Đây là một trong những dự án hạ tầng trọng điểm theo hình thức đối tác công tư (PPP), được kỳ vọng tạo đột phá phát triển vùng duyên hải Bắc Bộ.
Theo
thống nhất giữa UBND tỉnh Thái Bình và UBND tỉnh Nam Định tại hội nghị ngày
7/5, dự án có chiều dài hơn 60,9km. Trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định
dài 27,6km, đoạn qua địa bàn tỉnh Thái Bình dài 33,3km. Dự án có tổng mức đầu
tư trên 19.784 tỷ đồng và được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc loại A, với 4
làn xe hoàn chỉnh, nền đường rộng 24,5m và vận tốc thiết kế tối đa lên đến
120km/h.
Tuyến
cao tốc bắt đầu tại xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) và kết thúc tại
xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy (Thái Bình). Với vị trí chiến lược, tuyến CT.08
không chỉ kết nối các tỉnh ven biển phía Bắc mà còn là mắt xích quan trọng
trong trục giao thông xuyên vùng Bắc Bộ – Bắc Trung Bộ, góp phần hoàn chỉnh mạng
lưới cao tốc quốc gia.
Để
triển khai dự án, hai địa phương sẽ phải thu hồi hơn 492ha đất. Trong đó, đất
nông nghiệp chiếm hơn 410ha, đất ở hơn 14ha và khoảng 68ha đất khác. Các địa
phương đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để đảm bảo đủ điều kiện
khởi công trong tháng 5.
Cụ
thể, Thái Bình đặt mục tiêu hoàn tất di chuyển mộ và bàn giao đất nông nghiệp
ngay trong tháng 5/2025, giải phóng mặt bằng đất ở xong trong quý IV/2025. Nam
Định cũng phấn đấu hoàn thành công tác mặt bằng đất nông nghiệp và di dời mộ
trong tháng 5, hoàn tất giải phóng đất ở trong tháng 9/2025.
Đây
là dự án có quy mô lớn và khối lượng công việc phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt
chẽ giữa các địa phương, nhà đầu tư và các bộ ngành liên quan. Đến nay, các bước
chuẩn bị cho khởi công cơ bản đã hoàn tất. Hạ tầng kỹ thuật, cơ sở pháp lý, quy
trình giải phóng mặt bằng và công tác chuẩn bị mặt bằng đều đang được hai địa
phương triển khai đồng bộ, quyết liệt.
Khi
hoàn thành, tuyến cao tốc sẽ rút ngắn đáng kể thời gian kết nối giữa các khu
kinh tế ven biển, khu công nghiệp tập trung, cảng biển và các đô thị lớn như
Ninh Bình, Hải Phòng, Nam Định và Thái Bình. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi
để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế biển và công nghiệp phụ trợ tại
các địa phương lân cận.
Ngoài
ra, dự án còn góp phần giảm tải cho các tuyến quốc lộ hiện hữu, nâng cao năng lực
vận tải, hỗ trợ phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu vực
đồng bằng sông Hồng. Đây cũng là một bước cụ thể hóa mục tiêu chiến lược của
Chính phủ trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.