Mới đây vào
ngày 2/11, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) đã ban hành quy định hướng dẫn và kế hoạch phát
triển robot hình người, theo đó lĩnh vực robot được coi là sản phẩm đột phá tiếp
theo hướng đến người tiêu dùng sau máy tính, điện thoại thông minh và phương tiện
giao thông sử dụng năng lượng mới.
Văn bản hướng
dẫn gồm 9 trang của MIIT đề cập các mục tiêu và xác định các mốc thời gian cho
lĩnh vực công nghiệp mới. Cụ thể Trung Quốc dự kiến sẽ thành lập một hệ sinh
thái nội địa cho robot hình người vào năm 2025. Vào thời điểm đó, các sản phẩm
robot có thể sẽ được sản xuất hàng loạt, nhanh chóng bắt kịp các đối thủ quốc tế.
Theo MIIT,
Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu thiết lập hệ thống đổi mới với robot hình người, tạo
ra bước đột phá trong một số công nghệ quan trọng, đảm bảo cung cấp các bộ phận
cốt lõi như não, tiểu não và các chi (tay chân) trong robot hình người phải
nhanh nhẹn, an toàn và hiệu quả.
Bản hướng
dẫn và kế hoạch nêu trên cũng phác thảo chi tiết những mục tiêu đầy tham vọng của
Trung Quốc như đến năm năm 2025, quốc gia này đặt mục tiêu có từ 2 đến 3 công
ty hàng đầu thế giới, thành lập một cụm doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyên biệt và
tạo ra 2 đến 3 trung tâm phát triển công nghiệp robot.
Trung Quốc
dự kiến sẽ thiết lập chuỗi cung ứng công nghiệp đáng tin cậy, với các sản phẩm
từ lĩnh vực này được tích hợp liền mạch vào nền kinh tế thực, như đã nêu trong
hướng dẫn. Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đặt kỳ vọng đến năm
2027, robot hình người sẽ trở thành động lực tăng trưởng kinh tế mới có tầm ảnh
hưởng quan trọng ở Trung Quốc.
Nhấn mạnh
tầm quan trọng của việc nghiên cứu và phát triển Robot hình người kết hợp các
công nghệ tiên tiến, bao gồm trí tuệ nhân tạo, sản xuất vật liệu mới được đánh
giá là tiềm năng trở thành biên giới cạnh tranh mới trong các ngành công nghiệp
tương lai, do đó chính phủ có kế hoạch thúc đẩy đổi mới công nghệ chủ chốt bằng
cách tăng cường chính sách và huy động nguồn lực nhằm hỗ trợ tối đa để phát triển
ngành công nghiệp robot hình người.
Các hướng
dẫn đề xuất thúc đẩy công nghệ trí tuệ nhân tạo với trọng tâm là những đột phá
trong các lĩnh vực chính như “não”, “tiểu não” và “tay chân”. “Bộ não” bao gồm
các công nghệ cốt lõi của robot hình người dựa trên các mô hình AI lớn, trong
khi “tiểu não” liên quan đến nhận thức về môi trường, kiểm soát hành vi và khả
năng tương tác giữa người và máy của robot. “Chân tay” dùng để chỉ cánh tay,
bàn tay, chân và bàn chân cơ khí hình người. Trọng tâm là giải quyết các công
nghệ chủ chốt, bao gồm khung nhẹ, cấu trúc thân có độ bền cao và cảm biến có độ
chính xác cao.
Hướng dẫn
cũng nêu các biện pháp mở rộng ứng dụng robot hình người trong các lĩnh vực như
điện tử, ô tô, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ, nông nghiệp, hậu cần và thậm chí cả
môi trường công nghiệp chuyên biệt nơi con người hiện đang đảm nhận các nhiệm vụ
nguy hiểm hay trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt…
Theo Báo
cáo của World Robotics 2022 do Liên đoàn Robot Quốc tế công bố, Trung Quốc đã đạt
được tiến bộ trong lĩnh vực robot công nghiệp, lần đầu tiên vượt qua Mỹ vào năm
2021 để trở thành quốc gia tự động hóa thứ 5 trên thế giới. Còn theo báo cáo từ
công ty tư vấn kinh doanh Grand View Research cho biết, quy mô Thị trường toàn
cầu dành cho robot hình người đã đạt trị giá 1,11 tỷ USD vào năm 2022, và được
dự đoán sẽ có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 21,1% từ năm 2023 đến
năm 2030.
Chính vì vậy,
mục tiêu tham vọng mới của Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu các quỹ trợ cấp công
và doanh nghiệp cho các mục tiêu cụ thể, hướng dẫn nghiên cứu về robot hình người,
cũng như tiến bộ trong các khía cạnh cơ bản khác nhau của lĩnh vực sản xuất
robot hay cải tiến AI, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và sự khéo léo của robot sẽ ngày
càng tăng.
Theo TechN