Thông tin theo TTXVN tại Singapore, từ ngày 20-22/5, tại Trung tâm triển lãm Sands Expo & Convention Centre diễn ra Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á (SEMICON SEA) 2025 với chủ đề “Mạnh hơn khi cùng nhau.”
Tham gia
triển lãm, Việt Nam lần đầu tiên có gian hàng quốc gia để quảng bá, kết nối, đồng
thời Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với đối tác tổ chức Diễn
đàn đầu tư Việt Nam.
Hơn 500
doanh nghiệp và tập đoàn công nghệ đã tham gia SEMICON SEA 2025 với quy mô hơn
1.000 gian hàng, thu hút khoảng 20.000 khách tham quan.
Theo Ban tổ
chức, việc lựa chọn chủ đề năm nay xuất phát từ nhu cầu hợp tác cấp thiết trong
ngành công nghiệp điện tử Đông Nam Á.
Trong bối
cảnh có nhiều thách thức đa dạng như biến động kinh tế, thay đổi về quy định và
phức tạp về địa chính trị, các bên liên quan trong ngành cần vượt qua lợi ích
cá nhân để xây dựng quan hệ đối tác và chia sẻ chuyên môn, qua đó cùng nhau đối
mặt với những thách thức chung và thúc đẩy khả năng phục hồi.
Bằng cách
khai thác sức mạnh của hành động tập thể, ngành bán dẫn có thể khuếch đại lợi
thế cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và xây dựng một hệ sinh thái bền vững phát triển
mạnh mẽ nhờ sự đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau.
Trong
khuôn khổ triển lãm, ngày 20/5, NIC phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại
Singapore, tập đoàn Meta và Hiệp hội Bán dẫn Đông Nam Á tổ chức diễn đàn đầu tư
Việt Nam với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến cho đổi mới sáng tạo và công nghệ chiến
lược” nhằm thúc đẩy hợp tác và đầu tư vào công nghệ chiến lược như bán dẫn, trí
tuệ nhân tạo (AI), sản xuất thông minh, công nghệ cao...
Diễn đàn
quy tụ hơn 150 đại biểu từ các tập đoàn công nghệ, viện nghiên cứu, trường đại
học hàng đầu của Việt Nam, Singapore và quốc tế như Meta, Cadence, Marvell,
Dassault Systèmes, Siemens EDA, A*Star, Becamex, Viettel, FPT, Deep C, Đại học
Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện các địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ
Chí Minh, Bắc Giang…
Diễn đàn tập
trung vào 4 mục tiêu trọng điểm: Quảng bá môi trường đầu tư và hệ sinh thái
công nghệ cao tại Việt Nam; Giới thiệu các chính sách ưu tiên của Chính phủ
trong các lĩnh vực chiến lược như bán dẫn, AI, công nghệ số, sản xuất thông
minh; Kết nối doanh nghiệp-viện nghiên cứu-đối tác quốc tế, thúc đẩy chuyển
giao công nghệ; Hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bán dẫn, hướng đến
xây dựng Trung tâm đào tạo nhân tài khu vực tại Việt Nam.
Tại diễn
đàn, Đại sứ Việt Nam tại Singapore Trần Phước Anh nhấn mạnh: “Chủ đề ‘Mạnh hơn
khi cùng nhau’ của SEMICON Đông Nam Á năm nay có sự đồng điệu sâu sắc với cách
tiếp cận của Việt Nam đối với quan hệ đối tác toàn cầu và tầm nhìn của Việt Nam
về một tương lai công nghệ thịnh vượng. Chính phủ Việt Nam đã xác định đổi mới
sáng tạo và công nghệ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng đột phá…
Diễn đàn
này là một nền tảng chiến lược để giới thiệu môi trường đầu tư của Việt Nam và
các chính sách hỗ trợ cho các lĩnh vực như chất bán dẫn, điện tử, AI và sản xuất
tiên tiến. Chúng tôi mong muốn thúc đẩy đối thoại cởi mở để gia tăng hiệu quả đầu
tư và hợp tác giữa các thực thể Việt Nam và các đối tác quốc tế.”
Trong
phiên thảo luận chuyên đề “Mở khóa tiềm năng công nghệ cao của Việt Nam,” các đại
diện từ Dassault Systèmes, Siemens, Marvell, Deep C, Ban Quản lý các khu công
nghệ cao và chính quyền địa phương như Bắc Giang đã chia sẻ nhiều góc nhìn chiến
lược nhằm đẩy mạnh liên kết đầu tư và phát triển hệ sinh thái công nghệ bền vững
tại Việt Nam.
Chia sẻ với
phóng viên TTXVN tại Singapore, ông Vũ Quốc Huy- Giám đốc NIC - cho biết để huy
động được các nguồn lực cả trong nước và nước ngoài cho đổi mới sáng tạo cũng
như cho các ngành công nghiệp chiến lược, NIC nghiên cứu xây dựng kế hoạch rất
cụ thể để tiếp cận và trao đổi với các đối tác lớn ở ngoài nước, nhất là các tập
đoàn doanh nghiệp công nghệ lớn của các quốc gia phát triển như Mỹ, Singapore,
Hàn Quốc, Nhật Bản... nhằm triển khai các chương trình ươm tạo để đào tạo, thúc
đẩy đầu tư, xây dựng các văn phòng, trung tâm nghiên cứu và phát triển trong
lĩnh vực công nghệ chiến lược tại Việt Nam.
Cũng theo
ông Vũ Quốc Huy, đến nay NIC đã xây dựng được một hệ thống các đối tác rất lớn
để thực hiện các hoạt động đầu tư và hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo tại Việt Nam,
ví dụ như hoạt động hợp tác với Meta.
Năm nay,
NIC phối hợp với Meta triển khai chương trình huy động giải pháp để xây dựng Bộ
dữ liệu tiếng Việt mã nguồn mở phục vụ cho ứng dụng AI vào Việt Nam, gọi tắt là
ViGen.
Nếu xây dựng
thành công Bộ dữ liệu tiếng Việt này thì các ứng dụng của AI sẽ trở nên phổ biến
hơn và thuận tiện hơn đối với người Việt.
Khẳng định
sự hợp tác chặt chẽ của Meta với NIC nói riêng và Việt Nam nói chung, ông
Rafael Frankel- Giám đốc Chính sách công khu vực châu Á-Thái Bình Dương của
Meta - cho biết đây đã là năm thứ 3 Meta tham gia chương trình Thách thức đổi mới
sáng tạo Việt Nam.
Năm ngoái,
Meta tập trung vào AI và chất bán dẫn. Năm nay, Meta tập trung vào việc xây dựng
Dự án ViGen, một trong những bộ dữ liệu lớn nhất của Việt Nam từng được xây dựng
cho Mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) mã nguồn mở. Ông Rafael Frankel tiết lộ Meta
đang thực hiện một khoản đầu tư AI khổng lồ tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sự kiện cũng nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài. Ông Đặng Tấn Đức- Giám đốc Ban Quản lý Khu công nghiệp Khoa học và Công nghệ của Becamex - chia sẻ những nỗ lực của công ty trong thời gian qua trong việc xây dựng hệ sinh thái công nghệ VSIP, bao gồm hợp tác với các trường đại học và các viện nghiên cứu, trong đó có các trường đại học, viện nghiên cứu tại Singapore, cũng như hệ thống đào tạo nghề của Singapore.
Ông Đặng Tấn
Đức nhấn mạnh: “Gần đây, trong chuyến thăm của Thủ tướng Singapore Lawrence
Wong tới Việt Nam, chúng tôi đã công bố việc thành lập Hội đồng Cố vấn quốc tế
về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của VSIP. Đây là một nền tảng để
chúng tôi huy động trí tuệ cũng như đóng góp từ các lãnh đạo, các trường đại học,
cao đẳng, dạy nghề, các tập đoàn sản xuất công nghệ cao của khu vực để góp ý và
định hình một mô hình VSIP 2.0 thế hệ mới, từ đó thu hút dòng vốn FDI công nghệ
cao cũng như hỗ trợ thúc đẩy, phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp, các
doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có thể gắn chặt với các doanh nghiệp FDI
này để tạo thành một hệ sinh thái, chuỗi cung ứng sản xuất vừa linh động, vừa
có năng lực để thu hút, giữ chân các tập đoàn công nghệ tiếp tục sản xuất, phát
triển, mở rộng hoạt động tại Việt Nam, trong cả hoạt động sản xuất và nghiên cứu,
phát triển.”
Đánh giá về
môi trường đầu tư cho đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, ông Ng Aik Hock - Giám đốc
Dịch vụ công và thành phố khu vực châu Á-Nam Thái Bình Dương của công ty
Dassault Systèmes - nhận định: “Việt Nam là một trong những trung tâm công nghiệp
phát triển nhanh nhất thế giới, được hỗ trợ bởi một chính phủ mạnh, thúc đẩy
công nghiệp 4.0 và ổn định sản xuất, chạy đua trong số hóa. Điều này tạo ra nhu
cầu thúc đẩy các giải pháp quản lý vòng đời sản phẩm và công nghệ song sinh ảo.
Dassault Systèmes đang đẩy mạnh đầu tư và nguồn lực để phục vụ cả khách hàng Việt
Nam hiện tại và trong tương lai.”
Chuỗi hoạt
động của Việt Nam trong SEMICON SEA 2025 cùng với sự tham gia của các doanh
nghiệp và tổ chức nghiên cứu hàng đầu đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc
đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Theo TTXVN