa chính trị trong khu vực sẽ chỉ có thể tác động đáng
kể đến giá dầu, nếu nguồn cung thực sự bị gián đoạn.
Một yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng lớn
tới thị trường là việc ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng. Việc ông Trump
nới lỏng các quy định với ngành dầu khí, đẩy nhanh phê duyệt cơ sở hạ tầng đường
ống… sẽ thúc đẩy sản lượng trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, chính sách cứng rắn
của ông với Iran và khả năng căng thẳng thương mại gia tăng do thuế quan sẽ là
mối lo ngại lớn đối với thị trường dầu mỏ.
Trong các dự báo mới nhất, OPEC ước tính
tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2025 sẽ là 1,45 triệu thùng/ngày, giảm
90.000 thùng/ngày so với đánh giá của tháng trước là 1,54 triệu thùng/ngày. Còn
theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2025 có
thể tăng từ mức 990.000 thùng/ngày lên 1,1 triệu thùng/ngày nhờ các biện pháp
kích thích từ Trung Quốc, nhưng thị trường vẫn sẽ đối mặt với tình trạng dư
cung.
Kim loại công nghiệp chịu áp lực giảm
Triển vọng của kim loại công nghiệp có vẻ
hơi u ám, do những lo ngại về căng thẳng thương mại gia tăng, và những thay đổi
tiềm tàng đối với Đạo luật Giảm lạm phát tại Mỹ. Thị trường cũng đang chờ đợi
xem, liệu các biện pháp kích thích kinh tế tại Trung Quốc có đủ để vực dậy nhu
cầu của thị trường hay không.
Sắt là kim loại công nghiệp có hiệu suất
kém nhất trong năm 2024, khi đã giảm hơn 20% trong 11 tháng đầu năm. Rủi ro giảm
giá được dự báo vẫn sẽ chiếm ưu thế trong năm tới, do nhu cầu thép giảm. Các
chuyên gia dự báo, giá quặng sắt trung bình trong năm 2025 sẽ là 95 đô la/tấn,
và giảm dần về mức 90 đô la/tấn trong quí 4-2025.
Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ quặng sắt lớn
nhất thế giới, tiếp tục là lực cản đối với nhu cầu. Nền kinh tế giảm tốc và đặc
biệt là cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc - vốn chiếm khoảng
40% nhu cầu quặng sắt, đã ảnh hưởng đến giá kim loại này.
Mặc dù Bắc Kinh đã triển khai nhiều biện
pháp hỗ trợ bất động sản nhưng cho đến nay, chúng vẫn chưa tạo ra bất kỳ tác động
có ý nghĩa nào đối với nhu cầu kim loại. Việc khởi công xây dựng nhà mới của
Trung Quốc - động lực lớn nhất cho nhu cầu thép - tiếp tục giảm được dự báo sẽ
kìm hãm nhu cầu quặng sắt trong năm 2025.
Các nhà phân tích của Morgan Stanley gần
đây cũng cảnh báo rằng nhu cầu thép toàn cầu vẫn ảm đạm, khi thị trường châu Âu
đang trong tình trạng cung vượt cầu, doanh số tại Mỹ dự kiến sẽ thấp do nhu cầu
sản xuất yếu và lượng hàng tồn kho tại Trung Quốc vẫn ở mức cao.
Rủi ro giảm giá đối với đồng đã tăng lên,
đặc biệt là sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Các chính sách thuế quan tiềm tàng và sự mạnh lên của đồng đô la Mỹ có thể làm
giảm giá đồng hơn nữa. Bên cạnh đó, khả năng ông Trump hạ thấp ưu tiên cho các
chính sách về môi trường cũng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu đối với đồng - kim loại
vốn cần thiết cho các lĩnh vực năng lượng xanh.
Việc ông Trump trở lại nắm quyền cũng sẽ
là thách thức lớn đối với các nỗ lực thúc đẩy năng lượng tái tạo của Trung Quốc.
Tuy nhiên, viễn cảnh về một cuộc chiến thương mại kéo dài đã làm dấy lên kỳ vọng
rằng Bắc Kinh sẽ công bố các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn, qua đó cải thiện
nhu cầu tiêu thụ đồng.
Sản lượng khai thác đồng thế giới trong
năm 2025, dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 3,5%, qua đó duy trì tình trạng thặng
dư. ING dự báo, giá đồng sẽ bắt đầu giảm sau khi thuế quan của Mỹ bắt đầu có hiệu
lực từ cuối quí 2 và đầu quí 3-2025. Mức giá trung bình của đồng được dự báo đạt
8.900 đô la/tấn trong năm tới.
Trong khi đó, thị trường nhôm toàn cầu sẽ
thiếu hụt khoảng 400.000 tấn trong năm 2025, sau khi dư thừa khoảng 100.000 tấn
trong năm nay. Sự thắt chặt của thị trường toàn cầu sẽ tạo ra sự hỗ trợ đáng kể
cho kim loại này, giúp giá nhôm hướng tới mức trung bình 2.625 đô la/tấn trong
năm 2025.
Tuy nhiên, những rủi ro giảm giá vẫn còn
trên thị trường, bao gồm căng thẳng địa chính trị dai dẳng, và chuỗi cung ứng,
dòng chảy thương mại có nhiều khả năng biến động. Nhu cầu nhôm tại châu Âu được
dự báo vẫn yếu, trong khi sự phục hồi chậm chạp của lĩnh vực bất động sản Trung
Quốc cũng là lực cản đối với nhu cầu.
KTSG